Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyển đổi các hộ, cá nhân kinh doanh thành doanh nghiệp:

Miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác đang được coi là nguồn lực khích lệ, hỗ trợ hàng triệu hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.

Hà Nội MớiHà Nội Mới26/05/2025

Để những chủ trương, chính sách trên phát huy hiệu quả, bên cạnh công tác tuyên truyền, định hướng, rất cần có thêm những hỗ trợ, dẫn dắt cụ thể..., giúp quá trình chuyển đổi mô hình được dễ dàng, thuận lợi.

Phấn đấu đến năm 2030 cả nước có 2 triệu doanh nghiệp

kinh-doanh.jpg
Thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ phù hợp để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Mỗi năm, cửa hàng tạp hóa của anh Nguyễn Công Khánh (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) đóng mức thuế khoán khoảng 50 triệu đồng. Dù đã nhiều lần được vận động đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng anh Khánh còn e ngại. Sự thay đổi mức thuế cùng hàng loạt các thủ tục hành chính liên quan khiến anh cũng như nhiều chủ hộ kinh doanh khác tiếp tục trì hoãn, dù vẫn biết việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh tốt hơn.

“Nay có quy định mới, nếu chuyển từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, tôi sẽ được miễn khoản thuế phải đóng trong vòng 3 năm, tổng cộng khoảng 150 triệu đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp mới còn có được nhiều hỗ trợ khác”, anh Khánh nói.

Ngoài miễn thuế, các hộ, cá nhân kinh doanh sẽ được cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Là hộ kinh doanh mặt hàng nông sản sạch trên phố Thái Hà (quận Đống Đa), chị Hoàng Thị Hạnh cho biết, hiện cửa hàng vẫn đang duy trì phần mềm quản lý bán hàng khoảng 70.000-80.000 đồng/tháng. Do đó, nếu được hỗ trợ về phần mềm này, chị tiết giảm được phần nào chi phí hoạt động.

Hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi thành doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được ban hành trong Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17-5-2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 17-5-2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị quyết 198/2025/QH15.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị quyết số 198/2025/QH15 là việc bỏ áp dụng thuế khoán với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ ngày 1-1-2026. Chính sách này nhằm bảo đảm tính minh bạch hoạt động của hộ kinh doanh, tạo bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Cùng với ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều chính sách khác cũng hướng tới mục tiêu tạo động lực để các hộ kinh doanh đổi mới, phát triển.

Trước đó, ngày 4-5-2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TƯ về phát triển kinh tế tư nhân, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động; tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân đạt 10-12%/năm. Đến năm 2045, có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 60% Tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Tuy nhiên, nhìn lại mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 10-NQ/TƯ ngày 3-6-2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp vẫn chưa đạt được. Vì vậy, những cơ chế chính sách đặc biệt là hết sức cần thiết.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, những quy định, chính sách mới cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân. Đồng thời, việc chuyển sang mô hình doanh nghiệp sẽ giúp hộ kinh doanh nâng cao tính chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh.

Chính sách hỗ trợ phải đủ sâu, đủ mạnh

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cả nước có khoảng 5 triệu hộ và cá nhân kinh doanh, với 3,6 triệu hộ đang đăng ký thuộc diện nộp thuế. Những chính sách ưu đãi đã có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 17-5-2025 thực sự tạo điều kiện để chuyển đổi các hộ, cá nhân kinh doanh thành doanh nghiệp, bởi nếu không mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, ít nhất 3 triệu doanh nghiệp vào năm 2045 sẽ khó trở thành hiện thực.

Theo các chuyên gia kinh tế, trước đây nhiều chính sách hỗ trợ chưa thực chất, chưa đủ sâu, đủ mạnh để thúc đẩy hộ, cá nhân kinh doanh thành doanh nghiệp. Các hộ kinh doanh e ngại thủ tục pháp lý, chế độ kế toán, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội và nhiều quy định khác…, nên dù đủ điều kiện vẫn né tránh, trì hoãn chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tới đây, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hỗ trợ đồng bộ từ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thuê nhà, đất là tài sản công đến tài chính, tín dụng, thuế, phí, cũng như nâng cao năng lực quản trị… Đây sẽ là động lực để các hộ, cá nhân kinh doanh mạnh dạn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

“Nghiên cứu kỹ các chế độ ưu đãi trong giai đoạn tới, hộ cá nhân chuyển đổi lên doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn nhất lúc này là được tư vấn để hiểu đúng, hiểu chính xác những quyền lợi mình được hưởng, cũng như hỗ trợ để quá trình chuyển đổi được dễ dàng, thuận lợi”, anh Nguyễn Công Khánh - chủ cửa hàng tạp hóa ở phường Thanh Xuân Bắc, (quận Thanh Xuân) nêu.

Để tránh tâm lý e ngại cho các cá nhân, hộ kinh doanh chưa hiểu rõ chính sách pháp luật, nhất là các lợi ích sẽ được thụ hưởng, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw đề xuất, bên cạnh triển khai chính sách hỗ trợ Quốc hội, Chính phủ vừa ban hành, các cấp, ngành liên quan tư vấn, tuyên truyền, cởi gỡ những khúc mắc mà các hộ kinh doanh đang gặp phải.

Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn:

Thủ tục cần dễ dàng, thân thiện hơn

dau-anh-tuan-vcci.jpg

Mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030 theo Nghị quyết số 68-NQ/TƯ của Bộ Chính trị là "KPI" cho các địa phương trong đánh giá phát triển kinh tế - xã hội. Giải pháp chính được các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đưa ra như miễn thuế để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp là rất thiết thực. Đây là điểm nhấn không chỉ giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên hấp dẫn, thân thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách miễn thuế, chế độ kế toán và thủ tục kinh doanh cũng cần được điều chỉnh theo hướng dễ dàng, thân thiện hơn, khi đó nhiều hộ sẽ mạnh dạn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đây chính là điểm mấu chốt, không chỉ là câu chuyện về mặt thủ tục, mà là quá trình nâng tầm vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân. Trong quá trình thực hiện, điều quan trọng nhất vẫn chuyển đổi từ tư duy quản lý sang tư duy hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp của các cấp, ngành.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Cẩm Giang, Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng:

Tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân

ts-giang.jpg

Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân được xem là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo nền tảng vững chắc cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Một trong những điểm nhấn nổi bật là quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính sách này trước hết giúp giảm đáng kể gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn khởi nghiệp, vốn nhiều rủi ro và thiếu ổn định nhất. Nhờ đó, doanh nghiệp có điều kiện tập trung nguồn lực vào sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh; giúp gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp duy trì hoạt động bền vững, giảm tình trạng giải thể hoặc ngừng hoạt động trong giai đoạn đầu.

Giám đốc điều hành Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi Nguyễn Quang Huy:

Bỏ khoán thuế là bước đi phù hợp

gia-quang-huy.jpg

Tôi cho rằng, việc chuyển đổi từ phương pháp khoán thuế sang kê khai và nộp thuế là bước đi phù hợp với định hướng hiện đại hóa quản lý thuế và thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân. Đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh, quy định này sẽ mở ra cơ hội tiếp cận với hệ thống quản trị minh bạch hơn, nâng cao năng lực kế toán, tài chính, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận tín dụng, mở rộng quy mô kinh doanh một cách chuyên nghiệp.

Dĩ nhiên, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật, hạ tầng số, cũng như sự hỗ trợ đồng hành của cơ quan thuế. Việc áp dụng hóa đơn điện tử, phần mềm hỗ trợ kê khai thuế và các chương trình tập huấn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp hộ kinh doanh thích nghi và vận hành hiệu quả theo cơ chế mới. Đây là bước chuyển tích cực, tạo nền tảng lâu dài cho kinh tế tư nhân tăng trưởng bền vững.

Hoa - Hương thực hiện

Nguồn: https://hanoimoi.vn/chuyen-doi-cac-ho-ca-nhan-kinh-doanh-thanh-doanh-nghiep-can-them-nhung-ho-tro-dan-dat-cu-the-703476.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm