Theo thống kê từ LĐLĐ tỉnh, tính đến đầu năm 2025, toàn tỉnh có 1.135 công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, với tổng số 88.488 đoàn viên. Sự hiện diện của các công đoàn này đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi và nâng cao chất lượng sống cho người lao động.
Tại Công ty TNHH Y tế Bình An (TP Đông Triều) - một doanh nghiệp FDI, công đoàn luôn sát cánh cùng người lao động. Chủ tịch Công đoàn Công ty Ngọc Anh cho biết: Chủ doanh nghiệp là người nước ngoài, vì thế chúng tôi luôn tư vấn để họ thực hiện đầy đủ chính sách lao động, đảm bảo quyền lợi cho công nhân. Thu nhập trung bình tại công ty hiện đạt 9-10 triệu đồng/tháng, với nhiều khoản hỗ trợ như phụ cấp xăng xe, tiền chuyên cần, tiền nhà ở, thưởng Tết...
Vai trò của công đoàn không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ quyền lợi, mà còn thể hiện qua những hoạt động hỗ trợ kịp thời khi người lao động gặp khó khăn. Điển hình là trường hợp chị Đỗ Thị Hằng, công nhân Công ty TNHH Y tế Bình An, bị TNGT nghiêm trọng, gia đình lại thuộc diện cận nghèo, chồng bị suy thận giai đoạn cuối... “Công đoàn công ty cùng đồng nghiệp đã chung tay hỗ trợ, giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục làm việc và ổn định cuộc sống” - chị Hằng chia sẻ.
“Công đoàn Công ty TNHH Mochi (CCN Hà Khánh, TP Hạ Long) luôn coi Thoả ước lao động tập thể là kim chỉ nam cho mọi hoạt động” - ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Công đoàn công ty chia sẻ.
Vì thế, nhiều điều khoản trong Thoả ước lao động tập thể của công ty được thương thảo có lợi hơn cho người lao động so với luật, như: Lương, thưởng, giờ làm việc. Các chế độ phúc lợi cho người lao động được đảm bảo như ăn ca 25.000 đồng/người/ngày; quà sinh nhật 300.000 đồng/người; các ngày lễ, tết đều có thưởng; quà mừng kết hôn 1 triệu đồng; tổ chức thăm, tặng quà hiếu, hỷ, ốm đau; tổ chức tham quan nghỉ mát... Hiện mức thu nhập bình quân người lao động đạt 8-10 triệu đồng/tháng; công nhân ở xa được bố trí chỗ ăn, ngủ.
Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long và Công ty TNHH Dệt may Weili Hạ Long (KCN Việt Hưng, TP Hạ Long) là hai doanh nghiệp có cùng nhà đầu tư. “Xây dựng mối quan hệ win-win trong doanh nghiệp, Công đoàn đã tích cực phối hợp với lãnh đạo công ty để xây dựng môi trường làm việc hài hoà và tốt nhất cho người lao động” - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Dệt may Weili Hạ Long Đinh Thị Nguyễn chia sẻ.
Với hơn 4.000 công nhân, trong đó 91% là lao động nữ, Công đoàn Công ty TNHH Dệt may Weili Hạ Long đã đề xuất và thực hiện hàng loạt chính sách để doanh nghiệp thực hiện đúng với quy định của pháp luật như: Lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng được làm việc 7 giờ/ngày, có phòng vắt sữa tại chỗ, nghỉ giữa ca trong thời gian kinh nguyệt… Công đoàn cũng tổ chức các hoạt động tặng quà và hỗ trợ đời sống tinh thần, tổ chức Tết sum vầy, tiệc tất niên… đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người lao động. Công đoàn cũng đề nghị và phối hợp tổ chức các chuyến xe đưa đón công nhân đi làm nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, cũng như tiết kiệm xăng xe.
Chị Trương Thị Viện, công nhân Công ty TNHH Dệt may Weili Hạ Long, chia sẻ: Chính sách của công ty và sự đồng hành của tổ chức công đoàn giúp chúng tôi yên tâm làm việc, đặc biệt là các lao động nữ. Chúng tôi rất trân trọng sự quan tâm này và sẽ cống hiến, gắn bó hết mình với doanh nghiệp.
Có thể khẳng định, tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước đang làm tốt vai trò là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc chăm lo đời sống, đảm bảo quyền lợi cho công nhân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết để nâng cao chất lượng việc làm và môi trường làm việc cho người lao động ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Sự phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước sẽ là chìa khóa để xây dựng một môi trường lao động hài hòa, bền vững tại Quảng Ninh.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/cong-doan-doanh-nghiep-khu-vuc-ngoai-nha-nuoc-phat-huy-vai-tro-cham-lo-cho-nguoi-lao-dong-3350999.html
Bình luận (0)