>>
>>
Những năm gần đây, các hộ dân đã tích cực chuyển đổi chăn nuôi từ nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi tập trung, giúp cho đàn đại gia súc của địa phương phát triển mạnh. Điển hình như hộ ông Nguyễn Quang Viện ở thôn Loong Tra, xã Minh Xuân với mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hướng vỗ béo để xuất chuồng có quy mô hơn 10 con trở lên. Ông Hoàng Văn Huệ ở thôn Làng Thọc, xã Yên Thắng phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ 10 con trở lên. Hay hộ ông Vũ Đức Phận ở thôn Nà Hiên, xã Trúc Lâu với mô hình chăn nuôi trâu bò hàng hóa, lúc cao điểm tổng đàn có gần 20 con...
Ông Nguyễn Quang Viện ở thôn Loong Tra, xã Minh Xuân chia sẻ: "Trước đây, ngoài chăn nuôi của nhà, tôi hay đi mua trâu, bò về bán nên gia đình thường xuyên duy trì đàn đại gia súc trên chục con. Mấy năm trở lại đây, trâu, bò xuống giá, mua về khó bán. Có sự hỗ trợ phát triển chăn nuôi từ Nghị quyết 69 của Hội đồng nhân dân tỉnh và sẵn có đất vườn rộng, tôi đã vận động vợ con trồng cỏ, xây dựng lại chuồng trại, mở rộng diện tích nuôi nhốt theo hướng bán chăn thả và tận dụng khi trâu, bò giá rẻ mua nhiều chăn nuôi vỗ béo để bán xoay vòng vốn”.
Thực hiện chế độ thức ăn bảo đảm dinh dưỡng, đàn vật nuôi của gia đình béo nhanh. Ngoài cho ăn cỏ xanh, thức ăn tinh bột như cám gạo, ngô, ông còn học kỹ thuật ủ chua men cỏ với củ sắn để làm thức ăn cho đàn vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay, gia đình ông duy trì thường xuyên hơn 10 con.
Cũng như ông Viện, để từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình, cùng với tích cực chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, gia đình ông Vũ Đức Phận ở thôn Nà Hiên, xã Trúc Lâu đã đầu tư trồng cỏ và tu sửa, mở rộng chuồng nuôi nhốt phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.
Ông Phận chia sẻ: "Nhờ sự quan tâm tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi của các cấp, các ngành đã giúp tôi đổi mới tư duy, tự tin, mạnh dạn chuyển đổi hướng chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung. Năm 2023, tôi đã đầu tư trồng hơn mẫu cỏ, làm chuồng trại để nuôi nhốt theo hướng bán chăn thả, giảm công chăm sóc, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh, đói rét để giảm nhiều rủi ro. Vì thế, dù giá trâu, bò mấy năm nay giảm thấp nhưng gia đình tôi vẫn luôn duy trì đàn trâu, bò gần 20 con”.
Cùng với vận động nhân dân mở rộng quy mô chăn nuôi, Lục Yên đã tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động đầu tư con giống; trang bị kiến thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; làm chuồng trại kiên cố để phát triển chăn nuôi theo hướng nuôi nhốt, bán chăn thả, tạo thế mạnh phát triển bền vững.
Từng bước nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, huyện tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn chủ động phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường giúp đỡ, tư vấn cho người chăn nuôi tham gia các mô hình phát triển chăn nuôi bằng cách lai tạo, lựa chọn con giống tốt; chú trọng thực hiện các chính sách của các cấp, các ngành về hỗ trợ phát triển chăn nuôi với người dân bảo đảm kịp thời, đúng người, đúng đối tượng; khuyến khích người dân xây dựng các mô hình chăn nuôi quy mô sản xuất hàng hóa tập trung và nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả kinh tế.
Đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, đàn vật nuôi của Lục Yên phát triển ổn định với tổng đàn gia súc chính hiện có trên 121.850 con; trong đó, đàn trâu 17.730 con, đàn bò 1.820 con, đàn lợn 102.300 con; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại của huyện đạt hơn 3.242 tấn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Châu Á
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/349322/Day-manh-chan-nuoi-theo-huong-hang-hoa.aspx
Bình luận (0)