Núi Tà Tao, theo tiếng dân tộc Mông còn có nghĩa là núi Gà Lôi. Theo người dân nơi đây, xưa kia khu vực này là nơi trú ngụ của giống gà lôi linh thiêng. Trong lời kể lại của những già làng về truyền thuyết gà lôi đã gắp những tảng đá thả xuống mặt đất, tạo thành dãy núi Tà Dông, Tà Tao che chở bà con dân bản qua cơn đại hồng thủy.
Tà Tao là đỉnh núi mới được đưa vào khai thác du lịch và nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn cho những du khách yêu thích leo núi, khám phá thiên nhiên do địa hình đẹp, cung leo núi ngắn với độ khó vừa phải.
Để chinh phục đỉnh Tà Tao, chúng tôi cùng 7 du khách đến từ Thành phố Hà Nội, trong đó có cả thanh thiếu niên độ tuổi từ 9-15 tuổi cùng tham gia. Dẫn đoàn là hai porter (là người địa phương có hiểu biết sâu rộng về địa hình, đường đi, và điều kiện thời tiết của khu vực) người Mông giàu kinh nghiệm, am hiểu địa hình. Họ là những người dẫn đường tận tâm, luôn theo sát, nhắc nhở từng thành viên về những đoạn đường hiểm trở, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả đoàn trong suốt hành trình.
Hành trình leo núi của chúng tôi thêm phần khó khăn, do sương mù dày đặc bao phủ lối đi, cùng mưa phùn làm cung đường trơn trượt, thời gian leo núi dài hơn. Anh Vàng A Phệnh, bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, người dẫn đoàn, chia sẻ: Thời điểm đẹp nhất để chinh phục đỉnh Tà Tao là từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm. Anh em dẫn đường phải thông thạo địa hình, sức khỏe tốt, đồng thời phải kiêm cả vai trò hướng dẫn viên du lịch, hỗ trợ du khách di chuyển, ghi lại những khoảnh khắc đẹp cho du khách.
Cung đường leo đỉnh Tà Tao dài 6 km bắt đầu từ trung tâm bản Nậm Nghẹp. Chặng đầu dài khoảng 3 km đường dốc, quanh co, nhiều đoạn đá, khe suối đoàn di chuyển bằng xe máy. 3 km còn lại là hành trình "đi xe của bộ".
Con đường mòn cheo leo, dốc đá, cùng với thời tiết thay đổi thất thường, nhanh chóng thử thách sức bền và ý chí của cả đoàn. Trên hành trình, thấp thoáng những túp lán nhỏ đơn sơ của người chăn gia súc trú ngụ, tô điểm thêm nét đẹp của vùng núi này. Chúng tôi có cơ hội trải nghiệm cuộc sống thường nhật bình dị của bà con địa phương, ghi lại những khoảnh khắc và đắm mình vào không gian yên bình, trong trẻo của núi rừng.
Tiến sâu vào rừng già, hành trình trở nên gian nan hơn với con đường mòn ngày càng nhỏ hẹp và dốc đứng. Bước chân nặng nhọc hơn, chúng tôi cảm nhận rõ rệt sự thay đổi của cảnh quan. Bầu trời xanh dần khép lại, nhường chỗ cho tán rừng nguyên sinh rậm rạp với những cây cổ thụ cao vút, tầng tầng lớp lớp đan xen, tạo nên một mái vòm xanh mát.
Hệ thực vật đa dạng hiện ra trước mắt, từ những lớp rêu phong dày đặc bám trên thân cây, đến những rừng đỗ quyên cổ thụ cao lớn như những tòa nhà đang độ ra hoa khoe sắc rực rỡ. Những tán lá phong đỏ rực, nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của rừng già, cùng với những cây chè cổ thụ tự nhiên, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt diệu.
Ẩn sâu trong rừng là những cây đại thụ với hình dáng kỳ vĩ, độc lạ, khoác lên mình lớp rêu phong dày dặn, minh chứng cho sự trường tồn của thời gian. Những ghềnh đá dựng đứng, sừng sững, hòa cùng những dòng thác nước trắng xóa ào ạt đổ xuống, tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng, khiến ai cũng phải choáng ngợp.
Chị Đào Hồng Khanh, du khách đến từ Thành phố Hà Nội, tâm sự: Tranh thủ cuối tuần, tôi cùng đưa các con lên Ngọc Chiến trải nghiệm không gian văn hóa của đồng bào Mông tại Ngày hội Hoa sơn tra, kết hợp thử thách chinh phục đỉnh Tà Tao. Những dãy núi kỳ vĩ ẩn mình trong sương, thảm thực vật phong phú khiến ai cũng bất ngờ. Đi vào thời điểm có sương mù, khung cảnh trở nên huyền ảo, như lạc vào khu rừng trong những câu chuyện cổ tích.
Hành trình lên đỉnh Tà Tao đã mang đến những trải nghiệm khó quên trước cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và khiến chúng tôi vô cùng ấn tượng với cách làm du lịch đầy tinh tế của người dân bản Nậm Nghẹp. Họ đã biết khai thác những tiềm năng sẵn có của địa phương và khéo léo lồng ghép, truyền tải những giá trị văn hóa, bản sắc độc đáo của dân tộc mình.
Trên suốt chặng đường, các porter vừa dẫn đường tận tâm, nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ mọi thành viên trong đoàn vượt qua những khó khăn, vừa là những người tài hoa, biểu diễn sáo trúc, khèn lá. Tiếng sáo, tiếng khèn lá du dương vang vọng giữa núi rừng, như tiếp thêm sức mạnh cho cả đoàn chinh phục đỉnh Tà Tao.
Em Nguyễn Xuân Quý Khang, một trong những thành viên nhỏ tuổi trong đoàn đến từ Hà Nội, hào hứng chia sẻ: Chuyến leo núi này là một trong những hành trình thú vị nhất mà cháu từng trải nghiệm. Cháu không những được chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng vĩ, khám phá thêm nhiều loài cây rừng độc đáo, mà còn được tìm hiểu sâu hơn về văn hóa và con người của đồng bào Mông ở Mường La. Những trải nghiệm này sẽ trở thành kho tàng kiến thức quý giá, góp phần làm giàu thêm vốn hiểu biết cho cháu.
Phải mất gần 4 tiếng đồng hồ vừa đi vừa nghỉ, vượt qua nhiều địa hình, thử thách chúng tôi mới lên được đỉnh Tà Tao. Chinh phục được cung đường cheo leo, bao mệt mỏi dường như tan biến khi leo lên tới nơi. Đứng trên đỉnh núi, khung cảnh rộng lớn của núi rừng trập trùng như thu gọn trong tầm mắt chúng tôi, cả đoàn được thưởng thức bầu không khí trong lành, mát dịu của đại ngàn.
Ông Nguyễn Khắc Thoại, thành viên cao tuổi nhất đoàn, chia sẻ: Tạm biệt Tà Tao, chúng tôi được mang về những bức ảnh kỷ niệm, những cảm xúc lắng đọng, những bài học sâu sắc. Hành trình này vừa là cuộc phiêu lưu chinh phục đỉnh cao, vừa là hành trình khám phá vẻ đẹp tâm hồn, sự kết nối giữa con người và thiên nhiên.
Kết thúc chuyến leo núi, các thành viên đoàn đều cảm thấy hạnh phúc bởi được khám phá, trải nghiệm cũng như vượt qua được chính bản thân mình. Những trải nghiệm đặc biệt tại đỉnh Tà Tao đã thực sự chạm tới cảm xúc của du khách. Ngoài sự hùng vĩ của thiên nhiên nhưng chính sự mộc mạc, chân tình của đồng bào miền núi cùng những sắc màu văn hóa truyền thống độc đáo còn nguyên vẹn đã đưa du khách đến nơi đây.
Nguồn: https://baosonla.vn/du-lich/chinh-phuc-dinh-ta-tao-HoXImLhHR.html
Bình luận (0)