Hướng dẫn sử dụng máy lọc nước sạch cho đồng bào Khmer xã Hàm Giang, huyện Trà Cú.
Trà Vinh, có dân số trên 01 triệu người, 104 xã, phường, thị trấn; có 59/104 xã, phường, thị trấn có trên 20% đồng bào Khmer sinh sống; dân tộc Khmer chiếm 31,53%, đa số sống ở nông thôn, cần cù lao động sản xuất, chủ yếu là nông nghiệp, nuôi thủy sản và một số ít sinh sống bằng nghề đan đát, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại.
Những năm qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, các cấp, các ngành, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, làm chuyển biến toàn diện vùng đồng bào Khmer. Thực hiện Nghị quyết năm 2024, GRDP bình quân đầu người đạt 94,368 triệu đồng/người; hộ nghèo còn 0,87%, trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer còn 1,45%/tổng số hộ Khmer; đây là kết quả từ sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự điều hành hiệu quả của UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, sự đồng thuận của Nhân dân, trong đó có nhiều đóng góp tích cực của đồng bào Khmer.
Phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer, giai đoạn 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện trong vùng đồng bào Khmer như: Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 17/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tạo nguồn quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh,...
Trong các chính sách chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer, có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Đến cuối năm 2024, đưa 100% xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; có 99,7% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 99,8% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Niềm vui lớn dịp tết Cổ truyền Chôl Chnam Thmây của đồng bào Khmer năm nay là kết quả từ phong trào XDNTM. Đến cuối năm 2024, có 07/07 huyện đạt chuẩn NTM, 02 Cầu Kè và Tiểu Cần đạt chuẩn NTM nâng cao; có 85/85 xã đạt chuẩn NTM. Về xã NTM nâng cao, cuối năm 2023 toàn tỉnh có 51/85 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2024, có thêm 07 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, hiện nay các huyện đang đề nghị tỉnh thẩm tra công nhận; hiện tỉnh có 09 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; năm 2024, có thêm 06 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, hiện các xã đang đề nghị tỉnh thẩm tra công nhận. Đặc biệt, hiện có 640/640 ấp NTM; ấp NTM kiểu mẫu, có 104/640 ấp NTM kiểu mẫu, toàn tỉnh, có 223.893/235.031 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa - NTM, đạt 95,26%. Thành tựu về XDNTM là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó, có sự hợp tác và đồng thuận từ đồng bào Khmer trong tỉnh…
Đây là động lực quan trọng, giúp Trà Vinh phấn đấu trở thành tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, thuộc nhóm đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quyết định góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân nói chung, đồng bào Khmer nói riêng; thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thực hiện Quyết định số 2270/QĐ-UBND, ngày 17/12/2024 của UBND tỉnh, đến ngày 05/4/2025, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng 478/478 căn nhà ở cho hộ khó khăn về nhà ở (xây mới 305 căn, sửa chữa 173 căn); thực hiện Quyết định số 410/QĐ-UBND, ngày 28/02/2025 và Quyết định số 458/QĐ-UBND, ngày 28/02/2025, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng 404/470 căn (xây mới 121 căn, sửa chữa 283 căn).
Tổng số đã khởi công xây dựng là 882/948 căn (hộ Khmer chiếm gần 80%). Trong đó, 454 căn đã hoàn thành, chiếm 47,9%/tổng số căn thực hiện; 428 căn đang xây dựng, chiếm 45,1%; còn 66 căn chưa xây dựng xong, chiếm 07%. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước ngày 30/4/2025.
Những năm qua, dù khó khăn, nhưng Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh luôn quan tâm đến nhà ở cho hộ nghèo nói chung, đồng bào Khmer nói riêng. Với phương châm “An cư mới lạc nghiệp”, giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh đã triển khai hỗ trợ xây mới, cải thiện nhà ở cho 6.142 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, khó khăn, có nhà ở chưa đảm bảo đủ 3 cứng, kinh phí trên 492 tỷ đồng.
Triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh hỗ trợ xây mới 4.186 hộ, kinh phí trên 142,7 tỷ đồng. Trong đó, 1.975 hộ khó khăn về nhà ở được hỗ trợ từ nguồn Quỹ An sinh xã hội tỉnh; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 948 hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Niềm vui về lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng gấp bội: mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đồng bào Khmer được quan tâm; toàn tỉnh hiện có 134 chùa Nam tông Khmer tổ chức dạy học chữ Khmer trong dịp hè, với 1.029 lớp, có 22.799 học sinh; tỉnh đầu tư xây dựng 08 trường phổ thông dân tộc nội trú, 01 Trường Trung cấp Pali - Khmer; Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn thuộc Trường Đại học Trà Vinh.
Phát huy những kết quả đạt được, Tỉnh ủy sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền về công tác dân tộc; phát huy vai trò người có uy tín, chức sắc, chức việc gắn với các phong trào hành động cách mạng tại địa phương, khu dân cư, đồng thời phát động các phong trào thi đua yêu nước, ra sức xây dựng quê hương.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Nguồn: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/chol-chnam-thmay-nam-2025-dong-bao-khmer-don-nhieu-niem-vui-44965.html
Bình luận (0)