
Để thể thao Việt Nam có những bước đột phá về thành tích tại đấu trường ASIAD, Olympic, cần một cuộc cách mạng trong công tác huấn luyện các đội tuyển quốc gia, trong đó ứng dụng công nghệ là hướng đi tất yếu và cấp thiết nhằm tạo nên những dấu ấn mới cho thể thao nước nhà tại đấu trường quốc tế.
Chuyển đổi số là nhu cầu cấp thiết
Trong những năm gần đây, thể thao Việt Nam luôn đứng trong tốp đầu tại các kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games). Cụ thể, trong hai kỳ SEA Games liên tiếp là SEA Games 31 (2021) tại Việt Nam và SEA Games 32 (2023) tại Campuchia, thể thao Việt Nam đều dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương.
Tuy nhiên, ra đấu trường châu lục và thế giới, thể thao Việt Nam từng giành Huy chương vàng Olympic (Olympic Rio 2016), nhưng tại kỳ ASIAD gần nhất (ASIAD 19 - 2023), Việt Nam chỉ giành số huy chương khiêm tốn (3 Huy chương vàng, 5 Huy chương bạc và 19 Huy chương đồng), nhưng cũng “trắng tay” tại hai kỳ Olympic gần nhất (2020, 2024). Kết quả này cho thấy dấu hiệu chững lại về thành tích của thể thao Việt Nam tại đấu trường quốc tế.
Theo chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh, nhìn vào thành tích thể thao Việt Nam tại đấu trường Đông Nam Á, thể thao Việt Nam chỉ thành công ở những nhóm môn thể thao SEA Games. Còn ở sân chơi như ASIAD và Olympic, thành tích của vận động viên Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với nhiều vận động viên của các quốc gia khác, thậm chí là thua một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Muốn hướng đến thành tích cao tại ASIAD, Olympic, thể thao Việt Nam cần tập trung chấn chỉnh công tác đào tạo từ địa phương, ngành đến các đội tuyển quốc gia, đặc biệt là quy trình tuyển chọn đào tạo mang tính hệ thống... Việc làm này phải đồng bộ từ cơ sở vật chất đến con người.
Trưởng phòng Thể thao thành tích cao (Cục Thể dục thể thao Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hoàng Quốc Vinh cho rằng, hiện thể thao Việt Nam đang áp dụng phương pháp huấn luyện truyền thống, mà thiếu các trang thiết bị công nghệ cao. Thể thao Việt Nam cũng chưa có hệ thống quản lý dữ liệu vận động viên tập trung, vốn là tiêu chuẩn ở các cường quốc thể thao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Thiếu công nghệ này, các huấn luyện viên các đội tuyển quốc gia không theo dõi được tiến trình, phong độ của từng vận động viên khiến việc xây dựng giáo án thiếu chính xác, khó cá nhân hóa bài tập cho từng vận động viên.
Công nghệ sẽ giúp đột phá về thành tích
Tại hội thảo Chuyển đổi số trong phong trào Olympic Việt Nam mới đây, nguyên Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt từng khẳng định: "Chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, huấn luyện và thi đấu, mà còn mở ra nhiều cơ hội để phong trào Olympic Việt Nam phát triển bền vững hơn trong tương lai".
Theo Giám đốc Công nghệ của Công ty cổ phần Công nghệ Dreamax Phan Văn Hưng, việc áp dụng công nghệ vào thể thao sẽ hỗ trợ cho công tác huấn luyện và thi đấu. Đơn cử như sử dụng thiết bị thông minh và cảm biến để theo dõi sức khỏe, đo lường hiệu suất của vận động viên điền kinh, từ đó giúp huấn luyện viên đưa ra chiến lược phù hợp hơn.
Cũng theo ông Phan Văn Hưng, việc xây dựng nền tảng dữ liệu lớn (bigdata) và ứng dụng công nghệ có vai trò vô cùng quan trọng trong nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành Thể dục thể thao. Nó bao gồm dữ liệu từ cảm biến (IoT, wearables), video phân tích trận đấu, dữ liệu thống kê, thông tin từ mạng xã hội và dữ liệu kinh doanh như bán vé, marketing.
Những dữ liệu này đòi hỏi một hệ thống có khả năng thu thập, lưu trữ, phân tích và xử lý theo thời gian thực, đồng thời đưa ra các dự đoán và hỗ trợ ra quyết định cho nhà quản lý. Bên cạnh đó, việc xây dựng nền tảng dữ liệu lớn (bigdata), ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực thể thao sẽ giúp phân tích hiệu suất vận động viên, phòng ngừa chấn thương, tối ưu hóa chiến thuật và huấn luyện, phát hiện và bồi dưỡng vận động viên tiềm năng.
Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Trần Văn Mạnh cho rằng, chuyển đổi số là cách làm hiệu quả giúp nhà quản lý thể thao bỏ đi sự thủ công, tăng tính chính xác và tiết kiệm thời gian. Đối với huấn luyện viên và vận động viên, việc số hóa giúp phân tích tốt hiệu quả của mình từ các chỉ số đo lường đưa ra; đồng thời phần mềm phân tích dữ liệu sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ chấn thương trong tập luyện và thi đấu cũng như tăng cường tính minh bạch và công bằng trong việc quyết định kết quả.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh cho rằng, trong thời đại số, với các môn thể thao trọng điểm như bắn súng, bắn cung, cử tạ, karate, taekwondo… nơi sự chính xác, hiệu quả và tối ưu hóa từng chi tiết quyết định chiến thắng, ứng dụng công nghệ trong thể thao không còn là lựa chọn, mà là nhu cầu cấp thiết.
Trước mắt, ngành thể thao cần đào tạo đội ngũ huấn luyện viên, chuyên gia có trình độ phân tích dữ liệu thể thao. Thời gian tới, sẽ từng bước xây dựng phần mềm quản lý vận động viên, thiết lập cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc, đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các môn trọng điểm. Về lâu dài, Cục sẽ nỗ lực tìm nguồn kinh phí, xây dựng các "Trung tâm huấn luyện thể thao thông minh" đạt chuẩn quốc tế. Hy vọng, cùng với sự thích ứng chuyển đổi số trong công tác quản lý và huấn luyện, thể thao Việt Nam sẽ đột phá về thành tích tại đấu trường ASIAD và Olympic trong tương lai.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/chuyen-doi-so-tao-dot-pha-cho-the-thao-698754.html
Bình luận (0)