Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyện về những chú chó nghiệp vụ tham gia cứu nạn động đất ở Myanmar

Vừa trở về Việt Nam, thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi (Trường trung cấp 24 Biên phòng) đã có cuộc chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên về quá trình cùng đồng đội tìm kiếm cứu nạn sau động đất ở Myanmar.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên09/04/2025



Chuyến đi 9 ngày của đội huấn luyện viên, chó nghiệp vụ nói riêng và của đoàn Việt Nam nói chung được đánh giá là xuất sắc qua báo cáo của thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn - Tổng chỉ huy các lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam, tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) tối 8.4.

Chuyện về những chú chó nghiệp vụ tham gia cứu nạn động đất ở Myanmar - Ảnh 1.

Các huấn luyện viên và chó nghiệp vụ rời Myanmar về nước

ẢNH: NVCC

Trong hành trình thực hiện nhiệm vụ, mỗi chiến sĩ đều có những ấn tượng, những kỷ niệm riêng. Đối với thượng tá Nguyễn Trung Kiên cũng vậy, đây là lần đầu tiên ông thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ở nước ngoài.

LIVE: Hình ảnh từ Myanmar ngày thứ 4 sau động đất; Kỳ tích 60 giờ sống sót trong đổ nát

10 nguồn hơi phát hiện 16 thi thể

Thượng tá Kiên nhớ như in buổi chiều 31.3, khi ông và đoàn cứu hộ Việt Nam đặt chân đến Myanmar. Chứng kiến cảnh đổ sập tại đây, ai cũng quặn lòng trước sự tàn phá thảm khốc của thiên tai. Với tinh thần "tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát như tìm kiếm người thân của mình", ai cũng sốt ruột, muốn giúp đỡ người dân Myanmar ngay lập tức.

Thượng tá Kiên nhớ lại, sau khi đóng quân tại thủ đô Naypyidaw, phía Myanmar trao đổi và chỉ cho đoàn Việt Nam 2 địa điểm bị đổ sập là khu chung cư Bala Tidi và bệnh viện tư nhân Oattara Thiri. 2 địa điểm này đã có đoàn đến ứng cứu được một số người khỏi đống đổ nát nhưng vẫn còn nhiều người mất tích.

Chuyện về những chú chó nghiệp vụ tham gia cứu nạn động đất ở Myanmar - Ảnh 2.

Chuyện về những chú chó nghiệp vụ tham gia cứu nạn động đất ở Myanmar - Ảnh 3.

Chuyện về những chú chó nghiệp vụ tham gia cứu nạn động đất ở Myanmar - Ảnh 4.

Chuyện về những chú chó nghiệp vụ tham gia cứu nạn động đất ở Myanmar - Ảnh 5.

Khu vực chó nghiệp vụ phát hiện nguồn hơi trong đống đổ nát

ẢNH: NVCC

Sau khi nhận địa điểm, 17 giờ ngày 31.3, thượng tá Nguyễn Trung Kiên đề xuất đưa chó nghiệp vụ vào kiểm tra, xác định nguồn hơi. Sau khoảng 10 phút vào hiện trường, chú chó Chi Nốp do chiến sĩ Đinh Mạnh Tiến huấn luyện đã phát hiện nguồn hơi bên trong căn chung cư Bala Tidi.

Thấy Chi Nốp sủa, 2 chú chó khác bên ngoài rúc vào các khe ở bên cạnh và sủa theo. Vị trí này được chiến sĩ Đinh Mạnh Tiến cắm cờ để đánh dấu. Từ vị trí trên, sáng 1.4, đoàn đã đưa ra ngoài thi thể cụ ông 74 tuổi.

20 phút sau khi Chi Nốp phát hiện nguồn hơi đầu tiên, chú chó Loc Xa do chiến sĩ Nguyễn Văn Linh làm huấn luyện viên tiếp tục sủa báo hiệu. Sau đó, đoàn đưa thêm chú chó Ja Vo do chiến sĩ Phạm Minh Hưởng làm huấn luyện viên đến để kiểm tra chéo. Lúc này, cả 2 chú chó đều sủa báo hiệu nguồn hơi. "Khi nguồn hơi được cả 2 chó nghiệp vụ sủa báo hiệu, chúng tôi cực kỳ tự tin xác định vị trí đó chắc chắn có người", thượng tá Kiên nói.

Đến 17 giờ 30 cùng ngày, chú chó Loc Xa tiếp tục sủa báo hiệu. Ngay lập tức, đoàn đưa chú chó Olat - chú chó từng tham gia tìm kiếm cứu nạn ở Làng Nủ, do thiếu tá Đoàn Văn Hoàn làm huấn luyện viên, để kiểm tra chéo và chú chó này cũng kêu sủa, xác nhận nguồn hơi.

Chuyện về những chú chó nghiệp vụ tham gia cứu nạn động đất ở Myanmar - Ảnh 6.

10 vị trí nguồn hơi đều phát hiện thi thể nạn nhân động đất, tỷ lệ chính xác 100%

ẢNH: NVCC

Sang ngày 1.4, lực lượng công binh quân đội tìm kiếm những vị trí đã đánh dấu và đưa ra ngoài 4 thi thể. Đây là những nạn nhân được xác định mất tích ở chung cư này.

Khoảng 11 giờ 30 ngày 1.4, đoàn quân đội đến cứu hộ tại Bệnh viện Ottara Thiri. Thông qua tùy viên quốc phòng Việt Nam tại Myanmar, thượng tá Kiên đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo bệnh viện về khu vực bị đổ sập nặng nề nhất và biết được bệnh viện này đã có một số đoàn cứu trợ đến cứu nạn, đưa ra ngoài được một số thi thể, nhưng vẫn còn trên dưới 10 nạn nhân mắc kẹt bên trong.

Nóng lòng tìm kiếm cứu nạn, thượng tá Kiên đề xuất tìm kiếm trong buổi trưa và được chỉ huy đồng ý. Khoảng 12 giờ 20, chú chó Javo do chiến sĩ Phạm Minh Hưởng làm huấn luyện viên và chó Zunka của chiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh cùng phát hiện trong phòng bệnh 2104 có nguồn hơi, kêu sủa. Chiều hôm đó, công binh đã tìm thấy 3 nạn nhân đã tử vong.

15 giờ 30 cùng ngày, chú chó Locxa phát hiện thêm một vị trí nghi có nạn nhân mắc kẹt tử vong, tiến hành tìm kiếm, lực lượng công binh tìm thấy 2 nạn nhân nằm cạnh nhau. 17 giờ 30, chú chó Javo phát hiện thêm vị trí nghi có người mắc kẹt. Sáng hôm sau, đoàn cứu hộ tìm kiếm và phát hiện một nạn nhân tại vị trí này.

Không bỏ sót dù chỉ còn một chút hy vọng

Thượng tá Nguyễn Trung Kiên tiết lộ, sau khoảng 6 ngày tìm kiếm, đoàn cứu hộ Việt Nam đã phát hiện và đưa ra ngoài 16 thi thể qua 10 nguồn hơi của chó nghiệp vụ.

Những tưởng tại bệnh viện đã hết nạn nhân mắc kẹt nhưng khi nhận được thông tin từ người nhà nạn nhân, họ nói "mong các chú, các bác cố gắng đưa mẹ cháu ra ngoài với, mẹ cháu vẫn còn trong đó". Lúc này, dù chúng ta đã cất hết trang bị, chuẩn bị cơ động làm nhiệm vụ mới nhưng khi nghe mong muốn của người dân, tất cả quay lại lao vào tìm kiếm.

Vị huấn luyện viên cho biết, cô gái bị mắc kẹt là một trong 3 người được camera ghi lại, trong đó một nam thanh niên đã chạy thoát, một người đã tìm thấy thi thể.

"Qua rà soát, chúng tôi không thể xác định nạn nhân tại khu vực nào vì vị trí này bị bịt kín. Sau khi trao đổi, chúng tôi quyết định thay đổi phương pháp tìm kiếm của chó nghiệp vụ vì toàn bộ mặt sàn đều bị bịt kín, chó nghiệp vụ không thể ngửi được. Công binh sau đó đã đục lỗ để chó nghiệp vụ tìm kiếm và xác định được vị trí của nạn nhân", thượng tá Kiên nói, và cho rằng, lúc tìm thấy thi thể, 2 người con của nạn nhân đến và chắp tay cảm ơn. Họ không nghĩ rằng có thể sẽ tìm thấy mẹ mình.

Chuyện về những chú chó nghiệp vụ tham gia cứu nạn động đất ở Myanmar - Ảnh 7.

Lực lượng cứu hộ Myanmar tìm hiểu về chó nghiệp vụ

ẢNH: NVCC

9 ngày ở Myanmar, điều mà thượng tá Kiên ấn tượng nhất đó chính là tinh thần làm việc của đoàn cứu hộ, các chiến sĩ luôn coi việc tìm nạn nhân trong đống đổ nát như tìm người thân của mình theo chỉ đạo của thiếu tướng Phạm Văn Tỵ. Bởi vậy, khi người dân Myanmar nói "còn thân nhân trong đống đổ nát", đoàn cứu hộ liền lao vào hiện trường tìm kiếm đến khi tìm thấy thi thể.

Theo thượng tá Kiên, đoàn Việt Nam đã phối hợp tốt với lực lượng cứu hộ Myanmar. Hai bên giao tiếp bằng tiếng Anh và cả "ngôn ngữ hình thể". Khi chỉ huy lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ bên bạn nhìn thấy chó nghiệp vụ của quân đội làm việc hiệu quả, họ phải thốt lên "chúng tôi không có chó nghiệp vụ thế này". Sau đó, phía bạn đề nghị với thiếu tướng Tỵ, tới đây trong hợp tác quốc phòng có nội dung về đào tạo nhân lực, sử dụng chó nghiệp vụ.

Bên cạnh việc phát hiện ra nguồn hơi giúp công binh tìm kiếm chính xác thi thể nạn nhân, chó nghiệp vụ còn phát hiện các rung chấn báo hiệu để mọi người thoát ra ngoài an toàn. "Khi bắt đầu có rung chấn, chó nghiệp vụ kéo huấn luyện viên ra ngoài, thấy vậy chúng tôi hô lớn, dừng máy móc, có động đất "rút", vị thượng tá Kiên kể.

Chó nghiệp vụ kéo huấn luyện viên chạy khi thấy rung chấn

Ông Kiên chia sẻ, các chú chó nghiệp vụ khi cảm nhận nguy hiểm sẽ không tiến thêm, kể cả huấn luyện viên ép chúng cũng sẽ không di chuyển.

Tiết lộ thêm về những khó khăn khi làm nhiệm vụ, thượng tá Kiên cho hay, mỗi vụ thiên tai đều khác nhau, ở Làng Nủ thì xảy ra lũ bùn, ở Thổ Nhĩ Kỳ và Myanmar đều là động đất nhưng điều kiện môi trường khác.

Ông phân tích, ở Thổ Nhĩ Kỳ thời tiết lạnh, nguồn hơi người sẽ không bị lẫn nhưng ở Myanmar lại nóng nên không chỉ có riêng hơi người mà còn nhiều nguồn hơi khác. Hơn nữa, đống đổ nát ở Myanmar còn nhiều mảnh thủy tinh, huấn luyện viên phải dọn đường để chó nghiệp vụ vào tìm nguồn hơi.

Chuyện về những chú chó nghiệp vụ tham gia cứu nạn động đất ở Myanmar - Ảnh 8.

Thời tiết nắng nóng tại Myanmar gây khó khăn cho chó nghiệp vụ trong tìm kiếm nguồn hơi

ẢNH: NVCC

"Để chống lại cái nóng như thiêu đốt ở Myanmar, chúng tôi chia ca, cứ một cặp chó làm việc khoảng 30 phút rồi rút ra nghỉ ngơi, chăm sóc. Đáng chú ý, chó cũng có giờ phát hiện ra nguồn hơi, buổi sáng thường thì từ 8 - 10 giờ, chiều từ 15 giờ 30 - 17 giờ, nếu không phát hiện thì phải hôm sau mới tìm thấy", thượng tá Kiên nói.

Ngoài thời tiết, cả huấn luyện viên và chó nghiệp vụ còn phải đối mặt với việc thiếu nước sạch, côn trùng đốt bởi khu vực thủ đô Myanmar rất nhiều muỗi, dùng tay có thể "vơ được".

Trong đợt tham gia tìm kiếm cứu nạn sau trận động đất của Myanmar, đoàn quân đội mang theo 6 huấn luyện viên và 6 chó nghiệp vụ. Trong đó, có 3 huấn luyện viên và 3 chó nghiệp vụ từng làm nhiệm vụ cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, 3 huấn luyện viên và 3 chó nghiệp vụ còn lại từng cứu nạn tại Làng Nủ.

Hiện nay, thượng tá Nguyễn Trung Kiên đang quản lý 32 chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn. Tất cả các chú chó đều có khả năng tương tự như 6 chú chó tham gia nhiệm vụ tại Myanmar.


Nguồn: https://thanhnien.vn/chuyen-ve-nhung-chu-cho-nghiep-vu-tham-gia-cuu-nan-dong-dat-o-myanmar-185250409175036893.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm