Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cựu Bí thư Tỉnh ủy bị cảnh cáo có đủ uy tín làm giảng viên ĐH: Lãnh đạo Trường Quản trị và Kinh doanh nói gì?

TP - Lãnh đạo Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định ông Nguyễn Xuân Ký chưa đứng lớp giảng dạy, nhà trường sẽ sắp xếp công việc phù hợp với chuyên môn, kinh nghiệm của ông.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong23/04/2025

Nhận người vi phạm làm thầy là nhân văn?

Ngày 22/4, trao đổi với PV báo Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường HSB khẳng định, trước khi nhận kỉ luật cảnh cáo về mặt Đảng (cuối năm 2024), ông Nguyễn Xuân Ký học thạc sĩ ngành An ninh phi truyền thống và tiến sĩ ngành Quản trị phát triển bền vững tại trường. Nhà trường đã có quá trình đánh giá năng lực chuyên môn của ông Ký thông qua các hội đồng khoa học thẩm định luận văn, luận án. Ông Ký là cựu sinh viên, về hưu, tham gia công tác với nhà trường hoàn toàn bình thường.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy bị cảnh cáo có đủ uy tín làm giảng viên ĐH: Lãnh đạo Trường Quản trị và Kinh doanh nói gì? ảnh 1

Ông Nguyễn Xuân Ký (ngoài cùng bên trái) khi còn đương chức tại Quảng Ninh. Ảnh: HOÀNG DƯƠNG

Trước câu hỏi của phóng viên, bị kỉ luật hình thức cảnh cáo về mặt Đảng, vi phạm trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả nghiêm trọng với ông Nguyễn Xuân Ký, nhà trường quan niệm thế nào về “danh xưng” người thầy, ông Nguyễn Ngọc Thắng trả lời: “Có thể nhìn nhận trường đại học giống như gia đình, có những đứa con chẳng may bị nạn, trở về, có nên bị hắt hủi? Hơn nữa, trường đại học nên có góc nhìn nhân văn. Tôi nói như vậy để chúng ta có góc nhìn đa chiều hơn, nhân văn hơn. Trong khi đó, bản chất, ông Ký không vi phạm pháp luật”.

Khi PV Tiền Phong hỏi một lãnh đạo HSB thông tin về vị cựu bí thư tỉnh ủy, vị này nói: “Anh ấy tinh thần rất tốt và muốn lao động đóng góp cho sinh viên thực hành về quản trị môi trường”.

Ông Thắng đánh giá ông Ký là người thuyết trình giỏi, có kinh nghiệm quản trị thực tiễn. Trường HSB có mục tiêu đào tạo nhân lực quản trị điều hành. Ông Ký vừa có bằng tiến sĩ về quản trị, vừa có kinh nghiệm quản lí thực tiễn nên phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của nhà trường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông Ký chưa dạy ở trường với vai trò giảng viên. Để được đứng trên giảng đường phải qua nhiều thử thách và các điều kiện khắt khe, có quy trình lựa chọn. Ông Thắng thừa nhận thực tế tuyển giảng viên có trình độ tiến sĩ không dễ. Những người có kinh nghiệm thực tiễn lại càng khó.

Vì vậy, chắc chắn thời gian này, ông Ký không đứng lớp. Ông Thắng khẳng định nhà trường cần những người vừa có chuyên môn, vừa có kinh nghiệm thực tế để có thể chia sẻ với sinh viên qua các buổi hội thảo, thảo luận, xây dựng chương trình hoặc kết nối với doanh nghiệp.

Nhưng có nên tuyển người thầy liệu có “vết” như ông Nguyễn Xuân Ký? Trước băn khoăn của phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Thắng không trả lời thẳng mà nói, ngọc còn có vết, không thể có người hoàn hảo. Đứng trong môi trường giáo dục, theo ông Thắng cần có cái nhìn nhân văn, nhưng không bao che. Muốn được tuyển dụng vào Trường HSB, phải đủ chuẩn nhưng cũng nên trao cho những người gặp sự cố cơ hội sửa chữa, đóng góp cho cộng đồng.

“Góc nhìn của chúng ta có vẻ hơi thiên kiến, một chiều. Trong khi đó, quan trọng, họ nhận thức và tìm cơ hội, tìm nơi để sửa chữa sai lầm đó”, ông Thắng nói. Trong trường đại học nói riêng và các cơ sở giáo dục nói chung, vẫn có thầy cô vi phạm các quy định Đảng nhưng không có nghĩa không được đứng lớp giảng dạy. Tức là có những rủi ro nhất định. Quan điểm của Trường HSB không tô hồng hay bôi đen. Các trường thường mang đến cho sinh viên những kinh nghiệm tốt, nhưng thực tế kinh nghiệm đau thương cũng là bài học tốt. Không chỉ dạy những câu chuyện thành công, mà còn dạy cả những thất bại để sinh viên nhìn cuộc sống toàn diện hơn.

Không nên để đứng trên bục rao giảng

TS Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho hay, Trường học tiếp nhận một người như ông Ký, sẽ hạ thấp danh xưng “Thầy giáo”. Đây là cụm từ chỉ tấm gương sáng cho lớp trẻ và được cả xã hội nể trọng. “Chúng ta không khắt khe, cố chấp nhưng nghề giáo chọn người, kén người. Có những người không bao giờ có thể làm được nghề dạy chữ, dạy người, được làm gương và coi là thầy trong thiên hạ.

Theo ông, Nghị quyết 29/TW có ghi: “tuyển những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm”. Ông Nguyễn Xuân Ký có thể là người có tài năng, trình độ đào tạo cao, nên để ông ấy làm nghề nghiên cứu, không nên để đứng trên bục rao giảng cho lớp trẻ. Phụ huynh, sinh viên sẽ nghĩ gì khi thầy giáo mắc lỗi đạo đức, không đủ chuẩn làm gương để dạy học trò.

Đồng ý với quan điểm này, một số nhà giáo đã, đang công tác tại trường ĐH chia sẻ, ông Nguyễn Xuân Ký không nên làm thầy, bởi nếu đã không phải là gương sáng để sinh viên noi theo thì nhiều khi sẽ tạo hiệu ứng ngược nếu sinh viên xì xào, bàn tán. Sinh viên không phục người thầy đương giảng cho mình lại từng vướng khuyết điểm, bị kỷ luật.

Nguồn: https://tienphong.vn/cuu-bi-thu-tinh-uy-bi-canh-cao-co-du-uy-tin-lam-giang-vien-dh-lanh-dao-truong-quan-tri-va-kinh-doanh-noi-gi-post1736094.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào
Cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay giữa trời Nam rực nắng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm