Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyển đổi năng lượng xanh trong doanh nghiệp: Mạch nguồn phát triển bền vững

(Baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh toàn cầu đang đứng trước áp lực ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và xu thế tiêu dùng xanh lên ngôi, chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh - sạch - bền vững không còn là xu hướng, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp. Tại Thanh Hóa, quá trình này đang diễn ra mạnh mẽ không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp, mà còn lan tỏa sang nông nghiệp và dịch vụ, tạo nên một hệ sinh thái kinh tế xanh đầy triển vọng.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa20/05/2025

Chuyển đổi năng lượng xanh trong doanh nghiệp: Mạch nguồn phát triển bền vững

Công ty TNHH Công nghiệp Intco Việt Nam sử dụng năng lượng tái tạo và nguyên liệu tái chế trong sản xuất, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Chi Phạm

Trên tinh thần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như Việt Nam đã tuyên bố tại Hội nghị COP26, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và ban hành nhiều kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Giai đoạn đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu giảm ít nhất 30% lượng phát thải khí nhà kính so với hiện tại, tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong các ngành kinh tế chủ lực lên mức 30%, tiến tới hình thành các mô hình khu công nghiệp, cụm sản xuất và dịch vụ theo hướng tuần hoàn, phát thải thấp.

Trong lĩnh vực công nghiệp, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đã tiên phong trong quá trình chuyển đổi xanh. Công ty CP Xi măng Vicem Bỉm Sơn đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt khí thải để phát điện, giúp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm và giảm hàng nghìn tấn CO2 thải ra môi trường. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn - một trong những tổ hợp công nghiệp trọng điểm quốc gia - cũng đang từng bước hiện đại hóa quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ giảm phát thải NOx, SOx, thu hồi và tái sử dụng hơi nước, nước thải trong quá trình vận hành. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các khu công nghiệp Lễ Môn, Bỉm Sơn, Nghi Sơn đã lắp đặt điện mặt trời áp mái, cải tiến hệ thống chiếu sáng và thiết bị sản xuất để tiết kiệm năng lượng.

Theo thống kê từ Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có hơn 50 doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời, với tổng công suất gần 40 MWp. Ước tính, lượng điện sản xuất từ nguồn này giúp tiết kiệm khoảng 60 - 80 tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp, đồng thời giảm phát thải hơn 35.000 tấn CO2.

“Làn sóng” này cũng đang lan rộng sang khu vực dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực hạ tầng thiết yếu. Tại huyện Hoằng Hóa, Nhà máy Nước sạch xã Hoằng Xuân với công suất thiết kế 6.500m3/ngày đêm, hiện cung cấp nước sạch cho khoảng 8.000 khách hàng tại 10 xã phía Bắc của huyện - là một điển hình tiêu biểu trong việc ứng dụng năng lượng tái tạo vào vận hành. Từ năm 2021, nhà máy đã đầu tư gần 1 tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất 81 kWh. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc điều hành nhà máy, việc sử dụng nguồn điện sạch này giúp tiết kiệm trung bình khoảng 15 triệu đồng tiền điện mỗi tháng, đồng thời đảm bảo nguồn cung ổn định trong khung giờ cao điểm. Với vòng đời khấu hao kéo dài tới 30 năm và thời gian hoàn vốn dự kiến trong vòng 7 năm, đây là một bước đi chiến lược hướng tới mục tiêu tự cung cấp hoàn toàn điện vận hành vào ban ngày. Trong năm 2025, đơn vị tiếp tục lên kế hoạch mở rộng quy mô hệ thống điện mặt trời để tối ưu hiệu quả.

Chuyển đổi năng lượng xanh cũng đang được một số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại Thanh Hóa chủ động áp dụng theo hướng phù hợp với điều kiện địa phương. Tại Khu Du lịch Pù Luông (Bá Thước), nhiều homestay và resort đã ứng dụng năng lượng mặt trời thay cho điện lưới, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sinh học và hạn chế tối đa rác thải nhựa. Các cơ sở như Pu Luong Retreat, Pu Luong Treehouse còn tổ chức hoạt động trồng cây, làm sạch bản làng, tái chế đồ dùng cũ, hướng tới du lịch xanh gắn với phát triển bền vững. Theo bà Lê Thị Nga, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Puluong Bocbandi Retreat: “Khi chuyển sang dùng năng lượng mặt trời, chi phí vận hành giảm rõ rệt, lại thu hút được nhiều du khách quốc tế yêu thích mô hình du lịch thân thiện với môi trường”.

Dù đã có những tín hiệu tích cực, quá trình chuyển đổi năng lượng xanh ở Thanh Hóa vẫn đối mặt không ít rào cản. Trong đó, trở ngại lớn nhất là chi phí đầu tư ban đầu cao, trong khi phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất nông nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh. Bên cạnh đó, nhận thức về lợi ích lâu dài của năng lượng tái tạo còn hạn chế, nhiều mô hình mới thiếu đội ngũ kỹ thuật duy trì, bảo trì thiết bị đúng chuẩn. Công tác tư vấn, chuyển giao công nghệ cũng chưa được triển khai đồng bộ, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Để quá trình này diễn ra toàn diện và thực chất, tỉnh Thanh Hóa cần có giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn. Trước hết là xây dựng các chính sách khuyến khích cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp theo ngành nghề và quy mô, đồng thời hình thành quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh từ nguồn ngân sách địa phương kết hợp vốn quốc tế. Cùng với đó, cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, tổ chức tập huấn kỹ thuật, kết nối doanh nghiệp với đơn vị cung cấp giải pháp uy tín, đồng thời nhân rộng các mô hình điển hình từ thực tiễn.

Ông Nguyễn Việt Huy, Trưởng Phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương), cho biết: “Chuyển đổi năng lượng xanh không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường. Thanh Hóa có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo như mặt trời, sinh khối, gió ven biển - nếu biết tận dụng tốt sẽ tạo ra “cú hích” mới cho kinh tế địa phương”.

Chi Phạm

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/chuyen-doi-nang-luong-xanh-trong-doanh-nghiep-nbsp-mach-nguon-phat-trien-ben-vung-249388.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm