Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đà Nẵng: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đưa Thành phố phát triển

(Chinhphu.vn) - Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không còn là lựa chọn, mà là nhiệm vụ cấp thiết, là động lực nền tảng để đưa TP. Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ20/05/2025

Đà Nẵng: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đưa Thành phố phát triển- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/Minh Trang

Chiều 20/5, TP. Đà Nẵng tổ chức tọa đàm khoa học "Các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong kỷ nguyên mới".

Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong chiến lược phát triển bền vững của Thành phố.

"Đà Nẵng đã đạt nhiều thành tựu trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng vẫn đối mặt với thách thức về cân đối ngành nghề, liên kết đào tạo và chính sách thu hút nhân tài. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không còn là lựa chọn, mà là nhiệm vụ cấp thiết, là động lực nền tảng để đưa Thành phố phát triển nhanh, bền vững, mang bản sắc riêng, thích ứng với xu thế toàn cầu hóa và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số", ông Lê Trung Chinh nhìn nhận.

Gợi ý chiến lược cho Đà Nẵng, GS. Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản) nhận định, Việt Nam đang tiến gần ngưỡng thu nhập trung bình cao nhưng vẫn đối mặt với thách thức năng suất lao động thấp do công nghiệp hóa thiên về gia công, khu vực tư nhân yếu. Trong bối cảnh này, việc chuyển đổi mô hình phát triển, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp và đào tạo nhân lực chất lượng cao là những yếu tố then chốt để tăng trưởng bền vững.

"Tương tự trường hợp TP. Hợp Phì (Trung Quốc), một địa phương vươn lên mạnh mẽ nhờ hạ tầng hiện đại, lãnh đạo quyết liệt và mô hình hợp tác công – tư hiệu quả, Đà Nẵng cần xây dựng hệ thống hạ tầng cứng và mềm vượt trội, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, môi trường sống và văn hóa hấp dẫn để thu hút các tập đoàn toàn cầu", GS. Trần Văn Thọ đề xuất.

Ông khuyến nhị lãnh đạo TP. Đà Nẵng cần chủ động tiếp cận, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp tiềm năng để cải thiện môi trường đầu tư, thậm chí cân nhắc mô hình góp vốn nhà nước – doanh nghiệp trong những trường hợp cụ thể để tạo động lực phát triển bứt phá.

Đà Nẵng: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đưa Thành phố phát triển- Ảnh 2.

Đà Nẵng có quy mô sinh viên lớn, thuộc top đầu cả nước - Ảnh: VGP/Minh Trang

Theo TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, TP. Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong phát triển khoa học và công nghệ (KHCN), đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung. Tuy nhiên, đứng trước thời cơ mới do Nghị quyết 57 mở ra, ông cho rằng Đà Nẵng cần chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, tận dụng các nền tảng công nghệ số để bứt phá.

Một trong những điểm nghẽn lớn hiện nay, theo ông Nguyễn Quân, chính là sự trì trệ trong hệ thống quản lý KHCN, thiếu cơ chế tài chính đặc thù và chưa đồng bộ về pháp luật liên quan đến đầu tư cho nghiên cứu - phát triển (R&D). Do đó, để giải ngân hiệu quả nguồn vốn bổ sung năm 2025, Thành phố cần sớm xác định và đầu tư phát triển các sản phẩm công nghệ chủ lực phù hợp với chiến lược quốc gia, như vi mạch bán dẫn, robot công nghiệp, nền tảng AI, trung tâm dữ liệu, 5G, 6G...

TS. Nguyễn Quân cho rằng Đà Nẵng có thể đi tiên phong trong việc thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có vốn Nhà nước, kết hợp kêu gọi vốn xã hội, nhằm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Mô hình này nếu thành công sẽ là tiền đề quan trọng để kiến nghị sửa đổi luật ngân sách và luật thuế, hoàn thiện hành lang pháp lý cho quỹ đầu tư mạo hiểm – một đòn bẩy then chốt cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Còn theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Thành phố cần đánh giá đúng mức lợi thế của một "Thành phố đại học". Đà Nẵng nằm trong số ít các địa phương có nhiều trường đại học (khoảng 20 trường ĐH, cơ sở đào tạo ĐH), có lực lượng sinh viên đông đảo (khoảng trên 100.000 sinh viên. Nếu tính theo quy mô sinh viên thì Đà Nẵng có tỷ lệ gần 800 SV/1 vạn dân, thuộc top đầu cả nước, gần bằng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Từ đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho rằng Thành phố cần xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao một cách hệ thống đối với những ngành, lĩnh vực mà thành phố đang cần đầu tư. Thành phố cũng cần ưu tiên đầu tư xây dựng một số phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu dùng chung ở các lĩnh vực mà thành phố đang có nhu cầu (như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tài chính, công nghệ số...) để Đà Nẵng trở thành một "Hub" như Singapore thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn thành phố, trong nước và quốc tế.

Minh Trang


Nguồn: https://baochinhphu.vn/da-nang-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-de-dua-thanh-pho-phat-trien-102250520175459711.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm