Đây là kỳ vọng và cũng là kiến nghị được Đoàn giám giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh tại cuộc làm việc với UBND thành phố Đà Lạt và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Nỗ lực xây dựng, triển khai các giải pháp, mô hình phù hợp
Trước khi làm việc với UBND thành phố, các thành viên Đoàn giám sát đã dành thời gian khảo sát thực tế tại phường 2, một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai các mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả. Điểm dừng chân đầu tiên là khu dân cư trên địa bàn và các thành viên Đoàn đã được giới thiệu chi tiết về mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn của địa phương. Tiếp theo, Đoàn đã đến thăm Trường THCS Nguyễn Du - ngôi trường nổi bật với mô hình kế hoạch nhỏ “thu gom lon bia đổi quà”, thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo học sinh, giúp các em hình thành thói quen tái chế, bảo vệ môi trường từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sự sáng tạo và hiệu quả của các mô hình đã cho thấy nỗ lực tìm kiếm, triển khai các giải pháp thu gom, phân loại chất thải phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng khu vực. Đồng thời, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

Sau khi trực tiếp quan sát các mô hình thực tế, Đoàn giám sát đã lắng nghe báo cáo chi tiết từ đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường thành phố về những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. Theo đó, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại thành phố đã đạt đến mức ấn tượng là trên 99%. Các loại chất thải y tế nguy hại và chất thải phát sinh từ hoạt động nông nghiệp, nhất là bao bì thuốc bảo vệ thực vật cũng được thu gom, xử lý theo đúng quy định…
Hiện tại, khoảng 18,6% lượng nước thải sinh hoạt trên địa bàn đã được thu gom và đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố. Mặc dù tỷ lệ này vẫn còn khiêm tốn so với yêu cầu thực tế, song là một sự khởi đầu quan trọng trong giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước - một trong những thách thức lớn đối với một thành phố du lịch. Hiện, các khu du lịch, điểm tham quan trên địa bàn đều được yêu cầu cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường…
Phát triển bền vững cho thế hệ hiện tại, tương lai
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn cũng còn những khó khăn, thách thức. Trong đó, quy trình cấp giấy phép môi trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn nhiều thủ tục phức tạp; việc chưa hoàn thiện đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý chất thải ở một số khu vực vẫn gây ra tình trạng ô nhiễm một số hồ lắng và nước mặt, ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan thiên nhiên cũng như chất lượng cuộc sống của người dân địa phương…
Từ thực tế nắm bắt, các thành viên Đoàn giám sát đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan các giải pháp xử lý rác thải nông nghiệp, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; bất cập liên quan đến hoạt động và công nghệ của nhà máy xử lý chất thải rắn tại Xuân Trường… Những nội dung này đã được đại diện các phòng chức năng và lãnh đạo UBND thành phố ghi nhận nghiêm túc và đưa ra những giải trình chi tiết và cụ thể. Nhất là, về công tác kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, các biện pháp thu gom và xử lý nước thải; kế hoạch, giải pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả thành phố Đà Lạt đã đạt được trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, đề nghị, thành phố rà soát, đánh giá toàn diện và xây dựng các giải pháp cụ thể, khả thi để khắc phục triệt để các tồn tại; nâng cao hơn nữa ý thức tự giác và trách nhiệm của mỗi người dân, của cộng đồng trong việc chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường sống… Đặc biệt, trong quá trình thu hút đầu tư, thành phố cần bám sát các kế hoạch, quy hoạch của tỉnh liên quan đến các dự án xử lý rác thải và nước thải; yêu cầu các chủ đầu tư phải có cam kết mạnh mẽ và thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường.
Kỳ vọng trong tương lai gần, Đà Lạt sẽ thực sự trở thành một thành phố du lịch tầm cỡ khu vực ASEAN, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, thành phố rất cần một nhà máy xử lý chất thải hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến với công suất phù hợp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về xử lý chất thải, hướng đến xây dựng một môi trường sống xanh – sạch – đẹp, phát triển bền vững cho thế hệ hiện tại và tương lai.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/de-da-lat-tro-thanh-thanh-pho-xanh-asean-post410255.html
Bình luận (0)