Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chủ tịch nước Trần Đức Lương - Người đặt nền móng, định hình sâu sắc nền đối ngoại đa phương Việt Nam thời kỳ hội nhập

Với góc nhìn của người từng giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Dy Niên chia sẻ những ký ức sâu sắc về Chủ tịch nước Trần Đức Lương - một nhà lãnh đạo trí tuệ, giản dị, đầy tâm huyết với sự nghiệp đổi mới, hội nhập của đất nước.

Báo Đầu tưBáo Đầu tư24/05/2025

Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nhiều dấu mốc quan trọng về đối ngoại, hội nhập đã được thiết lập, đặt nền móng cho chính sách đối ngoại đa phương, tạo thế và lực cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Thưa ông, với cương vị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (1987-2000), rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (2000-2006), ông có dịp chứng kiến, phục vụ đồng chí Trần Đức Lương suốt giai đoạn đồng chí là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, sau này là Phó thủ tướng Chính phủ (từ 1987-1997) và Chủ tịch nước (từ 1997-2006).

Đây là giai đoạn đất nước đang tiến hành công cuộc Đổi mới, hội nhập với nhiều khó khăn, thử thách. Ông có thể chia sẻ ấn tượng lớn nhất của ông với đồng chí Trần Đức Lương trong giai đoạn đặc biệt này?

Tôi có may mắn được làm việc với Chủ tịch nước Trần Đức Lương suốt 10 năm, từ khi tôi làm Thứ trưởng và đồng chí Trần Đức Lương làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Phó thủ tướng Chính phủ, sau đó là Chủ tịch nước từ năm 1997.

Đó là một quãng thời gian dài, nên tôi có ấn tượng hết sức sâu sắc về đồng chí Trần Đức Lương.

Đồng chí Trần Đức Lương vốn là một nhà khoa học về địa chất, nhưng khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, ông hết sức quan tâm đến vấn đề đối ngoại. Có thể nói, đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

1.jpg

Chủ tịch nước Trần Đức Lương chứng kiến Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Di Niên và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền ký tuyên bố chung giữa 2 nước trong chuyến thăm hữu nghị chính thức CHND Trung Hoa (12/2000). Ảnh: TTXVN

Đồng chí Trần Đức Lương đảm nhiệm vai trò Chủ tịch nước trong giai đoạn đất nước ta đang tích cực hội nhập quốc tế, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các nước. Sau khi chúng ta bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc rồi tiếp đến là Hoa Kỳ, tham gia ASEAN và nhiều tổ chức quốc tế khác, hoạt động đối ngoại của đất nước đã được đẩy mạnh.

Thời điểm đó, người được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo hoạt động đối ngoại là đồng chí Trần Đức Lương. Vì vậy, tôi được làm việc trực tiếp với đồng chí Trần Đức Lương và trong suốt hơn 7 năm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, tôi luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Trần Đức Lương.

2.jpg

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên.

Nói về đồng chí Trần Đức Lương, tôi có thể khái quát một số điểm nổi bật.

Thứ nhất, đồng chí là con người rất năng động. Trong những lần tâm sự với tôi mỗi khi đi công tác, đồng chí Trần Đức Lương luôn trăn trở, tại sao đất nước ta có trí tuệ, có tài nguyên, có lực lượng lao động mà không phát triển nhanh hơn được. Dù đất nước đã có những bước phát triển sau hòa bình, song còn nghèo quá. Vì vậy, đồng chí luôn căn dặn chúng tôi rằng: “Trong tình hình như hiện nay, ngoại giao cần phải tích cực hơn nữa, hoạt động nhiều hơn, nhiều bạn bè hơn, kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, qua đó đưa kinh tế đất nước phát triển. Nền kinh tế mạnh thì mới có nền ngoại giao mạnh”.

Thứ hai, trong các hoạt động ngoại giao, đồng chí rất chủ động. Trong các chuyến công tác nước ngoài, đồng chí luôn chủ động tìm mọi cách để tiếp cận bạn bè, đối tác; trao đổi những vấn đề nhằm nâng cao quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước.

3.jpg

Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam chứng kiến Lễ ký Hiệp định hợp tác giữa hai nước, ngày 3/5/2002, tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Bình Nhưỡng, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức CHDCND Triều Tiên từ ngày 2/5 - 5/5/2002. Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN

Thứ ba, đồng chí là người rất dễ gần, rất dễ làm việc. Tôi rất thích cách làm việc của đồng chí Trần Đức Lương, đó là thường xuyên đặt ra những vấn đề khó, những vấn đề mà người khác tránh không dám nêu để thảo luận. Đồng chí là người có tư duy cởi mở và cởi mở cả trong cách trao đổi với mọi người.

Thứ tư, đồng chí không chỉ quan tâm những việc lớn, mà còn sát sao cả trong những việc nhỏ, chỉ đạo rất cụ thể, chi tiết.

Thứ năm, đồng chí là con người làm việc rất có nguyên tắc. Có những vấn đề đồng chí Trần Đức Lương sẵn sàng thảo luận, thậm chí “nhân nhượng”, nhưng với những vấn đề chủ chốt, mang tính nguyên tắc thì đồng chí lại có lập trường rất vững vàng, kiên định, đúng như Bác Hồ dạy “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Cuối cùng, đồng chí Trần Đức Lương có lối sống nhân văn và vô cùng giản dị, luôn thân mật, chan hòa với anh em.

Ông có thể chia sẻ những dấu ấn lớn, bước ngoặt lớn về đối ngoại, hội nhập của đất nước trong giai đoạn đồng chí Trần Đức Lương đảm nhận cương vị Chủ tịch nước?

Trong thời gian đồng chí Trần Đức Lương giữ cương vị Chủ tịch nước, có rất nhiều sự kiện quan trọng.

Thứ nhất là, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Việt Nam năm 2000. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam. Với những vấn đề giữa hai nước trong quá khứ, chuyến thăm này có nhiều vấn đề được coi là “nhạy cảm, phức tạp”. Nhưng Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã giải quyết những vấn đề này một cách khéo léo, cân bằng để cả hai phía đều cảm thấy “chấp nhận được”.

Có thể nói, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã để lại nhiều thương đau cho người dân Việt Nam cùng những di chứng sau cuộc chiến. Vì vậy, vào thời điểm đó, thông điệp phải làm sao để các đồng chí lão thành cách mạng, những nạn nhân chiến tranh và người thân của họ hiểu và cảm thấy chấp nhận được.

Vì vậy, trong từng sự việc, từng lời phát biểu, từng cử chỉ, đồng chí Trần Đức Lương đã xử lý một cách khéo léo, phù hợp, giúp chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton diễn ra thành công tốt đẹp, là khởi nguồn cho những bước đi tiếp theo của quan hệ Việt - Mỹ  trong sau này, để hai nước tiến tới mối quan hệ cao nhất - Đối tác chiến lược toàn diện như ngày nay.

Thứ hai là, trong các hoạt động đối ngoại với các nước châu Âu, như Pháp, Anh, Thụy Điển, Na Uy…, Chủ tịch nước Trần Đức Lương là người rất tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác.

Những đóng góp, cống hiến của Chủ tịch nước Trần Đức Lương được nhiều bạn bè quốc tế hết sức quý mến, ghi nhận và đánh giá cao. Pháp đã trao Huân chương Bắc Đẩu bội tinh - huân chương cao quý nhất của nước Pháp cho Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

4.jpg

Tổng thống Pháp Jacques Chirac trao tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh hạng Nhất cho Chủ tịch nước Trần Đức Lương (Paris, 28/10/2002). Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN

Hay trong chuyến thăm đến Vương quốc Anh, ngoài cuộc hội kiến với Nữ hoàng Elizabeth, Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn có cuộc gặp với Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là ông Tony Blair. Điểm đặc biệt là ông Tony Blair rất ít khi gặp nguyên thủ các nước, bởi ông là nhánh hành pháp. Nhưng khi Chủ tịch nước Trần Đức Lương sang thăm, ông Tony Blair đã có cuộc gặp và ông rất tâm đắc những điều mà Chủ tịch nước Trần Đức Lương nêu.

Thứ ba là, trên các diễn đàn, hội nghị quốc tế, Chủ tịch nước Trần Đức Lương hết sức năng động trong các cuộc tiếp xúc, qua đó gây dựng mối thiện cảm để chúng ta có được những thuận lợi trong các cuộc tiếp xúc, thiết lập quan hệ ngoại giao sau này.

Có thể nói, đối với những người làm công tác ngoại giao, đối ngoại chúng tôi, Chủ tịch nước Trần Đức Lương là người mở đường cho ngoại giao phát triển.

5.jpg

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và đồng chí Khamtai Siphandon, Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào tại Phủ Chủ tịch, ngày 4/1/1999. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN

Giai đoạn đồng chí Trần Đức Lương giữ chức Chủ tịch nước là thời kỳ đất nước thực hiện quyết liệt chủ trương đổi mới, chuyển mình từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với vai trò Chủ tịch nước, đồng chí Trần Đức Lương đã thay mặt Nhà nước ký kết, thúc đẩy hàng loạt hiệp định kinh tế - thương mại có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2000 - được coi là một trong những dấu mốc mang tính đột phá.

Nhiều người cho rằng, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã góp phần định hình sâu sắc đường lối đối ngoại đa phương, đặt nền móng cho tiến trình hội nhập sâu rộng của nước ta, mở đường cho hàng loạt hiệp định thương mại, đầu tư song phương và đa phương mà đất nước đã ký kết những năm sau đó.

Ông chia sẻ gì về nhận định này?

Nhận định này rất đúng, bởi trong tất cả các hoạt động đối ngoại, đồng chí Trần Đức Lương luôn nhấn mạnh, ưu tiên cho vấn đề kinh tế và thương mại, là vấn đề quan trọng cho phát triển đất nước. Trong tất cả các hoạt động đối ngoại, Chủ tịch nước Trần Đức Lương luôn nhấn mạnh trọng tâm này.

6.jpg

Chủ tịch nước Trần Đức Lương đọc Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa X, ngày 23/11/2001. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Giai đoạn Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chúng ta đã phải vận động nhiều năm trời và trong đó, vai trò, dấu ấn của đồng chí Trần Đức Lương là hết sức rõ nét. Trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, đồng chí đều nêu vấn đề này.

Với Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, đây là hiệp định mà cả hai bên đã hết sức nỗ lực, vận động từ cả hai phía để đi đến ký kết. Nhờ hiệp định này mà quan hệ kinh tế Việt - Mỹ đã có những bước phát triển đột phá, tạo nền tảng cho mối quan hệ hợp tác tuyệt vời giữa hai nước như ngày nay.

Vì vậy, tôi thấy nhận xét mà phóng viên đã nêu là hoàn toàn xứng đáng với vai trò, trí tuệ, tâm huyết và cống hiến của Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Ông có bình luận gì về phong cách ngoại giao của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương? Qua các chuyến đi, gặp gỡ, làm việc, bạn bè, đối tác nước ngoài dành những tình cảm như thế nào đối với Chủ tịch nước Trần Đức Lương và đất nước, con người Việt Nam?

Như tôi đã nói, Chủ tịch nước Trần Đức Lương là con người rất đỗi giản dị, khiêm tốn, hòa hiếu và vô cùng dễ mến, dễ tiếp xúc.

Một con người, một nguyên thủ quốc gia như vậy, khi tới bất cứ diễn đàn quốc tế nào, hay các chuyến thăm song phương luôn được bạn bè quốc tế quý trọng, đánh giá cao, mang lại những kết quả cụ thể góp phần cho công cuộc xây dựng đất nước.

Tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh và thấy rằng: Chủ tịch nước Trần Đức Lương xứng đáng là một học trò xuất sắc của Bác Hồ.

Những dấu ấn, giá trị đặc sắc về bản lĩnh, trí tuệ của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương như ông vừa chia sẻ có ý nghĩa như thế nào đối với công cuộc phát triển đất nước giàu mạnh, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?

Những đóng góp của Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một dòng chảy xuyên suốt trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Điều đó giúp cho đối ngoại góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Vị thế của Việt Nam ngày nay trên trường quốc tế là điều mà nhiều quốc gia mong muốn có được. Vị thế ấy không bỗng dưng đến với chúng ta, mà được bồi đắp qua nhiều thế hệ đi trước, trong đó có những đóng góp đáng kể của Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Đây là cơ hội vàng để đưa đất nước phát triển, vươn mình mạnh mẽ. Trong giai đoạn đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, tôi rất tin tưởng vào đường lối vừa mang tính kế thừa, vừa mang tính đột phá mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề ra, qua đó đưa đất nước phát triển thịnh vượng, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn:https://baodautu.vn/chu-tich-nuoc-tran-duc-luong---nguoi-dat-nen-mong-dinh-hinh-sau-sac-nen-doi-ngoai-da-phuong-viet-nam-thoi-ky-hoi-nhap-d289139.html



Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm