Cuộc hội ngộ đầy xúc động của 120 cựu nữ tù cách mạng tiêu biểu này không chỉ là dịp tái ngộ sau bao năm cách biệt, mà còn là hành trình trở về miền ký ức - nơi khắc ghi những tháng ngày kiên trung, bất khuất giữa chốn lao tù tàn khốc của đế quốc.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Hồng Thái, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Đinh Thị Thu Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lê Đào An Xuân; đại tá Nguyễn Thanh Nam, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh (từ trái qua) tặng hoa, quà cho các cựu nữ tù cách mạng tiêu biểu. Ảnh: NGỌC DUNG |
Không gục ngã trước quân thù
Trong buổi gặp mặt sau nửa thế kỷ non sông liền một dải, các cựu nữ tù cách mạng kể lại những tháng ngày bị giam giữ, tra tấn trong lao tù đế quốc, cả hội trường lặng đi. Trong số đó, câu chuyện của bà Phạm Thị Mỹ Thạnh (khu phố Chí Đức, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) khiến nhiều người xúc động, nhói buốt.
Mồ côi mẹ từ nhỏ, cha bị giặc bắt, em gái mất sớm, bà Thạnh lớn lên giữa những tháng ngày thiếu thốn, nhọc nhằn. Năm 17 tuổi, bà tham gia cách mạng, rồi trở thành nữ quân y băng rừng chăm sóc thương binh, vận chuyển thuốc men trên những tuyến đường lửa đạn.
Bị địch bắt vào năm 1972, khi ấy thân hình bà Thạnh gầy gò chưa đến 36kg. Bà bị địch tra khảo dã man, sau đó đưa ra nhà tù Côn Đảo và giam cầm ở nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” này gần 2 năm trời.
Trong phòng giam chỉ rộng hơn 1m², bốn người phải thay nhau ngồi, không thể duỗi chân, hít thở trong bóng tối đặc quánh mùi ẩm mốc, đói khát và mồ hôi lẫn máu. Có lúc bà bị cùm chân trong phòng tối suốt nhiều ngày liền. Có lần, giữa đêm bà bị bọn cai ngục lôi ra đánh bất tỉnh rồi xối nước lạnh cho tỉnh lại để tiếp tục tra hỏi…
Bà Thạnh giờ đây đã bước qua tuổi 72 nhưng vẫn toát lên vẻ rắn rỏi, mạnh mẽ. Ngồi giữa những đồng đội năm xưa, bà chậm rãi hồi tưởng, giọng bình thản nhưng sâu lắng, như thể nỗi đau năm tháng cùng tinh thần yêu nước kiên trung đã hòa quyện, âm thầm tiếp sức cho ý chí kiên cường trong cuộc đời bà. Bà kể: “Lúc đó, tôi luôn tự nhủ dù có chết cũng phải chết trong tư thế ngẩng cao đầu. Không được phép gục ngã trước quân thù, phải giữ trọn khí tiết người chiến sĩ cách mạng”.
Niềm tin bất diệt
Ba cựu nữ tù cách mạng Nguyễn Thị Sáu, Nguyễn Thị Kim Tường, Phạm Thị Mỹ Thạnh (từ trái qua) chia sẻ về những tháng năm đấu tranh trong lao tù đế quốc tại buổi hội ngộ. Ảnh: NGỌC DUNG |
Nữ cựu tù cách mạng Nguyễn Thị Kim Tường (phường 5, TP Tuy Hòa) cũng đã viết nên đời mình bằng sự quả cảm, kiên cường. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, bà Tường đã sớm thấm nhuần tinh thần yêu nước. Từng giữ vai trò Hội trưởng Hội Phụ nữ kiêm Phó ban Binh vận xã An Chấn, giữa lúc chiến tranh khốc liệt, bà không chỉ lãnh đạo phong trào, mà còn trực tiếp xông pha nơi tuyến đầu, vận động phụ nữ địa phương nuôi quân, tiếp tế lương thực, che giấu cán bộ, giữ mạch liên lạc... Đặc biệt, với vai trò phó ban binh vận, bà đảm nhiệm công việc thuyết phục binh lính địch rời bỏ hàng ngũ trở về với Nhân dân - một mặt trận thầm lặng nhưng đầy hiểm nguy.
Bị địch bắt năm 1964 khi mới 17 tuổi, bà Tường bị giam 6 năm ở nhà tù Phú Tài (Bình Định), rồi chuyển vào Cần Thơ. Khi ấy, ba nguyên tắc sống còn “không nghe, không biết, không thấy” trở thành lá chắn tinh thần vững vàng, giúp bà và các nữ chiến sĩ cách mạng giữ vững khí tiết, vượt qua mọi đòn tra tấn, dụ dỗ và thẩm vấn tàn bạo của kẻ thù. Có lần, bà cùng các nữ tù khác tổ chức tuyệt thực suốt một tuần để phản đối sự đàn áp dã man trong trại giam. Suốt bảy ngày không cơm, không nước, họ buộc phải uống nước tiểu hoặc phải dùng cả nước dội từ hố xí để níu giữ sự sống, tiếp tục chiến đấu.
Bà Tường nhớ lại: Trong những bức tường lạnh lẽo của nhà tù Phú Tài, dù bị biệt giam, bị kiểm soát nghiêm ngặt, nhưng bà cùng đồng đội vẫn âm thầm tìm cách nắm bắt tin chiến sự từ bên ngoài. Khi hay tin Bác Hồ qua đời, giữa chốn lao tù, nỗi đau mất Bác như một nhát cắt sâu vào tim họ.
Nhưng chính nỗi đau ấy thắp lên trong họ ngọn lửa của niềm tin phải sống, phải tiếp tục bước đi để xứng đáng với Người. “Giữa ranh giới của sự sống và cái chết, điều giữ cho tôi và đồng đội không gục ngã chính là niềm tin bất diệt: Cách mạng nhất định sẽ thành công, Tổ quốc rồi sẽ độc lập, Nhân dân sẽ sống trong hòa bình!”, bà Tường nghẹn ngào.
Nhịp cầu nghĩa tình
Không phô trương, ồn ào, bà Nguyễn Thị Sáu (phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa) - người nữ cựu tù cách mạng năm xưa vẫn âm thầm sống và cống hiến như một lẽ tự nhiên của những người từng đặt Tổ quốc lên trên cả sinh mệnh của mình.
Ngày ấy, bà mới cưới chồng được 1 tháng thì bị địch bắt rồi đày ra Côn Đảo. Chồng bà - một cán bộ hoạt động bí mật cũng bị địch giam cầm ở nhà tù này. Hai lần rơi vào tay giặc, bà Sáu đã nếm trải những đòn tra tấn tàn bạo nhất. Nhưng giữa ranh giới sống chết, bà vẫn giữ trọn khí tiết người chiến sĩ cộng sản, vững vàng vượt qua bằng ý chí và niềm tin không lay chuyển vào con đường cách mạng.
Câu chuyện của bà Thạnh, bà Sáu, bà Tường chỉ là vài lát cắt nhỏ trong muôn vàn mảnh đời thầm lặng mà kiên cường của những người phụ nữ từng bước qua khói lửa chiến tranh. Ở xứ hoa vàng cỏ xanh hôm nay, nhiều nữ cựu tù cách mạng từng vào sinh ra tử, từng chịu tra tấn trong lao tù vẫn lặng lẽ sống giữa đời thường, âm thầm lan tỏa tinh thần bất khuất và nghĩa tình sâu nặng của một thời hoa lửa. Họ là những mảnh ghép thiêng liêng của lịch sử trong bản hùng ca bất tận của dân tộc. Họ đã viết nên những trang sử vàng bằng chính máu, nước mắt và lòng trung kiên suốt cả một đời người.
Sau ngày giải phóng, đất nước thống nhất, bà trở về với gia đình cùng bắt tay vào hành trình dựng xây quê hương. Bà tham gia công tác hội phụ nữ, rồi lần lượt đảm nhiệm các vai trò Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Công an xã Hòa Hiệp Nam. Trong từng bước đi của quê hương thời hậu chiến, luôn có bóng dáng người nữ cựu tù ấy cùng chính quyền cơ sở giữ gìn ANTT, vận động người dân phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.
Cuộc chiến đã qua đi tròn nửa thế kỷ, nhưng có những điều vẫn vẹn nguyên như tình đồng đội thiêng liêng. Về hưu, bà Sáu không chọn cuộc sống an nhàn. Bà tiếp tục cống hiến trong Ban liên lạc Hội Tù chính trị yêu nước địa phương, cần mẫn đi vận động gây dựng Quỹ Nghĩa tình đồng đội. Từ những tấm lòng sẻ chia ấy, bao đồng đội khó khăn kịp thời được tiếp sức, giúp đỡ, chia sẻ lúc ốm đau, hoạn nạn…
Các mẹ, các cô đã gác lại tuổi xuân, bước vào cuộc chiến sinh tử với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Chặng đường đấu tranh ấy vừa gian khổ, vừa vinh quang, là minh chứng sống động cho chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chúng ta nhìn về quá khứ để sống có trách nhiệm hơn với gia đình, xã hội để góp phần đền đáp công lao to lớn của các mẹ, các cô và chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển hùng cường.
Đồng chí Đinh Thị Thu Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy
Trong buổi gặp mặt đầy ý nghĩa, bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh xúc động chia sẻ: “Phú Yên có hơn 1.500 nữ cựu tù cách mạng, từng bị địch giam giữ trong những nhà tù khét tiếng như Côn Đảo, Phú Tài, Chí Hòa… Các mẹ, các cô khi ra đi tuổi còn thanh xuân, trở về mang theo những thương tích và mất mát không gì bù đắp được.
Nhưng vượt lên tất cả, các mẹ, các cô vẫn một lòng sắt son với Đảng, với Tổ quốc, giữ trọn khí tiết người chiến sĩ cách mạng. Hội LHPN tỉnh luôn ghi lòng tạc dạ ân tình ấy bằng những hoạt động thiết thực như xây nhà Tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm lo đời sống các gia đình chính sách…
Nguồn: https://baophuyen.vn/xa-hoi/202504/cuoc-hoi-ngo-cua-nhung-bong-hong-thep-3c51006/
Bình luận (0)