Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Động lực hành vi trong hành trình chuyển mình của Việt Nam

Chặng đường vươn lên thành quốc gia phát triển không chỉ cần tầm nhìn chiến lược, mà cần sự thấu hiểu về con người. Kinh tế học hành vi mang đến cho Việt Nam một “bản đồ cảm xúc” để không chỉ thiết kế chính sách thông minh, mà còn truyền cảm hứng hành động cho một dân tộc đang vươn mình mạnh mẽ.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân17/04/2025


KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ,
ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Động lực hành vi trong hành trình chuyển mình của Việt Nam

- Lê Minh Hoan -

cover.jpg

Chặng đường vươn lên thành quốc gia phát triển không chỉ cần tầm nhìn chiến lược, mà cần sự thấu hiểu về con người. Kinh tế học hành vi mang đến cho Việt Nam một “bản đồ cảm xúc” để không chỉ thiết kế chính sách thông minh, mà còn truyền cảm hứng hành động cho một dân tộc đang vươn mình mạnh mẽ.

Hai câu chuyện nhỏ - một thay đổi lớn

Một nông dân ngoài 60 tuổi ở Đồng Tháp, cả đời gắn bó với nghề trồng xoài, từng tin rằng “làm nông là nhờ trời”, mỗi mùa vụ là một lần phó thác vào may rủi của thời tiết. Cho đến ngày con gái – sinh viên ngành công nghệ – về quê nghỉ hè, giới thiệu cho ông ứng dụng dự báo thời tiết và chăm sóc cây trồng theo từng giai đoạn. “Không ngờ chỉ vài thao tác trên điện thoại mà thay đổi cả cuộc đời người nông dân như tôi”, ông Tư cười.

Một doanh nghiệp nhỏ khác ở Lâm Đồng chuyên sản xuất nông sản sạch từng loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường. Sản phẩm làm kỹ, đóng gói đẹp, nhưng khi đưa ra chợ vẫn bị đánh đồng với hàng trôi nổi. Một chuyến đi học tập kinh nghiệm đã giúp chị chủ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR. Từ đó, chị cùng kỹ sư trẻ xây dựng thương hiệu cho từng hộ sản xuất, gắn mã QR chứa video, thông tin người trồng, cam kết quy trình không hóa chất độc hại. Sản phẩm dần được các siêu thị lớn đón nhận. Người tiêu dùng bắt đầu “quét mã” nhiều hơn, sẵn sàng trả giá cao hơn cho cùng một bó rau - đơn giản vì cảm thấy tin tưởng.

Hai câu chuyện nhỏ, nhưng cho thấy một thay đổi lớn đang diễn ra ở nước ta: sự chuyển biến hành vi - từ thụ động sang chủ động, từ hoài nghi sang tin tưởng, từ “ngại công nghệ” sang tận dụng công nghệ. Chính những thay đổi ấy đang góp phần dẫn dắt để công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ hiện diện ở các phòng thí nghiệm hay trung tâm thành phố, mà đang len lỏi đến từng cánh đồng, từng người dân.

anh-2.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan khảo sát thực tế tại Khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

anh-3.jpg

Từ chính sách đến hành vi: Khoảng cách cần được lấp đầy

Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế toàn cầu thông qua chiến lược phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, hành trình để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” và trở thành một quốc gia phát triển không chỉ là câu chuyện của chính sách hay đầu tư hạ tầng, mặc dù những điều đó là quan trọng và cần phải đi trước, mà còn là hành trình chuyển đổi trong tư duy, hành vi của toàn xã hội.

Thời gian qua, chúng ta chứng kiến việc triển khai nhiều cơ chế, chính sách vào đời sống xã hội không phải lúc nào cũng như mong muốn, cho dù những thay đổi đó hướng tới hiệu quả cao hơn. Để quyết sách thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công, cần có thêm cách tiếp cận mới, đó là thay đổi hành vi con người.

anh-4.jpg

Việt Nam đã đặt ra nhiều mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ để tạo nền tảng giúp đạt mục tiêu cho hai cột mốc trăm năm vào năm 2030 và năm 2045. Tuy nhiên, việc thực thi các mục tiêu này phụ thuộc lớn vào hành vi của cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức. Do đó, dù có các cơ chế ưu đãi cho đổi mới sáng tạo, nhưng nếu người dân và doanh nghiệp vẫn giữ tâm lý “an toàn”, “ngại rủi ro”, hay “trông chờ”, thì tiến trình này có thể chậm lại. Để đạt được mục tiêu đó, yếu tố quyết định không chỉ là hạ tầng công nghệ hay vốn đầu tư, mà là con người, và cụ thể hơn là hành vi của con người.

Chính tại điểm này, kinh tế học hành vi, sự kết hợp giữa kinh tế học tâm lý học, trở thành một công cụ chiến lược để hiểu và định hình hành vi cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng, từ đó giúp chính sách phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đi vào nền kinh tế và đời sống xã hội một cách nhanh nhất. Nói cách khác, tư duy “lấy con người làm trung tâm” cần có cách tiếp cận một cách khoa học - khoa học về hành vi con người trước sự thay đổi.

nong-nghip.jpg

Thuyết “những cú hích” và công cuộc chuyển đổi số

Một cách tiếp cận kinh tế học hành vi hiệu quả là thuyết “những cú hích” trong thiết kế chính sách và hành động xã hội để tạo ra thay đổi lớn trong hành vi. Ví dụ, trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, việc mặc định hóa các thủ tục hành chính trên nền tảng số, thay vì yêu cầu người dân phải “chủ động chuyển đổi”, đã giúp tăng mạnh tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Tương tự, với những chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa - những người thường ngần ngại đầu tư vào công nghệ do thiếu thông tin và tâm lý “chờ đợi thị trường” - các chiến dịch truyền thông gắn với hình mẫu thành công từ các doanh nghiệp tương đồng có thể là cú hích tâm lý quan trọng để họ mạnh dạn đổi mới. Rất cần vinh danh những doanh nghiệp tiên phong như cánh chim đầu đàn dẫn dắt cả đàn chim, kể cả những cánh chim cuối đàn.

insights-2022-research-and-development-tax-credit-960x600-1.jpg

Một rào cản hành vi trong đổi mới sáng tạo là “thiên kiến hiện tại” - xu hướng ưu tiên phần thưởng ngắn hạn thay vì lợi ích dài hạn. Điều này lý giải vì sao nhiều cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn các phương án sinh lợi nhanh thay vì đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D), chuyển đổi số hay phát triển công nghệ - những thứ đòi hỏi tầm nhìn và sự kiên trì.

Giải quyết bài toán này không chỉ bằng khuyến khích, mà còn cần thiết kế chính sách theo hướng thưởng - phạt hợp lý, kết hợp với các chương trình thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo trong tam giác: nhà nước - thị trường - xã hội. Khi những cá nhân đổi mới được xã hội công nhận, truyền thông tôn vinh, và có cơ hội tăng thu nhập thực tế, sự thay đổi hành vi sẽ được lan tỏa. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sẽ là không gian kích hoạt, chia sẻ những ý tưởng xuất phát từ nhu cầu của đời sống xã hội.

Niềm tin xã hội - nền tảng cho đổi mới

Đổi mới và sáng tạo không thể diễn ra trong môi trường thiếu niềm tin. Kinh tế học hành vi cho thấy: niềm tin vào thể chế, vào công bằng và vào khả năng tạo ra khác biệt là yếu tố then chốt thúc đẩy hành vi đầu tư cho tương lai. Do đó, không chỉ cần đầu tư cho hạ tầng số hay nghiên cứu khoa học, mà còn cần xây dựng một “hạ tầng xã hội” - nơi mỗi người dân, doanh nghiệp đều nhận thấy mình là một phần của hành trình vươn lên và có động lực cá nhân để hành động.

Chặng đường vươn lên thành quốc gia phát triển không chỉ cần tầm nhìn chiến lược, mà cần sự thấu hiểu về con người - với mọi động cơ, nỗi sợ, kỳ vọng và niềm tin. Kinh tế học hành vi mang đến cho Việt Nam một “bản đồ cảm xúc” để không chỉ thiết kế chính sách thông minh, mà còn truyền cảm hứng hành động cho một dân tộc đang vươn mình mạnh mẽ.

Thay đổi hành vi là thay đổi tương lai, là chuẩn bị tâm thế bước vào kỷ nguyên mới. Niềm tin tạo lập hành vi - Hành vi gieo nên kết quả!

Trình bày: Duy Thông

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dong-luc-hanh-vi-trong-hanh-trinh-chuyen-minh-cua-viet-nam-post410473.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm