Ngân hàng Nhà nước vừa gửi báo cáo số 145/BC-NHNN đến Quốc hội, trong đó có đề cập đến thị trường vàng. Báo cáo cho biết, tính đến ngày 23/4/2025, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới đã tăng mạnh lên khoảng 14,48 triệu đồng/lượng, tương đương với 13,62%.
Trước đó, sau khi thực hiện nhiều giải pháp ổn định thị trường, đến cuối năm 2024, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã giảm đáng kể từ mức khoảng 25% xuống còn 5–7%, tương đương khoảng 3–5 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, vào đầu năm 2025, có thời điểm chênh lệch chỉ còn khoảng 1–2%.
Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 4/2025, thị trường vàng trong nước đã ghi nhận sự biến động mạnh mẽ, khi giá vàng thế giới liên tục lập các mức cao mới. Ngân hàng Nhà nước chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là do bất ổn chính trị toàn cầu, như xung đột quân sự Nga–Ukraine, căng thẳng giữa Israel và các lực lượng Hồi giáo ở Trung Đông, cùng với sự leo thang trong cạnh tranh chiến lược toàn cầu.
Ngoài ra, việc các ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư gia tăng mua vàng dự trữ, cũng như chính sách thuế cao của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây áp lực lớn lên nền kinh tế toàn cầu, khiến dòng tiền của nhà đầu tư đổ mạnh vào vàng.
Trong nước, giá vàng miếng SJC biến động theo cùng xu hướng với giá vàng thế giới, nhưng tốc độ tăng nhanh hơn do tâm lý kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng. Đồng thời, nguồn cung vàng miếng không được bổ sung kể từ đầu năm và khả năng có hiện tượng đầu cơ, thổi giá từ một số tổ chức và cá nhân nhằm trục lợi.
Mặc dù thị trường vàng có sự biến động mạnh, Ngân hàng Nhà nước khẳng định rằng điều này chưa ảnh hưởng tiêu cực đến công tác điều hành chính sách tiền tệ và ổn định nền kinh tế vĩ mô.
Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường vàng trong nước và quốc tế, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường quản lý và điều hành thị trường vàng đúng chức năng và thẩm quyền của mình.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận rằng thị trường vàng chưa đạt được sự ổn định bền vững, vẫn còn chịu ảnh hưởng lớn từ tâm lý và kỳ vọng của người dân và nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro đối với thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Vì vậy, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật và hành chính, việc ổn định thị trường vàng lâu dài cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương, dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước xác định một số định hướng trọng tâm trong quản lý thị trường vàng.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để cung cấp thông tin chính sách đầy đủ và kịp thời, nhằm ổn định tâm lý thị trường.
Thứ hai, khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo thủ tục rút gọn.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và các chủ thể tham gia thị trường, nhằm phát hiện kịp thời những sơ hở, bất cập và vi phạm để xử lý nghiêm minh, đồng thời đề xuất các biện pháp quản lý phù hợp, góp phần ổn định thị trường vàng và đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính quốc gia.
Nguồn: https://baodaknong.vn/day-manh-thanh-tra-thi-truong-vang-ngan-chan-dau-co-va-thao-tung-gia-251676.html
Bình luận (0)