Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề xuất bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng trong thu, chi ngân sách Nhà nước

(Chinhphu.vn) - Chính phủ đề xuất Thủ tướng có quyền xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán, giao nhiệm vụ thu chi, quyết việc dùng dự phòng ngân sách Trung ương.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ14/05/2025

Đề xuất bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng trong thu, chi ngân sách Nhà nước- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)

Thực hiện chủ trương tăng phân cấp, phân quyền

Chiều 14/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). 

Một trong những điểm mới ở lần sửa đổi này là tăng phân cấp, phân quyền trong quyết nghị thu - chi và phân bổ ngân sách Trung ương.

Theo luật hiện hành, Quốc hội có quyền quyết nghị chính sách tài chính, ngân sách Nhà nước, sửa hoặc bỏ các loại thuế, mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ; kế hoạch tài chính 5 năm. 

Quốc hội cũng quyết nghị dự toán ngân sách Nhà nước (tổng thu chi ngân sách Nhà nước, các mức chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề, khoa học công nghệ), phân bổ ngân sách Trung ương, dự toán thu chi của từng bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương...

Tại dự thảo Luật Ngân sách (sửa đổi), Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết định dự toán chi ngân sách, nhưng không gồm mức bố trí cho lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Dự kiến Quốc hội cũng không phân bổ chi ngân sách trung ương của từng bộ, cơ quan trung ương theo lĩnh vực (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên).

Thay vào đó, thẩm quyền quyết các khoản chi này được đề nghị giao cho Thủ tướng. Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quyền của Thủ tướng trong quyết định phân bổ chi tiết với các khoản chưa phân bổ, sử dụng dự phòng ngân sách trung ương. Các quy định này được thiết kế thành một điều riêng tại dự thảo luật.

Chính phủ cũng đề xuất bổ sung quyền của HĐND cấp tỉnh trong ban hành một số khoản phí, lệ phí ngoài danh mục của luật; các chế độ chính sách, an sinh xã hội trên địa bàn. UBND các cấp có thể được điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương (quy định hiện hành thuộc về Thường trực HĐND), quyết một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do HĐND giao...

Việc bổ sung và điều chỉnh này, theo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhằm thực hiện chủ trương tăng phân cấp, phân quyền trong giao nhiệm vụ thu, chi và tạo chủ động điều hành dự toán, ngân sách đã được Quốc hội, HĐND thông qua.

Linh hoạt, chủ động trong điều chỉnh dự toán chi giữa các lĩnh vực

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết đa số ý kiến đề nghị giữ thẩm quyền của Quốc hội trong quyết định các nhiệm vụ thu chi ngân sách như luật hiện hành.

Bởi việc quy định mức chi với lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là để bảo đảm nguyên tắc thể chế hóa nghị quyết của Trung ương về các lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, việc Quốc hội quyết định mức chi trong dự toán sẽ làm căn cứ, cơ sở pháp lý đánh giá kết quả thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Việc Quốc hội quyết định phân bổ ngân sách trung ương chi tiết theo các lĩnh vực cũng bảo đảm đúng thẩm quyền, minh bạch và tăng kỷ cương, kỷ luật tài chính trong chấp hành ngân sách Nhà nước, phù hợp thông lệ quốc tế.

Ông Mãi cũng cho biết, một số ý kiến khác đồng ý với đề xuất của Chính phủ, để linh hoạt, chủ động trong điều chỉnh dự toán chi giữa các lĩnh vực.

Cùng với đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát và bỏ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước. Thay vào đó, các cơ quan này thực hiện các thẩm quyền theo Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Kiểm toán Nhà nước.

Một số ý kiến nhất trí với dự thảo luật, vì việc bổ sung một điều riêng về thẩm quyền của Thủ tướng bảo đảm tính thống nhất với nội dung tại các điều, khoản đã điều chỉnh thẩm quyền từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho Thủ tướng.

Liên quan tới quyền của HĐND các cấp, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhất trí, nhằm tạo điều kiện cho địa phương tăng chức năng quản lý Nhà nước, thêm nguồn thu ngân sách.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý HĐND cần đảm bảo lộ trình phù hợp, không gây ra tiêu cực khi ban hành các khoản phí, lệ phí ngoài danh mục. Dự thảo luật cần bổ sung điều khoản chuyển tiếp để thống nhất với Luật Phí và lệ phí hiện hành.

Dự kiến Quốc hội thảo luận tại tổ dự thảo luật này vào 15/5, hội trường vào 26/5 và biểu quyết thông qua ngày 25/6.

Phương Liên


Nguồn: https://baochinhphu.vn/de-xuat-bo-sung-tham-quyen-cua-thu-tuong-trong-thu-chi-ngan-sach-nha-nuoc-102250514160755041.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm