Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định 1781/QĐ-BCT ngày 23/6/2025 về công bố thủ tục hành chính mới được ban hành, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung và thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Theo đó, công bố kèm theo quyết định này các thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung và thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025.
Ban hành cùng Quyết định 1781/QĐ-BCT là thủ tục hành chính cấp/cấp điều chỉnh/cấp lại giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
Theo đó, thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, gồm có:
Trường hợp cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4, loại 9 bằng phương tiện thủy nội địa: Người vận tải hàng hóa nguy hiểm nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định số 65/2018/NĐ-CP; khoản 2 Điều 18 Nghị định số 34/2024/NĐ-CP hoặc khoản 2 Điều 15 của Nghị định 161/2024/NĐ-CP đến cơ quan cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) giải quyết thủ tục hành chính kiểm tra thành phần hồ sơ; trường hợp thành phần hồ sơ chưa đầy đủ hoặc có sai lệch thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến: trong thời hạn không quá 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục ATMT xem xét tính đầy đủ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Cục ATMT thông báo bằng văn bản hoặc thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, cá nhân biết để bổ sung, đồng thời hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Cục ATMT cấp Giấy phép thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo mẫu tại Phụ lục VII hoặc Phụ lục VIII kèm theo Nghị định số 161/2024/NĐ-CP; trường hợp không cấp giấy phép thì cơ quan cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
Trường hợp cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4, loại 9 trên đường sắt: Người thuê vận tải hàng nguy hiểm hoặc doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm (được người thuê vận tải hàng nguy hiểm ủy quyền) lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 Nghị định số 65/2018/NĐ-CP đến cơ quan cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục ATMT có trách nhiệm cấp Giấy phép vận tải hàng nguy hiểm cho người đề nghị; trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 2 ngày làm việc phải có văn bản trả lời và hướng dẫn người đề nghị hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định số 65/2018/NĐ-CP.
Nếu thông tin trong hồ sơ đăng ký khai báo sai hoặc hàng nguy hiểm vận tải với khối lượng lớn hoặc có tính nguy hại cao, Cục ATMT tổ chức kiểm tra điều kiện vận tải hàng nguy hiểm của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định số 65/2018/NĐ-CP trước khi cấp giấy phép vận tải hàng nguy hiểm. Thời hạn kiểm tra, cấp giấy phép vận tải hàng nguy hiểm trong trường hợp này là 5 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Xem chi tiết quyết định và thủ tục tại đây.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thong-bao/bo-cong-thuong-cong-bo-thu-tuc-cap-giay-phep-van-chuyen-hang-hoa-nguy-hiem.html
Bình luận (0)