Các nhà khoa học chưa xác định rõ nguyên nhân tự kỷ ở trẻ
Trong số 30.000-35.000 lượt trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi năm, có khoảng 25-30% số lượt trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn phát triển và khoảng 50-60% trong số rối loạn phát triển được được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ. Con số này có xu hướng gia tăng thời gian gần đây.
Mỗi ngày, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 200 cháu bé đến khám. Hằng năm, Khoa Tâm thần còn can thiệp cho khoảng 250-300 lượt trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mai Hương, Phó Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay, nguyên nhân tự kỷ chưa được các nhà khoa học xác định rõ. Các nhà khoa học hiện nghiêng về yếu tố về gene và có sự tương tác với môi trường.
Theo bác sĩ nội trú Nguyễn Minh Quyết, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, các yếu tố nguy cơ của rối loạn phổ tự kỷ: Tuổi bố mẹ cao với bố trên 40 tuổi, mẹ trên 35 tuổi khi sinh con; trẻ đẻ non tháng, thường dưới 32 tuần là yếu tố nguy cơ cao hơn; trẻ đẻ nhẹ cân, thường dưới 2.500 gram là yếu tố nguy cơ cao hơn mắc rối loạn phổ tự kỷ.
Ngoài ra, những trẻ ngạt sau sinh, chăm sóc tại hồi sức tích cực sơ sinh sau sinh, nhiễm khuẩn nặng sau sinh; gia đình có anh chị em ruột hoặc họ hàng được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ, tâm thần phân liệt, động kinh; khoảng cách giữa các lần sinh quá xa nhau (thường ít nhất là 7 năm) hoặc quá gần nhau (dưới 24 tháng),… cũng là yếu tố nguy cơ của rối loạn phổ tự kỷ.
Theo Phó trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương Nguyễn Mai Hương, tự kỷ là rối loạn không thể phòng ngừa, chỉ có cách nâng cao nhận thức toàn xã hội chăm sóc cho những người mang thai, sau sinh hạn chế có thêm tổn thương.
Hiện tại, khi mạng xã hội phát triển, các mẹ có thể ở nhà tìm thông tin “bác sĩ google” để tìm hiểu về bệnh của con mình. Nhiều gia đình làm mẹo, không tin con mình có vấn đề, đến lúc trẻ 4-5 tuổi cho đi khám thì mất đi cơ hội vàng can thiệp.
Đặc biệt, nhiều cha mẹ hiểu lầm nguyên nhân tự kỷ do vaccine, nhưng thực tế không có mối liên quan nào giữa tiêm vaccine với trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Hoặc có ý kiến cho rằng do cha mẹ thiếu vắng sự quan tâm, ít thời gian chia sẻ với con cái, bận rộn làm kinh tế…
Bác sĩ Hương chia sẻ, trong số các trường hợp đến khám vì nghi con mình tự kỷ, có nhiều trẻ chỉ có ông bà đưa đi. Khi con được kết luận tự kỷ, các ông bà, bố mẹ sẽ có nhiều suy nghĩ cho rằng trẻ mắc tự kỷ vì thiếu vắng sự quan tâm của bố mẹ, không ai chơi cùng, xem tivi nhiều. Việc đổ lỗi giữa người lớn với nhau thường xuyên xảy ra.
Trong trường hợp này, bác sĩ Hương cho biết, các bác sĩ tại khoa luôn trao đổi với các gia đình rằng, các yếu tố về môi trường, gia đình chỉ làm nặng lên biểu hiện tự kỷ, chứ không phải nguyên nhân gây ra rối loạn phổ tự kỷ.
Can thiệp giáo dục có hiệu quả tốt cho trẻ tự kỷ
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Quyết, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay, chưa có phương pháp nào điều trị khỏi rối loạn phổ tự kỷ.
Các biện pháp can thiệp giáo dục được chứng minh là có hiệu quả tốt nhằm giảm các triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ, giúp trẻ học các kỹ năng quan trọng, nâng cao khả năng hòa nhập xã hội.
Phối hợp đa ngành trong điều trị rối loạn này là điều vô cùng quan trọng. Trong đó, bác sĩ tâm thần nhi; bác sĩ nhi được đào tạo về chẩn đoán và điều trị rối loạn phát triển; bác sĩ phục hồi chức năng làm trưởng nhóm cùng với các nhà chuyên môn như cán bộ tâm lý lâm sàng, giáo viên giáo dục đặc biệt, nhà âm ngữ trị liệu, nhà hoạt động trị liệu, cộng tác viên công tác xã hội…
Một số thuốc có hiệu quả trong điều trị các vấn đề đi kèm ở trẻ như rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn hành vi (tự làm đau, gây hấn,..), rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, động kinh…
Các thuốc được chấp thuận điều chỉnh các rối loạn đi kèm này phải được kê bởi các bác sĩ chuyên khoa, như Risperidon, Aripiprazol, Clonidin, Methylphenidat, Melatonin, Fluoxetin, Sertralin, Valproat Natri, Oxcarbazepin…
Bác sĩ Quyết cũng cho biết thêm, các biện pháp khác như trị liệu âm nhạc, nghệ thuật, điều chỉnh chế độ ăn, thải độc, ghép tế bào gốc,… chưa có bằng chứng khoa học rõ rệt về hiệu quả trong can thiệp cho trẻ tự kỷ. Những phương pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ phần nào đó, hoặc rất hạn chế về hiệu quả.
Nguồn: https://nhandan.vn/chua-xac-dinh-nguyen-nhan-tre-mac-roi-loan-pho-tu-ky-post868694.html
Bình luận (0)