Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đã trở thành động lực thúc đẩy mọi ngành kinh tế. Và công nghiệp văn hóa cũng không ngoại lệ. Trong đó, ngành truyền hình với vai trò truyền tải thông tin và giải trí, đã có những bước đột phá nhờ ứng dụng các công nghệ số, tạo tiền đề cho việc phát triển các sản phẩm văn hóa đa dạng, sáng tạo và có giá trị cao.
Tại Diễn đàn Mekong về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số lần thứ I với chủ đề: “Truyền hình và công nghiệp văn hóa” do Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 9/4, từ góc nhìn của các chuyên gia cho thấy, việc kết hợp chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình không chỉ nâng cao chất lượng sản xuất và phân phối nội dung mà còn mở ra cơ hội phát triển mới.
Nhờ ứng dụng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), khai thác dữ liệu lớn (big data)… các đơn vị truyền hình đã có khả năng tạo ra những nội dung độc đáo và phong phú. Công nghệ số giúp sản xuất các chương trình truyền hình mang đậm chất văn hóa dân tộc, đồng thời tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ việc dựng phim, biên tập đến phân phối nội dung trên đa nền tảng. Chuyển đổi số cũng cho phép các đài truyền hình chuyển từ phát sóng truyền thống sang mô hình đa nền tảng, qua đó tiếp cận khách hàng qua YouTube, Facebook, TikTok, Zalo và các ứng dụng OTT.
Ngành truyền hình số phát triển còn là phương tiện để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Sự kết hợp giữa công nghệ số và sản xuất nội dung truyền hình để tạo ra các sản phẩm văn hóa độc đáo, giúp nâng cao hình ảnh và giá trị kinh tế của ngành văn hóa Việt Nam. Khi các sản phẩm truyền hình và nội dung văn hóa được phân phối qua các nền tảng số, có thể tiếp cận khán giả quốc tế nhanh chóng.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình đã trở thành xu hướng tất yếu, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển theo hướng sáng tạo, đa dạng và có tiềm năng kinh tế cao. Mặc dù hiện nay, xu hướng chuyển đổi số tạo ra những thách thức phải tiếp cận với người xem, người nghe theo phương thức phù hợp trên nền tảng công nghệ số.
Nhưng với những bước đi sáng tạo, sự đầu tư đúng đắn và chiến lược hợp tác liên ngành, các đơn vị truyền hình sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ là chìa khóa giúp ngành truyền hình vượt qua khó khăn, đồng thời phát huy tối đa giá trị văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
TRẦN PHƯỚC
Nguồn: https://baovinhlong.vn/tin-moi/202504/cong-nghiep-van-hoa-va-goc-nhin-tu-chuyen-doi-so-truyen-hinh-28b0859/
Bình luận (0)