Chợ hoa Hà Thành

Tôi đọc trong văn chương của nhóm Tự lực văn đoàn, thấy họ viết rằng thú chơi hoa cảnh ngày Tết đã thịnh hành ở Hà Nội từ những năm đầu thế kỷ XX. Chợ hoa Tết ở Hà Nội lúc đầu họp ở chợ Cầu Đông, sau chuyển sang khu vực từ đầu phố Hàng Cháo trải dài đến phố Hàng Cót, sau nữa thì lan tận hồ Hoàn Kiếm.

HeritageHeritage28/01/2025

Chợ hoa Hà thành nhóm họp từ sáng ngày 23 tháng Chạp đến đêm Giao thừa. Hoa và cây cảnh được trồng ở các làng ven hồ Tây như Ngọc Hà, Nghi Tàm, Nhật Tân, Yên Phụ…, đến giáp Tết thì đua nhau tụ hội ở nội đô.

Hoa Tết Hà thành chủ yếu là các loại: đào, cúc, hồng nhung, mẫu đơn, đỗ quyên, thược dược, quất... Tuy nhiên, bốn loài hoa cảnh được người Hà Nội ưa chuộng nhất để chưng Tết là đào, cúc, thủy tiên và quất.

Hầu như nhà nào ở Hà thành cũng “sắm” một cành đào để bày biện trong phòng khách vào dịp Tết. Đào thì có đào thắm và đào phai, nhưng quan trọng là phải biết chọn cành đào có dáng đẹp, nhiều nụ và phải biết “hãm” cho hoa nở đúng dịp Nguyên đán và mãn khai trọn vẹn trong suốt mấy ngày xuân.

Cũng có người thích chưng hoa cúc. Đó là những thứ hoa được trồng trong chậu, có thể bày trước cửa hay trong phòng khách tùy sở thích và thẩm mỹ của gia chủ. Hoa cúc theo quan niệm người Trung Hoa là biểu tượng của mùa thu, vì thế mà tháng Chín mùa thu, thư tịch cổ Trung Hoa ghi là cúc nguyệt (tháng hoa cúc). Nhưng với người Việt Nam, hoa cúc tượng trưng cho sự thanh cao và khiêm tốn, nên các cụ đồ Nho ngày trước thường chọn hoa cúc để chưng trong thư phòng. Với nhiều người khác, hoa cúc có nhiều tầng, nhiều cánh, là biểu trưng của sự sum vầy, nên họ chọn cúc để chơi Tết với ước nguyện gia đình đoàn viên.

Người Trung Hoa có tục tặng nhau những quả quýt lớn trong dịp Tết Nguyên đán, vì trong chữ Hán, quả quýt lớn viết là 大橘 (đại quất), tiếng Hoa phát âm là daju, gần giống với 大吉 (đại cát), hoặc là daji, nghĩa là “may mắn lớn”. Có lẽ điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thú chơi quất của người Việt trong dịp Tết. Tuy nhiên, với người Việt một cây quất lúc lỉu quả màu vàng mọng bày trong phòng khách, là biểu tượng của tài lộc. Đó là điều họ cầu mong cho năm mới.

Nhưng, thủy tiên mới là loài hoa sang trọng nhất trong thú chơi hoa Tết của người Hà Nội. Từ đầu tháng Chạp, những người sành thủy tiên đã tìm đến phố Hàng Buồm mua củ thủy tiên đem về tỉa gọt, ngâm vào bình pha lê trong suốt, rồi hồi hộp chờ đến sáng mồng Một Tết để được ngắm chùm hoa trắng muốt, hương thơm êm dịu lan tỏa nhẹ nhàng trong không gian ấm cúng của căn nhà xưa nơi phố cổ. Chơi thủy tiên là thú vui tao nhã, là nghệ thuật thưởng hoa cầu kỳ, đòi hỏi người chơi phải biết bí quyết ngâm hãm, tỉa gọt thì mới có được giò thủy tiên đắc ý để đón xuân.

Tạp chí Heritage


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available