Cựu chiến binh Phan Văn Minh và vợ xem lại những kỷ niệm của thời kháng chiến
Gan dạ, dũng cảm thời chiến
Trong những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Phan Văn Minh, biệt danh là Minh Hiền từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Bình Long, nơi được xem là “túi bom” của Đông Nam Bộ.
Ông Minh kể, ông sinh ra ở huyện Thạch Phú, tỉnh Bến Tre. Năm 1962, khi mới 18 tuổi, ông xung phong lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông được đưa về Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 rồi làm giao liên cho Trung ương Cục miền Nam. Đơn vị của ông đóng ở suối Bồ, tỉnh Tây Ninh. Đến năm 1966, ông được kết nạp Đảng, sau đó chuyển về chiến trường Bình Long, Lộc Ninh, công tác tại đây cho đến ngày đất nước thống nhất.
Năm 1969, Tỉnh đội Bình Long phân công ông và 3 đồng chí ra phục kích ngăn chặn không cho Trung đoàn kỵ binh bay của Mỹ tấn công đánh phá căn cứ. Ông cầm theo 1 khẩu súng B40, còn 2 đồng chí cầm theo 2 khẩu AK bò ra phục kích. “Mới bò ra khỏi hầm chừng 30m, tôi phát hiện 30 tên lính Mỹ đổ bộ xuống bằng máy bay đang tràn vào căn cứ của ta ở Bàu Trâu (xã An Khương, huyện Hớn Quản). Tôi ra lệnh nổ súng. Kết quả, chúng tôi đã tiêu diệt được 17 tên lính Mỹ, số còn lại phải rút khỏi Bàu Trâu. Trận đánh đó 2 đồng chí đi cùng tôi đã hy sinh, tôi may mắn sống sót” - ông Minh bùi ngùi nhớ lại.
Cựu chiến binh Phan Văn Minh (bìa trái) kể chuyện với ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Bình Long
Cầu Cần Lê, nơi ông Minh và đồng đội đã từng vây ép lính ngụy không cho chúng vào vùng giải phóng
Với chiến công đặc biệt đó, năm 1969, ông Minh được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, một phần thưởng cao quý ghi nhận sự quả cảm và đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau đó, ông Minh được điều động về Huyện đội Lộc Ninh. “Ngày đó, chúng tôi hành quân xuyên rừng, mang trên vai súng đạn, lòng chỉ có một suy nghĩ là đánh cho Mỹ cút, đánh cho quê hương được tự do. Tại trận đánh ở cầu Cần Lê, tôi đã trực tiếp tham gia tiêu diệt 6 tên lính Mỹ.
Năm 1970, trong trận chiến đấu dũng cảm với Sư đoàn “Anh cả đỏ”, ông bị thương nặng được điều trị ở Bệnh viện K71. Vết thương khỏi, ông trở về trạm giao liên tiền phương Lộc Ninh, nơi cuộc chiến vẫn diễn ra ác liệt. Năm 1972, sau khi giải phóng Lộc Ninh, đơn vị phân công ông về bảo vệ Nhà Giao tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và sân bay Lộc Ninh. Đó là lúc ta đang trong tư thế chiến thắng. Sân bay Lộc Ninh đón hàng trăm người con đã chiến đấu dũng cảm từ các “chuồng cọp” nhà lao Côn Đảo trở về. Những chiến sĩ của ta bước ra khoang máy bay là khoác ngay lên mình bộ đồ của quân giải phóng.
Ông Minh kể tiếp, từ năm 1973-1975, Huyện đội Lộc Ninh phân công ông trực tiếp chỉ huy một trung đội xuống vây ép ở cầu Cần Lê. Đây là vị trí huyết mạch, nối liền các căn cứ quân sự Mỹ và ngụy quyền. Hồi đó, bên này cầu là quân giải phóng, còn bên kia cầu có 1 cái chốt do lính ngụy chốt giữ, không cho quân mình qua Bình Long. “Trung bình 1 ngày đơn vị phân công 6 đồng chí vây ép, trong đó tôi là người chỉ huy trực tiếp. Tới ngày 23-3-1975, lính ngụy rút chạy, chúng tôi bắn B40 qua cầu Cần Lê, sau đó chạy qua cầu giựt cờ ba que của ngụy quyền xuống, giương cờ giải phóng của mình lên và chạy về Bình Long, đó cũng là ngày giải phóng Bình Long” - ông Minh hào hứng kể lại.
Suốt 13 năm cùng đồng đội gắn bó với chiến trường miền Đông Nam Bộ gian khổ và ác liệt, ông Minh đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân, huy chương các loại.
Cống hiến hết mình thời bình
Sau ngày giải phóng, ông Minh trở về quê hương Bến Tre. Sau đó, ông được cử ra Bắc học tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, rồi về giữ chức Giám đốc Trường Đảng huyện Thạch Phú (Bến Tre). Đến năm 1986, ông chuyển lên Bình Phước, công tác tại Công ty TNHH MTV cao su Bình Long, phụ trách công tác Đảng, sau đó giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy công ty nhiều nhiệm kỳ cho đến ngày nghỉ hưu. Ở vị trí công tác nào, ông cũng luôn cống hiến hết mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trở về với đời thường, ông sống giản dị, chân chất trên quê hương thứ hai Bình Long cùng vợ và các con. Vợ ông là bà Hoàng Thị Hiền, là cựu thành viên Đội nữ xe thồ Bình Long. Đội làm nhiệm vụ thồ lương thực, thực phẩm, gạo, đạn dược phục vụ chiến trường Bình Long khi Bình Long tổng động viên tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện nay, dù 82 tuổi nhưng ông Minh vẫn minh mẫn và khỏe mạnh, tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh phường Phú Đức, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Một đời người - một thời hoa lửa. Cựu chiến binh Phan Văn Minh không chỉ là người lính anh hùng mà còn là nhân chứng sống cho tinh thần yêu nước, lòng quả cảm và đức hy sinh của thế hệ cha anh. Câu chuyện của ông là minh chứng cho tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và cũng là lời nhắc nhở đầy xúc động cho thế hệ trẻ hôm nay.
Trong không khí tưng bừng hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, câu chuyện của “Dũng sĩ diệt Mỹ” Phan Văn Minh càng làm cho những ngày tháng Tư thêm rạng rỡ, tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta hoàn thành sứ mệnh lịch sử đưa đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Cựu chiến binh chia sẻ, mỗi lần trở lại Căn cứ Tà Thiết, tôi như được gặp lại đồng đội cũ. Nhiều người đã nằm lại nơi đây. Tôi mong thế hệ trẻ hôm nay hiểu, trân quý hơn giá trị của hòa bình
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông Minh vừa dẫn đoàn cựu chiến binh thị xã Bình Long đi thăm lại chiến trường xưa. Điểm dừng chân đầu tiên là cầu Cần Lê và tiếp đến là Căn cứ Tà Thiết. Đây là những nơi ông đã từng sống, chiến đấu, công tác nhiều năm trong thời kỳ kháng chiến. Những chuyến trở lại chiến trường xưa như một lời nhắc nhở thế hệ hôm nay: Hòa bình là điều quý giá nhất!
“Tôi rất trân trọng, kính phục và biết ơn những thành tích của cựu chiến binh Phan Văn Minh. Đây là nhân chứng sống trong thời kỳ chiến tranh giải phóng đất nước. Ông là người dũng cảm, gan dạ, kiên cường, là niềm tự hào của quê hương Bình Long”. Ông NGUYỄN MINH ĐỨC, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Bình Long |
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/171895/chuyen-cua-dung-si-diet-my
Bình luận (0)