Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Chứng nhân” lịch sử cho một thời “không thể nào quên”

Việt NamViệt Nam28/03/2025


Công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh tại đê sông Mã ngày 14/6/1972 tọa lạc tại phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) từ lâu đã trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn, là “chứng nhân” lịch sử cho một thời “không thể nào quên”.

Hướng tới Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng: “Chứng nhân” lịch sử cho một thời “không thể nào quên”

Du khách tham quan, dâng hương tại Công viên tưởng niệm giáo viên, học sinh hy sinh tại đê sông Mã.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hàm Rồng - sông Mã có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, được xem là “yết hầu” giao thông và trở thành mục tiêu tấn công của không quân Hoa Kỳ. Mùa mưa năm 1972, nước sông Mã dâng cao, trong khi đê sông Mã bị tàn phá nghiêm trọng, nguy cơ vỡ đê gây ngập lụt rất lớn. Để bảo đảm tuyến giao thông huyết mạch phục vụ chiến trường miền Nam và phòng, chống lũ lụt, Thanh Hóa đã huy động lực lượng khẩn cấp bồi đắp đoạn đê sông Mã xung yếu từ Nam Ngạn đến Hàm Rồng.

Vào thời khắc định mệnh, khoảng 9 giờ 10 phút ngày 14/6/1972, tại vị trí đắp đê sông Mã cách cầu Hàm Rồng khoảng 1km, lực lượng có mặt tại công trường là hơn 2.000 người đang lao động thì máy bay Mỹ bất ngờ xuất hiện ném bom tới tấp, biến công trường thành bãi chiến trường. Có 64 giáo viên, học sinh Trường Y sĩ, Trường Sư phạm 7+3 Thanh Hóa, dân công Đông Sơn và một số trường phổ thông trên địa bàn thị xã bấy giờ đã hy sinh, bao gồm 55 nữ và 9 nam; 96 người khác bị thương nặng, 187 người bị thương nhẹ, 8 người mất tích. Đây chính là ngày bi thương nhất của khu vực Hàm Rồng - Nam Ngạn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sự kiện 64 giáo viên, học sinh hy sinh bi tráng đã để lại nhiều xúc cảm cho các thế hệ người Thanh Hóa.

Đến TP Thanh Hóa hôm nay, Nhân dân, du khách không chỉ cảm nhận được sự thay da đổi thịt của một vùng đất được mệnh danh là “anh hùng trong mưa bom bão đạn”, mà còn được tham quan quần thể di tích với nhiều công trình ý nghĩa, tiêu biểu là Công viên tưởng niệm giáo viên, học sinh hy sinh tại đê sông Mã rộng 2,05ha (khu vực trong đê là 1,15ha; khu vực ngoài đê là 0,9ha) được thiết kế tạo thành một không gian thống nhất, các hạng mục kiến trúc và cảnh quan được liên kết bổ trợ cho nhau nhằm phát huy giá trị không gian tưởng niệm linh thiêng.

Đền thờ thiết kế theo hình thức kiến trúc truyền thống, mặt bằng bố cục hình chữ “đinh” gồm tiền đường phía trước và hậu cung. Tiền đường năm gian, hai tầng mái, tám đao, cổ diềm, tám mái. Khung vì bằng gỗ lim, chạm khắc hoa văn thời Nguyễn muộn, chạm bong, lộng... Nền nhà lát gạch bát; bậc thềm, bó nền bằng đá xanh. Tường hai bên hồi xây gạch trát vữa, lăn sơn màu ghi sáng; tường phía sau tiền đường bằng đá granit tự nhiên khối lớn, mặt trong tường chạm khắc nổi trang trí hình các tấm bia ghi danh các giáo viên và học sinh đã hy sinh. Mặt trước nhà tại vị trí hàng cột cái là hệ thống cửa đi và vách đố lụa bằng gỗ lim. Tại đây, thiết kế lối đi cho người khuyết tật, đường lát đá xanh, làm nhám bề mặt, lan can tay vịn bằng đá xanh.

Hậu cung hình chuôi vồ, khung vì bằng gỗ lim, chạm khắc hoa văn thời Nguyễn. Nền nhà lát gạch bát, chân tảng bằng đá xanh, tường bao xây gạch trát vữa, lăn sơn màu ghi sáng.

Toàn bộ mái nhà lợp ngói mũi hài, ngói lót chữ thọ. Rui, hoành, tàu mái, gộp rui, rui châm... bằng gỗ lim. Bờ nóc, bờ chảy xây gạch trát vữa sơn màu ghi sáng; trang trí đao, guột, kìm nóc bằng gạch vữa.

Bài trí đồ thờ và trang trí nội thất theo phong tục thờ cúng truyền thống. Hậu cung là nơi thờ chính bố trí khám thờ bằng gỗ mít (phượng khám) sơn son thếp vàng, trong khám có đặt một bộ ngai, bài vị. Khám đặt trên sập bằng gỗ lim, trước khám thờ là bàn đặt lễ. Tiền đường gian giữa là ban thờ công đồng gồm hương án bằng gỗ lim sơn son thếp vàng theo truyền thống, trên hương án đặt bát hương, chân đèn, tam sơn, mâm bồng, độc bình, lọ hoa, ống đựng hương...

Nhìn qua Đại lộ Nam Sông Mã sang phía bờ sông Mã là tượng đài cao 18m. Trong đó, phần bệ tượng cao 5,25m, tượng đài cao 12,75m. Mặt bằng tượng đài có kích thước 7,85m x 12,72m. Chất liệu tượng đài bằng đá granit màu trắng ngà.

Tượng đài được lấy ý tưởng là sự cô đọng các giá trị lịch sử của di tích với 7 nhân vật- biểu đạt cho các đặc trưng về nội dung cơ bản của lịch sử, với các tư thế khác nhau của thầy cô và học sinh trong diễn biến của quá trình đắp đê trong cuộc không kích của Mỹ ngày 14/6/1972. Các công trình phụ trợ như khu vực tái hiện làng Nam Ngạn, bến thả hoa đăng, cảnh quan và miếu thờ Mẫu.

Là đơn vị được tiếp nhận, quản lý Công viên tưởng niệm giáo viên, học sinh hy sinh tại đê sông Mã, Giám đốc Ban Quản lý Di tích lịch sử - văn hóa Hàm Rồng Lê Thị Minh Tâm cho biết: “Trên mảnh đất Hàm Rồng - Nam Ngạn anh hùng cùng với cụm các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trong khu vực như cầu Hàm Rồng, núi Ngọc, trận địa Đồi C4, đồi “Quyết Thắng”, tượng đài Thanh niên xung phong, đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, trận địa pháo Sở Chỉ huy chùa Mật Đa... việc phát huy giá trị Công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh đã hy sinh ngày 14/6/1972 tại đê sông Mã càng có ý nghĩa quan trọng trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, lan tỏa tinh thần yêu quê hương, đất nước, trân trọng giữ gìn nền hòa bình độc lập ngày hôm nay cho cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân. Đơn vị đang làm tốt công tác chăm sóc, giữ gìn không gian, các công trình, tư liệu lịch sử về các giáo viên và học sinh đã hy sinh tại đê sông Mã, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp đón, quảng bá... để phát huy giá trị tinh thần to lớn của công viên tưởng niệm”.

Linh Hương



Nguồn: https://baothanhhoa.vn/huong-toi-ky-niem-60-nam-ham-rong-chien-thang-chung-nhan-lich-su-cho-mot-thoi-khong-the-nao-quen-243821.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm