Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyển bảo hiểm y tế: Bệnh viện cần nắm rõ tránh phiền hà cho người bệnh

Bộ Y tế đã có danh mục các bệnh được sử dụng giấy chuyển bảo hiểm y tế trong 1 năm, các bệnh viện cần áp dụng và hướng dẫn đầy đủ, tránh phiền hà cho người bệnh.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên07/07/2025

Đi cả ngàn cây số nhưng không được chấp nhận

Theo phản ánh của chị Kim Ngân (ngụ Hà Nội), người nhà chị công tác tại tỉnh xa, cách Hà Nội khoảng 1.400 km. Vừa qua, do có bệnh, người nhà chị đến khám, điều trị tại một bệnh viện (BV) hạng đặc biệt ở Hà Nội. Sau điều trị, bệnh nhân (BN) được hẹn tái khám sau 1 tháng và được hướng dẫn xin giấy chuyển bảo hiểm y tế (BHYT) để hưởng quyền lợi do BHYT chi trả.

Chuyển bảo hiểm y tế: Bệnh viện cần nắm rõ tránh phiền hà cho người bệnh - Ảnh 1.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh hướng dẫn đầy đủ cho người bệnh về thủ tục chuyển BHYT

ẢNH: NGỌC THẮNG

BN đã về nơi công tác và đăng ký BHYT ban đầu (ở phía nam) xin giấy chuyển BHYT đến BV tuyến T.Ư tại Hà Nội. Theo hẹn, BN ra Hà Nội, trở lại BV tái khám sau 1 tháng và mang theo giấy chuyển BHYT. "Tại nơi làm thủ tục, nhân viên tiếp nhận cho biết giấy chuyển BHYT của BN không được chấp nhận do BN khám muộn hơn 10 ngày so với thời điểm được ký chuyển BHYT. Nếu muốn hưởng BHYT thanh toán, BN cần xin lại giấy chuyển BHYT", chị Kim Ngân nói.

"Cả người nhà và BN không được ai hướng dẫn về quy định phải khám lại trong vòng không quá 10 ngày làm việc sau khi xin giấy chuyển BHYT, nếu quá 10 ngày sẽ hết hạn giấy chuyển BHYT", chị Ngân khẳng định.

Theo chị Ngân, do đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại một tỉnh phía nam, quá xa Hà Nội, nên BN đã không thể quay lại y tế tỉnh để xin giấy chuyển BHYT khác, thay cho giấy đã xin lần đầu.

"Nhân viên, bác sĩ nơi chuyển BHYT, nơi nhận giấy chuyển BHYT không hướng dẫn; trên giấy chuyển BHYT cũng không ghi yêu cầu BN phải khám trong 10 ngày. Do đó, chúng tôi không biết để thực hiện. BN không được hưởng quyền lợi, dù đã đi lại mất thời gian, công sức", người nhà của BN phản ánh.

Không chỉ trường hợp kể trên, PV Thanh Niên cũng nhận được một số phản ánh từ BN và người nhà về việc phải xin lại giấy chuyển BHYT do không được cơ sở y tế hướng dẫn về "thời hạn 10 ngày" nêu trên.

Theo đại diện Vụ BHYT (Bộ Y tế), người tham gia BHYT mắc các bệnh, nhóm bệnh mạn tính (quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư 01/2025) được sử dụng phiếu chuyển cơ sở KCB có giá trị sử dụng trong 1 năm kể từ ngày ký. Trường hợp hết thời hạn của phiếu chuyển cơ sở KCB mà người bệnh vẫn đang trong lần KCB và cần tiếp tục điều trị tại cơ sở KCB thì phiếu chuyển cơ sở KCB có giá trị sử dụng đến hết đợt điều trị đó.

Đại diện Vụ BHYT cho biết, giấy chuyển BHYT hiện có danh mục các bệnh được sử dụng trong 1 năm. Các BV lưu ý áp dụng, không để BN phải quay về lấy giấy chuyển. "Chúng tôi đang đôn đốc các cơ sở KCB thực hiện đúng. Quy định 10 ngày là áp dụng với các bệnh cấp tính, cần chuyển bệnh nặng để đảm bảo người bệnh được điều trị kịp thời. Còn các bệnh mạn tính, chúng ta trì hoãn được", đại diện Vụ BHYT khẳng định.

Cần đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT

Để thống nhất trong thực hiện, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, tránh các vướng mắc phát sinh, Bộ Y tế đề nghị giám đốc sở y tế các tỉnh thành, giám đốc các cơ sở KCB căn cứ quy định của Thông tư 01/2025/TT-BYT, cần lưu ý hướng dẫn chuyển người bệnh giữa các cơ sở đa khoa, chuyên khoa, giữa các cấp chuyên môn kỹ thuật đảm bảo phù hợp với phân cấp chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở KCB tại địa phương, năng lực, thế mạnh của cơ sở, tránh quá tải và thường xuyên phải chuyển người bệnh.

Về trách nhiệm của cơ sở KCB, Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương tập huấn cho nhân viên y tế về các quy định mới của pháp luật về BHYT, đặc biệt là quy định về thủ tục và quy trình KCB, các nội dung về phiếu hẹn khám lại, phiếu chuyển người bệnh; nghiên cứu kỹ để thực hiện đúng quy định của Thông tư 01/2025/TT-BYT và các phụ lục số 1, 2, 3 và 4 đã ban hành kèm theo để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.

Đặc biệt, cơ sở KCB chịu trách nhiệm khi không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ, gây phiền hà, ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh BHYT.

Nguồn: https://thanhnien.vn/chuyen-bao-hiem-y-te-benh-vien-can-nam-ro-tranh-phien-ha-cho-nguoi-benh-185250706215425452.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm

Happy Vietnam
đón đoàn diễu binh A50
đón đoàn diễu binh A50