50 năm trước, vào chiều 29.4.1975 phân đội trinh sát của Đại đội trinh sát 20 Sư đoàn 341 (C20 F341) gồm 5 người do trung úy - đại đội trưởng Lê Trần Quý chỉ huy đã đặt chân đến sân bay Biên Hòa. Toàn TP.Biên Hòa lúc ấy đã được giải phóng. F341 là lực lượng bộ binh chủ lực, được trang bị đầy đủ và đã tham gia chiến trường từ tháng 1.1975, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến tranh.
Bữa tối chiến tranh của 5 người lính giải phóng với 2 bịch gạo sấy
Ngay sau khi đặt chân đến mặt trận miền Đông Nam bộ, Sư đoàn 341 đã nhận lệnh đánh trận đầu tiên trên trục đường 13 Chơn Thành - Bàu Bàng, giải phóng quận lỵ Chơn Thành. Sau đó phối hợp Sư đoàn 9 đánh địch ở Dầu Tiếng.
Rồi theo đường 20 tiến về chốt giữ Định Quán, vượt sông La Ngà tiến về Đồng Nai đánh trận Xuân Lộc lịch sử. Với những chiến tích vang dội ấy, F341 đã được chỉ huy Quân đoàn 4 tin tưởng giao nhiệm vụ đánh trận mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh. Đó là trận đánh vào Chi khu quân sự Trảng Bom vào ngày 27.4.1975.
Chỉ trong một ngày, Sư đoàn 341 đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Trảng Bom, tiếp đến đánh và giải phóng các căn cứ Hố Nai, Biên Hòa để từ đó tiến vào giải phóng Sài Gòn theo hướng xa lộ Biên Hòa, đi qua cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn và dừng lại tại Dinh Độc Lập đúng vào buổi trưa lịch sử 30.4.1975, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc chiến tranh cứu nước kéo dài suốt 21 năm.
Vào buổi chiều 29.4 ấy, khi chúng tôi đặt chân đến cổng sân bay thì thấy ở phía ngoài cổng sân bay có sở chỉ huy và CLB sĩ quan của Sư đoàn 3 không quân Việt Nam Cộng hòa một thời trông rất oai vệ nhưng giờ thì trống huơ trống hoác, các cánh cửa đều mở toang trong cơn tháo chạy tán loạn của đội quân thua cuộc.
Tác giả bài viết gặp lại đại đội trưởng Lê Trần Quý tại H.Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 8.2018
ẢNH: NGUYỄN TRUNG NGỌC
Lúc ấy cái sân bay quân sự lớn nhất miền Nam này mặc dù đã bị pháo tầm xa 130 ly của quân ta ở Hiếu Liêm (chiến khu Đ) nã đạn dồn dập vào ngày 25.4.1975, buộc quân đội Sài Gòn tại sân bay Biên Hòa phải di tản, rút lui toàn bộ, để lại một căn cứ không quân hiện đại. Quân ta đã chiếm được sân bay Biên Hòa với hai đường băng chính cùng rất nhiều máy bay và trang bị vũ khí quân sự của địch gần như còn nguyên vẹn.
Những người lính giải phóng cảnh giác cao độ bước vào Sở chỉ huy Sư đoàn 3 không quân và CLB sĩ quan của địch để lại với súng AK lên đạn sẵn sàng bóp cò. Bên trong CLB sang trọng ấy vắng lặng không một bóng người và trống trơn. Trên quầy bar vẫn còn chỏng chơ những chai rượu nước ngoài. Có những chai rượu còn nguyên vẹn nhưng chúng tôi không được phép đụng đến.
Lúc đó mấy anh em chúng tôi chỉ còn lại đúng 2 bịch gạo sấy chiến lợi phẩm loại 325 gram do quân đội Việt Nam Cộng hòa sản xuất. Một bịch gạo sấy như thế chỉ cần đổ nước sôi hoặc nước lạnh vào 10 phút sau là ăn được, đó là khẩu phần ăn một bữa chính cho một người lính.
Thế mà nhóm chúng tôi gồm có những 5 người. Các nhu yếu phẩm khác như gạo, lương khô, thịt hộp kể cả muối rang đều đã hết sạch. Anh Quý nói với hạ sĩ Lê Quốc Trị, một chiến sĩ trinh sát kỳ cựu quê Đức Thọ, Hà Tĩnh đi lấy nước máy chế vào 2 bịch gạo sấy chờ 10 phút cho nở ra rồi 5 anh em chia nhau ăn.
Lúc đó chúng tôi cũng không thể biết rằng mình đang ăn một bữa tối hết sức tằn tiện trong ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh mà những người lính trinh sát F341 đã trải qua. Nhai những miếng cơm gạo sấy nhạt nhẽo, tôi ước gì những chai rượu ngoại trên quầy bar kia biến thành những chai nước mắm.
Bao gạo sấy dùng cho lính Việt Nam Cộng hòa thời chiến tranh
ẢNH TƯ LIỆU
Vầng sáng Sài Gòn
Tối hôm đó tôi và mấy đồng đội đã ngủ lại Biên Hòa trên những chiếc sô pha êm ái trong CLB sĩ quan của Sư đoàn 3 không quân Việt Nam Cộng hòa. Ngày đó tôi vừa đi qua tuổi 20, đời tôi chưa bao giờ được ngủ trên một cái "giường" êm ái sang trọng và đẹp như thế.
Dù căn cứ không quân Biên Hòa vào đêm 29.4 ấy đã được ta chiếm đóng hoàn toàn nhưng theo quy định của quân đội, chúng tôi vẫn cử người thay phiên nhau canh gác. Mỗi người gác một tiếng. Mật khẩu là hỏi "Hồng Hà", đáp "Cửu Long". Anh Quý căn dặn: Phải hết sức cảnh giác, không một phút chủ quan lơ là. Cảnh giác là sự sống.
Tác giả bài viết phát biểu trong lần cùng đoàn cựu chiến binh về thăm lại Sư đoàn 341 vào tháng 12.2019
ẢNH: LÊ TỰ HIẾU
Phiên gác của tôi vào lúc 4 giờ sáng. Đúng 5 giờ tôi sẽ gọi cả phân đội dậy để tiến về thành phố Sài Gòn theo mệnh lệnh của trưởng ban 2 sư đoàn. Trời về sáng của miền Đông rất mát. Tôi ôm khẩu AK báng gập đứng ở cổng CLB sĩ quan không quân nhìn về phía Sài Gòn. Cả một vầng sáng bằng ánh điện của thành phố thủ đô Việt Nam Cộng hòa, nơi sào huyệt cuối cùng của quân địch đang chiếu rọi lên bầu trời như một cái gì đó rất bí ẩn.
Chắc chắn rằng trong cái đêm không phải ngẫu nhiên tôi và các đồng đội ngủ lại ở sân bay Biên Hòa ấy, không chỉ chúng tôi mà tất cả mọi người trên thế giới dù trí tưởng tượng có siêu phàm đến đâu cũng không thể nào nghĩ rằng đó là đêm cuối cùng của cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử Việt Nam.
Phía trước là Sài Gòn, một cái tên lúc ấy vẫn còn xa vời vợi dù chặng đường cuối cùng còn lại của cuộc chiến tranh chỉ còn có 30 km, nhưng đó là 30 km chứa đầy bí ẩn. Chỉ có trời mới biết ngày mai, ngày 30.4.1975, sẽ diễn ra như thế nào.
Người lái xe lam tốt bụng
Đúng 5 giờ sáng, tôi đánh thức anh Quý và mọi người dậy. Chúng tôi xốc lại ba lô, súng đạn rồi im lặng rời khỏi sân bay tìm đường ra xa lộ Biên Hòa để đi bộ vào Sài Gòn. Qua khỏi cầu Đồng Nai thấy bên phải đường có căn nhà mà cửa đang hé mở, trong sân có chiếc xe lam, chúng tôi liền vào liên hệ để được chở vào Sài Gòn.
Chủ nhà là một người đàn ông khoảng 40 tuổi, nhìn hiền lành chất phác. Nghe chúng tôi trình bày, anh liền nổ máy xe chở chúng tôi đi. Đi được hơn 10 km thì thấy phía trước có vẻ hỗn loạn, lại có tiếng súng nổ, người chủ xe sợ hãi dừng xe lại.
Chúng tôi xuống xe cảm ơn và trả tiền nhưng anh không lấy mà vội vã quay xe chạy về nhà. Như thế cũng là tốt lắm rồi. Đến bây giờ, sau 50 năm, tôi vẫn nhớ ơn người đàn ông tốt bụng lái xe lam ấy. Năm 2018 khi tôi ra Hương Sơn, Hà Tĩnh thăm đại đội trưởng Lê Trần Quý, anh Quý vẫn nhắc lại chuyện người lái xe lam đã nhiệt tình chở anh em chúng tôi vào Sài Gòn trong buổi sáng 30.4 đầy nguy hiểm ấy.
Từ chỗ xuống xe lam vào đến trung tâm Sài Gòn còn khoảng 20 km. Theo xa lộ Biên Hòa, chúng tôi vừa đi vừa chạy thành hàng dọc theo đội hình sẵn sàng chiến đấu qua cây cầu mang tên Rạch Chiếc còn ngổn ngang xe tăng...
Ở hai đầu cầu Rạch Chiếc có rất nhiều ụ chiến đấu của quân địch với dây thép gai bùng nhùng, trên đường vương vãi khắp nơi áo quần, giày lính, súng ống mà quân địch bỏ chạy vứt lại trong cơn hoảng loạn. Có nhiều đơn vị bộ đội của ta cũng đang chạy qua cầu Rạch Chiếc để tiến vào thành phố.
Giấc mơ lớn đã thành hiện thực ngay trước mắt mình
Đi mãi thì đến cầu Sài Gòn. Băng qua cầu Sài Gòn rồi đi tiếp qua cầu Thị Nghè, chúng tôi men theo vỉa hè của đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) để vào trung tâm thành phố đến Dinh Độc Lập.
Đúng 12 giờ ngày 30.4, chúng tôi đặt chân đến được Dinh Độc Lập, mục tiêu cuối cùng của đơn vị chúng tôi và cũng là mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến tranh cứu nước. Lúc bấy giờ xe tăng và bộ đội ta đã tràn ngập khu vực Dinh Độc Lập. Lá cờ Giải phóng đang tung bay trên nóc Dinh Độc Lập.
Chiến tranh đã kết thúc, cũng có nghĩa là chúng tôi đã sống. Tôi và đồng đội nhìn nhau rồi cùng nhìn lên bầu trời tháng 4 Sài Gòn trong xanh và đầy nắng. Hòa bình rồi sao. Chiến tranh đã kết thúc rồi sao... Đó là những điều mà tối hôm qua ngủ ở sân bay Biên Hòa, chúng tôi chưa dám nghĩ đến. Giấc mơ lớn đã thành hiện thực ngay trước mắt mình.
Rồi chúng tôi ngả mình trên thảm cỏ xanh êm ái, nhắm mắt lại và nhớ về những đồng đội đã hy sinh với tất cả sự thương xót. Họ đã thành liệt sĩ, thân xác họ đã vĩnh viễn nằm lại trong các trận chiến đấu ở Chơn Thành, Xuân Lộc, Trảng Bom, Hố Nai…
50 năm đã trôi qua nhưng ký ức về đêm cuối cùng của chiến tranh, về những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến tranh cứu nước đầy hy sinh gian khổ vẫn hằn sâu trong ký ức những người cựu chiến binh đã trực tiếp cầm súng chiến đấu và đi qua cuộc chiến.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dem-cuoi-cung-cua-chien-tranh-o-san-bay-quan-su-bien-hoa-50-nam-truoc-185250418155018305.htm
Bình luận (0)