Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dải đất hình chữ S tuyệt đẹp qua ca dao, tục ngữ

(PLVN) - Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về quê hương ghi lại những bức tranh tuyệt đẹp và sống động về phong cảnh, đặc sản, thói quen, con người của từng vùng miền trên đất nước Việt Nam. Nó giúp ta hiểu hơn về địa danh, con người, lối sống từng địa phương và thêm yêu quê hương - mảnh đất thân thương, là mái nhà ấm áp, là nơi tìm về bình yên nhất của mỗi con người.

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam13/04/2025

Khám phá các vùng đất địa linh nhân kiệt

Tục ngữ, ca dao, dân ca - một loại hình văn hóa độc đáo của người dân Việt Nam, là những sáng tác dân gian được truyền miệng, phổ biến rộng rãi từ đời này qua đời khác, từ vùng này qua vùng khác, được chỉnh sửa cho phù hợp với từng địa phương. Trong quá trình lao động lý trí của con người, cảm quan thẩm mỹ được tôi luyện, thể hiện những quan sát những kinh nghiệm về sản xuất, về thời tiết, về trồng trọt, chăn nuôi... Nó thể hiện mọi mặt của cuộc sống đặc biệt cuộc đấu tranh với thiên nhiên, đấu tranh với xã hội và xây dựng đất nước, tự hào những vùng đất địa linh nhân kiệt của người dân.

Ca dao, dân ca là một thể loại độc đáo, ẩn giấu bên trong là những giá trị nhân văn sâu sắc, bài học đạo đức sâu cay. Nó góp một phần không nhỏ vào việc khuyên bảo, răn dạy con người về cách đối nhân xử thế, sống yêu thương, chan hòa với thiên nhiên, với mọi người.

Ca dao, tục ngữ vẽ nên bức tranh thiên nhiên làng quê thanh bình, thơ mộng với những hình ảnh quen thuộc như: tre, trúc, bến nước, đồng xanh, mái đình, lũy tre... Đồng thời phản ánh những phong tục tập quán tốt đẹp của người dân như: hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, đoàn kết, yêu thương làng xóm, giữ gìn bản sắc văn hóa...

Phú Thọ là một tỉnh thuộc vùng Đông bắc Việt Nam, được coi là vùng Đất tổ cội nguồn của Việt Nam. Tương truyền, tại nơi đây các Vua Hùng đã dựng nên nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của Việt Nam, với kinh đô là Phong Châu, tức xung quanh thành phố Việt Trì ngày nay. Đền Hùng Vương: Khu di tích lịch sử Đền Hùng - quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua. Đền được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, giữa đất Phong Châu, ngày nay thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Bài ca dao ngợi ca vẻ đẹp của Đền Hùng, đồng thời nhắc nhở con người khắc ghi công lao của các vị Vua Hùng đã dựng nước và giữ nước. “Ai lên Phú Thọ thì lên/Lên non cổ tích, lên đền Hùng Vương/Đền này thờ tổ Nam Phương/Quy mô trước đã sửa sang rõ ràng/Ai ơi nhận lại cho tường/Lối lên đền Thượng sẵn đường xi măng/Lên cao chẳng khác đất bằng/Đua nhau lũ lượt lên lăng Vua Hùng”.

“Về thăm đô cũ Đinh Lê/Non xanh nước biếc bốn bề như tranh”. (Ảnh: Bảo An)

“Về thăm đô cũ Đinh Lê/Non xanh nước biếc bốn bề như tranh”. (Ảnh: Bảo An)

Cổ Loa - Kinh đô của nhà nước phong kiến Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và của nhà nước dưới thời Ngô Quyền thế kỷ 10 sau Công nguyên, nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Thành Cổ Loa được xây theo hình trôn ốc, tương truyền có chín vòng, nhưng căn cứ theo dấu tích thì có ba vòng. “Cổ Loa là đất đế kinh/Trông ra lại thấy tòa thành tiên xây”. Câu ca dao khẳng định vẻ đẹp cổ kính và linh thiêng của Cổ Loa, qua đó bộc lộ niềm tự hào tình yêu quê hương, xứ sở con người.

“Ai sang Hà Nội/Nhắn nhủ hàng hương/Giữ lấy đạo thường/Chớ đánh lửa mà đau lòng khói/Có điều chi xin người cứ nói/Có điều gì đã có chúng tôi đây”. Bài ca dao như một lời nhắn nhủ tha thiết được gửi gắm đến những ai có dịp đặt chân đến Thủ đô Thăng Long - Hà Nội. Ngợi ca nét đẹp truyền thống của hàng hương Hà Nội. Qua đó khuyên nhủ con người cần lưu giữ và phát huy nghề làm hương truyền thống. “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” - Bài ca dao khẳng định phẩm chất thanh lịch, tao nhã trong cách ứng xử của người dân kinh đô Tràng An. Đây cũng là một nét đẹp truyền thống của người Tràng An xưa. Đồng thời, bài ca dao muốn nhắn nhủ con cháu đời sau cần gìn giữ những giá trị, nét đẹp mà ông cha ta đã hun đúc từ bao đời.

“Ai là con cháu Rồng Tiên/Tháng hai mở hội Trường Yên thì về/Về thăm đô cũ Đinh Lê/Non xanh nước biếc bốn bề như tranh”. Bài ca dao nhắc nhở con cháu nhớ về ngày hội Trường Yên để bày tỏ lòng thành kính với Vua Đinh, Vua Lê - những người có công dẹp loạn để thu non sông về một mối. Bên cạnh đó, tác giả dân gian còn ca ngợi mảnh đất Hoa Lư (Ninh Bình) vô cùng thơ mộng, sơn thủy hữu tình như một bức tranh tuyệt đẹp.

Chùa Hương - tên một khu di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương gồm nhiều ngôi chùa nhỏ, nằm rải rác trong các hang động đẹp, lối vào bằng đò trên suối Yến. “Ai đi trẩy hội chùa Hương/Làm ơn gặp khách thập phương hỏi giùm/Mớ rau sắng, quả mơ non/Mơ chua, sắng ngọt, biết còn thương chăng?”. Bài ca dao ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và ẩm thực của chùa Hương với non nước hữu tình, đặc sản rau sắng nổi tiếng xa gần. Qua đó bộc lộ tình yêu và niềm tự hào về vẻ đẹp của quê hương, xứ sở.

Hun đúc niềm tự hào dân tộc

Bài ca dao lý giải về sự ra đời của Kỳ Đồng, đồng thời ngợi ca vẻ đẹp các địa danh của tỉnh Thái Bình: “Bao giờ Nhân Lý có đình/Trạm Chay có chợ Ngọc Đình có vua/Bao giờ Tiền Hải có chùa/Trạm Chay có chợ thì vua ra đời”. Tương truyền đây là câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về sự ra đời của Kỳ Đồng.

Ca dao khẳng định tình cảm của người dân xứ Quảng dành cho quê hương: “Ai đi cách trở sơn khê/Nhớ tô mì Quảng, tình quê mặn nồng”. Qua đó nhắc nhở con người dù đi xa đến đâu chăng nữa cũng đều phải nhớ đến cội nguồn.

"Nước Cửu Long sóng rờn cuồn cuộn/Cửa Hàm Luông, mây cuốn cánh buồm trôi”. (Ảnh: M.T)

"Nước Cửu Long sóng rờn cuồn cuộn/Cửa Hàm Luông, mây cuốn cánh buồm trôi”. (Ảnh: M.T)

Từ thuở tiền nhân khai mở đất phương Nam đến nay có đến trên 300 năm. Theo các tư liệu thì Đồng Nai, Gia Định, Gò Công, Mỹ Tho là những vùng đất được khai phá sớm hơn... Tiếp đến, lưu dân vượt sông Tiền, mở mang khai thác vùng Bến Tre, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cao Lãnh… Nơi nào có dân cư ổn định, nơi đó sẽ hình thành nên những phong tục, tập quán, văn hóa mang đậm dấu ấn, bản sắc của địa phương. Trong các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay, có thể nói Bến Tre là vùng đất có nhiều sông rạch tự nhiên lớn, nhiều với các sông cái, như: Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên và rất nhiều chi lưu chằng chịt như mạng nhện trên khắp “Ba đảo dừa xanh”. Do vậy, ta thấy rất nhiều hình ảnh sông nước trong ca dao của Bến Tre: “Nước Cửu Long sóng rờn cuồn cuộn/Cửa Hàm Luông, mây cuốn cánh buồm trôi/Bậu với qua hai mặt một lời/Trên có trời, dưới có đất/Ngãi trăm năm vương vấn tơ mành”.

Ngoài ra còn có các câu ca dao tuyệt hay về các tỉnh, thành khác: “Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh/Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm/Ai đi Châu Đốc, Nam Vang/Ghé qua Đồng Tháp bạt ngàn bông sen”; “Vĩnh Long có cặp rồng vàng/Nhất Bùi Hữu Nghĩa, Nhì Phan Tuấn Thần/Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai về xứ Bạc thong dong cuộc đời”; “Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về/Ai ơi về miệt Tháp Mười/Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn/Sông Vàm Cỏ nước trong thấy đáy/Dòng Cửu Long xuôi chảy dịu dàng/Ai về Mỹ Thuận, Tiền Giang/Có thương nhớ gã đánh đàn năm xưa?”

Có thể thấy, trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, ông cha ta đã để lại rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, bài thơ hay. Lòng yêu nước là một truyền thống của dân tộc được hình thành từ trong lịch sử nước ta. Thế hệ cha ông luôn có nhiều cách để răn dạy con cháu về truyền thống yêu nước qua những câu ca dao về cảnh đẹp đất nước, niềm tự hào dân tộc. Mỗi câu ca dao, tục ngữ lại mang những ý nghĩa bài học thâm thúy và sâu sắc về tình yêu quê hương, xóm làng.

Qua những bài thơ, bài ca dao, tục ngữ đó thể hiện niềm tự hào của những địa danh của đất nước. Tình yêu quê hương thắm đượm từng ngày, phong cảnh đó, con người đó, giọng nói đó, văn phong đó dần trở thành máu thịt của mỗi người con quê. Ông cha ta muốn nhắn nhủ con cháu đời sau về truyền thống yêu dân tộc, hãy cố gắng để xây dựng và gìn giữ đất nước ngày càng tươi đẹp.

Nguồn: https://baophapluat.vn/dai-dat-hinh-chu-s-tuyet-dep-qua-ca-dao-tuc-ngu-post545157.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Cận cảnh những giờ tập bền bỉ của các chiến sĩ trước đại lễ 30/4
TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4
36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm