Công nhân làm việc tại một công ty may - Ảnh: HÀ QUÂN
Phát biểu mới nhất của Tổng thống Donald Trump với báo chí đang được giới chuyên gia và doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam nhìn nhận là một tín hiệu tích cực, trong bối cảnh giai đoạn 90 ngày tạm hoãn áp dụng chính sách thuế đối ứng đang được triển khai.
"Đèn xanh"cho dệt may, da giày Việt Nam?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 27-5, ông Phạm Xuân Hồng - chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM - nhận định phát ngôn của ông Trump có thể coi như một tín hiệu bật đèn xanh cho các nhà xuất khẩu ngành dệt may, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Hồng, hàng may mặc vẫn là nhóm hàng thiết yếu tại thị trường Mỹ, khó bị cắt giảm trong tiêu dùng dù kinh tế bất ổn. Nếu ông Trump tăng thuế mạnh đối với mặt hàng này có thể tạo ra phản ứng ngược khi chính người tiêu dùng Mỹ là bên gánh chịu sự tăng giá.
Từ góc độ cạnh tranh, ông Hồng đánh giá Việt Nam có ưu thế so với nhiều nước khác nhờ quan hệ song phương ổn định với Mỹ, nền chính trị ổn định và nguồn lao động có tay nghề. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra thận trọng: "Chúng ta có thể lạc quan, nhưng vẫn cần giữ sự cẩn trọng bởi chính sách thương mại dưới thời ông Trump vốn có tính biến động cao".
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Quang Anh - giám đốc Công ty may mặc Dony - cho rằng cục diện thương mại quốc tế có thể sẽ thay đổi sau khi Mỹ áp dụng chính sách tăng thuế đối ứng đồng loạt. Trong "cuộc chơi mới" đó, quốc gia nào linh hoạt và biết tận dụng cơ hội sẽ chiếm ưu thế.
Theo ông Quang Anh, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo bước ngoặt nếu giữ được mức thuế ổn định và tận dụng lợi thế địa chính trị cùng quan hệ hợp tác toàn diện với Mỹ.
Với ngành da giày, ông Nguyễn Văn Khánh - phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM - cũng bày tỏ sự lạc quan trước phát biểu mới của ông Trump, đồng thời đánh giá cao cơ hội giảm thuế sau 90 ngày tạm hoãn.
Ông Khánh nhấn mạnh Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi như giá cả cạnh tranh và khả năng linh hoạt cao trong sản xuất.
Nhiều chuyên gia nhận định khả năng hưởng lợi của ngành dệt may, da giày Việt Nam còn đến từ hệ thống hạ tầng logistics ngày càng hoàn thiện, sự phát triển của các cảng biển và môi trường chính trị ổn định - yếu tố đặc biệt cạnh tranh so với các quốc gia đối thủ giá nhân công rẻ hơn như Bangladesh.
"Nóng bỏng" từ nay đến nửa đầu tháng 6
Theo dự báo của các chuyên gia, kết quả đàm phán thuế đối ứng sẽ bắt đầu tác động rõ rệt đến ngành dệt may - da giày Việt Nam từ nửa cuối tháng 6-2025.
Do thời gian vận chuyển đường biển từ Việt Nam sang Mỹ thường kéo dài từ 30 đến 45 ngày. Nếu muốn kịp giao hàng trước thời điểm 9-7 - thời hạn tạm hoãn áp thuế kết thúc - các doanh nghiệp buộc phải đẩy mạnh sản xuất và hoàn tất vận chuyển ngay trong nửa đầu tháng 6.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện đang tăng tốc thực hiện đơn hàng, đàm phán lại lịch giao, đồng thời mở rộng tìm kiếm thị trường mới nhằm phân tán rủi ro trong giai đoạn 90 ngày "vàng" tạm hoãn áp thuế.
Bên cạnh việc tăng tốc sản xuất, các hiệp hội ngành hàng và chuyên gia cũng khuyến cáo rằng thời điểm hiện tại, các đối tác và khách hàng quốc tế đang thận trọng theo dõi sát sao diễn biến thương mại.
Một trong những vấn đề cốt lõi lớn nhất được các chuyên gia cảnh báo là mức độ phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài, đặc biệt Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam dễ tổn thương trước các cú sốc thuế quan, rủi ro địa chính trị.
Ông Phạm Xuân Hồng thừa nhận khả năng tự chủ nguyên liệu trong nước hiện vẫn rất hạn chế. Nếu không cải thiện năng lực cung ứng nguyên liệu, chúng ta sẽ luôn bị động trong các kịch bản thương mại bất lợi.
Tương tự, ông Phạm Văn Việt - chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean - nhấn mạnh tự chủ nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh nguyên liệu nội địa không còn là bài toán lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn nếu Việt Nam muốn giữ vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguồn: https://tuoitre.vn/det-may-da-giay-viet-nam-trong-cho-cua-sang-sau-phat-bieu-moi-cua-ong-trump-20250527174551277.htm
Bình luận (0)