
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chia sẻ, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp phát triển của quốc gia, đồng thời đáp ứng bối cảnh, yêu cầu, xu thế chung của toàn cầu, hiện thực hóa cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong hành trình chuyển đổi năng lượng bền vững, Việt Nam đề ra 3 định hướng quan trọng, trong đó đầu tiên là đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng.
Quá trình này sẽ được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, từ việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, giải pháp, công cụ để triển khai đến việc huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế…
Việc đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mang tính cách mạng thực sự là “chìa khóa” mở cửa và vượt qua những thách thức trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), lưới điện thông minh, hệ thông pin tích trữ năng lượng (BESS), năng lượng hydrogen... đang trở thành xu hướng mới, giúp tối ưu hóa hiệu suất và giảm chi phí.
Tuy nhiên, để đổi mới sáng tạo thực sự, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách, bao gồm ưu đãi tài chính và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sáng kiến đột phá.

Định hướng thứ hai là mô hình đối tác công - tư và hợp tác quốc tế. Trong đó, hợp tác công - tư là cầu nối để hai bên cùng chia sẻ nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và mở rộng quy mô triển khai các giải pháp năng lượng bền vững.
Thông qua các cơ chế, sáng kiến hợp tác quốc tế như P4G, Việt Nam chia sẻ, học hỏi nhiều kinh nghiệm và tiếp cận nguồn tài chính, đặc biệt nguồn tài chính xanh toàn cầu để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Định hướng cuối cùng là lấy con người làm trung tâm. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực bảo đảm các giải pháp chuyển đổi năng lượng không chỉ phục vụ cho các đô thị lớn mà còn tới được các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Các dự án năng lượng tái tạo, các dự án lưới điện và điện nông thôn đã giúp hàng trăm nghìn hộ dân cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tại phiên thảo luận, các diễn giả trong nước và quốc tế đã cùng nhau trao đổi về các giải pháp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới nhằm tăng tính hiệu quả và bền vững trong phát triển và sử dụng năng lượng.
Các thành viên trong P4G cũng đánh giá rất cao những định hướng, quan điểm của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Ông Leonardo A.A. Teguh Sambodo, Phó Cục trưởng Cục Lương thực, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Indonesia cho rằng, chủ đề thảo luận phù hợp chặt chẽ với chiến lược của Indonesia và các nỗ lực toàn cầu nhằm quản lý và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả và công bằng.
Đối với Indonesia, quá trình chuyển đổi năng lượng trở thành động lực chính để đạt được mục tiêu Indonesia Vàng 2045 thông qua nền kinh tế xanh, ít carbon và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Hiện Indonesia đang hướng tới mục tiêu đẩy nhanh năng lượng tái tạo, mở rộng mạng lưới điện, thúc đẩy giao thông xanh, thúc đẩy năng lượng sinh học và áp dụng các công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực khó giảm thiểu.
Chiến lược này thích ứng với tiềm năng năng lượng và cơ sở hạ tầng tại địa phương, bắt đầu từ các khu vực có nhu cầu cao và dần dần mở rộng sự thâm nhập của năng lượng tái tạo trên toàn quốc.
“Việc triển khai sẽ được hỗ trợ bởi nhiều chiến lược khác nhau để tận dụng các công nghệ tiên tiến, áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất và tăng cường quan hệ đối tác công - tư", ông Leonardo A.A. Teguh Sambodo chia sẻ.
Từ góc độ địa phương, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã thông tin về tiềm năng, thế mạnh và những chính sách ưu đãi dành cho hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Ninh Thuận đã và đang có những hướng đi mới, chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội mà một trong những đột phá là xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 57 dự án điện tái tạo, với tổng công suất 3.749,942 MW, hằng năm tổng sản lượng điện phát lên hệ thống điện quốc gia ước đạt 8,7 tỷ kwh, chiếm 6,69% trong tổng sản lượng điện phát của năng lượng tái tạo cả nước (130 tỷ kWh).
Nguồn: https://hanoimoi.vn/doi-moi-sang-tao-chia-khoa-mo-cua-vuot-qua-thach-thuc-trong-chuyen-doi-nang-luong-699271.html
Bình luận (0)