Kiến nghị được cử tri Đồng Nai đưa ra khi phản ánh vấn đề liên quan lĩnh vực y tế trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, hiện đa số người dân từ 70 tuổi trở lên trên mắc nhiều bệnh mãn tính. Các bệnh viện địa phương không có đủ cơ sở vật chất cũng như nhân lực chất lượng cao để điều trị nên bệnh nhân thường lên tuyến trên khám chữa. Tuy nhiên, Luật BHYT quy định việc tự đi khám không đúng tuyến sẽ bị thanh toán với mức hưởng thấp hơn, dẫn đến tăng chi phí cho người bệnh.
Đơn cử, nếu một lần khám ngoại trú tại bệnh viện tuyến trên có chi phí 500.000 đồng, và BHYT chỉ chi trả 50% cho trường hợp vượt tuyến, người dân sẽ phải tự chi trả 250.000 đồng. Nếu phải thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, con số này có thể lên tới hàng triệu đồng. Thêm vào đó, các loại thuốc ngoài danh mục BHYT, vật tư y tế đặc biệt, hay dịch vụ theo yêu cầu cũng sẽ cộng dồn, tạo nên gánh nặng tài chính đáng kể cho người bệnh.
Các chuyên gia cho rằng người cao tuổi thường có thu nhập thấp hoặc không còn thu nhập, sống phụ thuộc vào con cháu hay lương hưu ít ỏi. Việc phải chi trả thêm hàng trăm nghìn đến hàng triệu đồng cho mỗi lần khám bệnh là một khoản không nhỏ, đặc biệt khi họ mắc nhiều bệnh mãn tính và cần thăm khám thường xuyên. Áp lực tài chính có thể khiến họ lo lắng, căng thẳng, thậm chí mặc cảm khi cảm thấy mình là gánh nặng cho gia đình.
Mặt khác, vì lo ngại chi phí, nhiều người cao tuổi có thể trì hoãn việc đi khám hoặc từ chối các xét nghiệm, phương pháp điều trị cần thiết. Điều này khiến bệnh tình trở nên trầm trọng hơn, khó điều trị hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Ngoài ra, để được hưởng BHYT đúng tuyến, người cao tuổi phải quay về cơ sở y tế ban đầu để xin giấy chuyển viện. Điều này không chỉ tốn thời gian, công sức di chuyển mà còn gây khó khăn cho những người sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, làm giảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao.
Trước kiến nghị này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan giải thích quy định khám chữa bệnh phân tuyến (nay là cấp khám chữa bệnh) nhằm đảm bảo điều trị phù hợp với tình trạng bệnh và chuyên môn kỹ thuật, không phụ thuộc tuổi tác. Mục đích là giảm tải cho tuyến trên, chỉ chuyển tuyến khi bệnh nặng.
Bộ trưởng cho biết kiến nghị của cử tri liên quan đến người dân trên 70 tuổi và mắc bệnh mãn tính đã được xem xét và quy định tại Thông tư số 01/2025 về hướng dẫn thực hiện BHYT. Theo đó, thông tư đã quy định một số bệnh nặng, mãn tính có thể lên thẳng cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn mà không cần thủ tục chuyển viện.
Cũng đề cập đến vấn đề của người cao tuổi, cử tri các tỉnh thành còn kiến nghị xem xét quy định hạ độ tuổi đối với người được hưởng trợ cấp người cao tuổi từ 75 tuổi xuống 70 tuổi, vì người 70 tuổi đã suy giảm sức khỏe. Song, theo Bộ trưởng, Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, người cao tuổi từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo đã được đưa vào diện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Đây là một bước tiến quan trọng, từng bước đáp ứng kiến nghị của cử tri về việc mở rộng chính sách hỗ trợ cho nhóm người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, theo Bộ trưởng. Tuy nhiên, đề xuất giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 75 xuống 70 tuổi cho tất cả người cao tuổi, không chỉ giới hạn ở nhóm thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo "vẫn cần được cân nhắc kỹ lưỡng".
"Việc này cần được xem xét trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội và bảo vệ người cao tuổi, đồng thời phải có nghiên cứu đánh giá tác động về kinh tế - xã hội để bảo đảm tính khả thi và bền vững của hệ thống trợ cấp xã hội trong thời gian tới", bà Lan cho hay.
Việt Nam đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, thuộc nhóm 10 nước hàng đầu thế giới. Ước tính năm 2025, nước ta sẽ có 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm hơn 16% dân số. Dự báo đến năm 2036, Việt Nam sẽ chính thức bước vào thời kỳ dân số già.
Trung bình, mỗi người cao tuổi mắc 3-4 bệnh mãn tính, làm tăng nhu cầu về dịch vụ y tế dài hạn, chăm sóc tại nhà và các chính sách hỗ trợ xã hội. Tình trạng này không chỉ giảm chất lượng sống và thu nhập của người cao tuổi mà còn tạo áp lực lớn lên gia đình và hệ thống y tế. Do đó, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần bao gồm cả yếu tố dự phòng, phục hồi chức năng, chăm sóc tinh thần và hỗ trợ xã hội, không chỉ riêng việc điều trị bệnh.
Nguồn: https://baohaiphongplus.vn/de-xuat-thong-tuyen-bao-hiem-y-te-cho-nguoi-70-tuoi-416558.html
Bình luận (0)