Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cộng hưởng tài nguyên, nâng tầm du lịch địa phương

Việc sáp nhập các tỉnh, thành phố không chỉ tinh gọn bộ máy hành chính, còn mở ra cơ hội tái cấu trúc không gian phát triển, cộng hưởng tài nguyên, mở rộng liên kết vùng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành du lịch.

Báo An GiangBáo An Giang03/07/2025

Chú thích ảnh

Du khách quốc tế tham quan đình cổ Hùng Lô ở làng Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Khi địa giới hành chính được mở rộng, các địa phương có thêm dư địa, tài nguyên để hình thành hệ sinh thái du lịch đa dạng và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, để chuyển hóa tiềm năng thành giá trị thực chất, các tỉnh, thành phố mới cần đánh giá toàn diện nguồn lực hiện có, xác định hướng đi phù hợp, đảm bảo phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Cơ hội đột phá

Việc hợp nhất ba địa phương Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình mang lại cho tỉnh Phú Thọ mới cơ hội đột phá phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Với vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng ngày càng hoàn thiện và tài nguyên văn hóa, thiên nhiên đặc sắc, Phú Thọ mới hội tụ đầy đủ điều kiện để hình thành một “tam giác vàng du lịch” phục vụ cả khách nội địa lẫn quốc tế.

Sau sáp nhập, ba loại hình du lịch thế mạnh của tỉnh là: Du lịch tâm linh - cội nguồn, sinh thái - nghỉ dưỡng và văn hóa cộng đồng có điều kiện kết nối và bổ trợ nhau. Du khách có thể kết hợp nhiều điểm đến, hoạt động trong một hành trình, từ hành hương Đền Hùng, khám phá di sản phi vật thể như Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hát Xoan, cho tới trải nghiệm thiên nhiên tại Vườn quốc gia Xuân Sơn, suối khoáng Thanh Thủy, hồ Hòa Bình và nghỉ dưỡng tại các khu cao cấp như: Flamingo Đại Lải, Serena Kim Bôi, Belvedere Resort… Đồng thời, kho tàng văn hóa dân gian với các lễ hội truyền thống, làng nghề, ẩm thực bản địa và đời sống sinh hoạt đậm bản sắc dân tộc: Mường, Dao, Sán Dìu… là nguồn tài nguyên phong phú để phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra, với lợi thế tiếp giáp Hà Nội, tỉnh Phú Thọ mới dễ dàng kết nối qua các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt, phù hợp phát triển thêm nhiều sản phẩm tour liên kết, giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Năm 2025, du lịch Phú Thọ dự kiến đón trên 950.000 lượt khách lưu trú với doanh thu đạt hơn 4.500 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu, ngành du lịch Phú Thọ xác định bốn giải pháp trọng tâm để chuyển hóa tiềm năng thành kết quả thực chất: Phát huy tinh thần đoàn kết trong đội ngũ cán bộ làm du lịch ba tỉnh cũ; khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia xây dựng sản phẩm bản địa; tăng cường liên kết liên ngành, liên vùng để hình thành các tour tuyến mới và đầu tư hạ tầng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để quảng bá các giá trị văn hóa cội nguồn ra thế giới.

Sau hợp nhất Quảng Ngãi và Kom Tum, tỉnh Quảng Ngãi mới có thế mạnh toàn diện khi kết nối ba vùng sinh thái chủ đạo: Cao nguyên, đồng bằng và biển đảo. Sự giao thoa giữa văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên và hệ thống hạ tầng đang hoàn thiện là nền tảng để địa phương hình thành hành lang du lịch liên vùng.

Tại tỉnh mới, ở phía Đông, Lý Sơn - đảo tiền tiêu của Tổ quốc - nơi được ví như một bảo tàng sống về chủ quyền và văn hóa Hoàng Sa, Trường Sa, sở hữu các hang động núi lửa hàng triệu năm tuổi cùng các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng từ tỏi, hành trồng trên cát. Ở phía Tây, Măng Đen đóng vai trò trung tâm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, đặc biệt với mô hình lưu trú cộng đồng và phát triển gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số tại chỗ. Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, tương lai của Quảng Ngãi là phát triển nông nghiệp có giá trị xanh, từ những tiềm năng xanh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với những giá trị văn hóa được gìn giữ nguyên vẹn. Ba vùng – một thể thống nhất sẽ giúp Quảng Ngãi phát triển du lịch bền vững, lan tỏa bản sắc và tạo động lực mới cho kinh tế địa phương.

Chú thích ảnh

Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của bến đò Tràng An. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Việc hợp nhất ba tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định mở ra cơ hội lớn để tỉnh Ninh Bình mới phát triển một hệ sinh thái du lịch liên hoàn, giàu bản sắc và có sức cạnh tranh cả ở tầm quốc gia, khu vực. Ba địa phương vốn liền kề nhau, cùng chia sẻ những giá trị văn hóa, tín ngưỡng và cảnh quan tự nhiên đặc sắc. Ninh Bình nổi bật với Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Hà Nam có chùa Tam Chúc và Nam Định sở hữu cụm di tích Đền Trần, Phủ Dầy, Chùa Keo Hành Thiện và bờ biển dài trên 70 km có tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng. Khu vực này còn sở hữu Rừng Quốc gia Cúc Phương, vùng đất ngập nước (Ramsa) và Vườn Quốc gia Xuân Thủy với hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, giàu tiềm năng khai thác du lịch xanh.

Thời gian qua, ngành du lịch ba tỉnh đã phối hợp chặt chẽ trong khảo sát, quảng bá điểm đến, xây dựng tour tuyến liên tỉnh. Theo bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình, sự hợp tác này giúp các doanh nghiệp du lịch chia sẻ nguồn khách, nâng cao chất lượng dịch vụ và hình thành tour liên kết như: Tam Chúc - Tràng An - Phủ Dầy. Sau hợp nhất, các địa phương có thể khắc phục hạn chế của các sản phẩm rời rạc, xây dựng chuỗi dịch vụ du lịch hoàn chỉnh, đầu tư hạ tầng đồng bộ và đẩy mạnh xúc tiến thương hiệu vùng.

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh nhấn mạnh, Ninh Bình sẽ tiếp tục giữ vai trò trung tâm kết nối với Hà Nam và Nam Định để hình thành thương hiệu du lịch tổng hợp, đa sắc thái, mang đặc trưng điểm đến 4 mùa, gắn với du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái rừng và sinh thái biển.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Hà Văn Siêu đánh giá, việc sáp nhập ba tỉnh không chỉ phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của đất nước, còn mở ra tiềm năng to lớn để phát triển du lịch bền vững. Bốn thế mạnh của du lịch Ninh Bình mới gồm: Sản phẩm du lịch đa dạng, hạ tầng giao thông kết nối tốt, nguồn nhân lực và sự đồng thuận cao của chính quyền, nhân dân.

“Cú hích” cho du lịch 

Chú thích ảnh

Bãi biển đảo bé Lý Sơn. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Việc hợp nhất các tỉnh, thành phố đang tạo nên những cấu trúc hành chính - kinh tế - văn hóa mới, mở ra không gian phát triển rộng hơn cho ngành du lịch địa phương. Khi các tài nguyên được kết nối, con người được hòa nhập và thương hiệu được xác lập thống nhất, du lịch có điều kiện bứt phá cả về quy mô lẫn chất lượng. Tuy nhiên, cơ hội chỉ thực sự chuyển hóa thành động lực khi các địa phương hành động đồng bộ, có chiến lược rõ ràng, lấy yếu tố con người làm trung tâm, tài nguyên bản địa làm nền tảng và sự liên kết vùng làm động lực tăng trưởng. Theo nhận định của Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Hà Văn Siêu, sáp nhập là cơ hội để các địa phương tái cấu trúc, khai thác hiệu quả tài nguyên và tạo “cú hích” cho du lịch. Điều quan trọng là mỗi địa phương phải rà soát lại lợi thế, xây dựng sản phẩm liên tuyến phù hợp và phát huy được thế mạnh của từng tiểu vùng.

Theo ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Công ty du lịch Bàn chân Việt (VietFoot Travel), việc sáp nhập mở ra cơ hội thiết kế tour liên vùng đa dạng. Để tận dụng lợi thế, các địa phương cần nhanh chóng ổn định bộ máy, xây dựng chính sách riêng cho du lịch trong bối cảnh mới, tổ chức khảo sát tiềm năng, thiết kế tour, tuyến phù hợp và truyền thông bài bản trên nền tảng số.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội lưu ý, các công ty lữ hành cần nhanh chóng điều chỉnh tour tuyến, đặc biệt với du khách quốc tế vốn không am hiểu tường tận các tỉnh, thành phố Việt Nam; đồng thời đề xuất, các tỉnh, thành phố mới cần đánh giá toàn diện tài nguyên du lịch sau sáp nhập để xây dựng cụm tuyến mới mang tính liên kết nội vùng.

Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí cho rằng việc sáp nhập không làm thay đổi bản chất điểm đến vì “địa danh vẫn tồn tại trên bản đồ”. Điều cốt lõi là các địa phương phải làm tốt công tác định danh, thương hiệu mới và chuẩn hóa bản đồ du lịch, thông tin tour tuyến để du khách dễ tra cứu và hình dung hành trình.

Không chỉ là ngành kinh tế tổng hợp, du lịch còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, thúc đẩy hòa nhập cộng đồng và lan tỏa giá trị địa phương. Trong hành trình hội nhập, phát triển, các tỉnh, thành phố mới cần xác định rõ định vị thương hiệu, phát huy lợi thế khác biệt, đồng thời không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Để du lịch trở thành nhịp cầu kết nối văn hóa - kinh tế - xã hội, ngành du lịch các địa phương cần xây dựng chiến lược rõ ràng, hành động thống nhất, cùng khát vọng nâng tầm thương hiệu địa phương trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.

Theo TTXVN

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/cong-huong-tai-nguyen-nang-tam-du-lich-dia-phuong-a423638.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm