Nhân viên EVN kiểm tra các thiết bị điện. (Ảnh: evn)
EVN đang triển khai 10 dự án nguồn điện
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 3 vừa qua, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 3 đạt 27,1 tỷ kWh. Lũy kế quý 1/ 2025, sản lượng toàn hệ thống đạt 72,2 tỷ kWh (trong khi quý 1/2024 là 69,4 tỷ kWh).
Miền Nam là đầu tàu kinh tế, sử dụng 34% điện cả nước. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong 4 tháng đầu năm nay, sản lượng điện cung cấp cho địa bàn thành phố đạt 9.600 triệu kWh. Mặc dù thấp hơn 1,43% so với cùng kỳ năm trước, nhưng công suất cực đại đã ghi nhận mức tăng nhẹ 0,39%, đạt 9.419 MW.
Tại Hội thảo thúc đẩy các biện pháp cung cấp điện do Báo Tiền phong tổ chức ngày 21/4, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) thông tin, trong tháng 3/2025, thời điểm nắng nóng gay gắt - sản lượng điện tiêu thụ trung bình mỗi ngày tăng 16,32% so với tháng 2, đạt gần 87 triệu kWh/ngày. Riêng điện sinh hoạt trong tháng 4 đạt 42,64 triệu kWh, tăng hơn 20% so với tháng 3.
Những ngày đầu tháng 4 và đầu tháng 5, nền nhiệt tại Thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 35-37 độ C, khiến nhu cầu tiêu thụ điện liên tục leo thang, với mức trung bình lên đến 88,25 triệu kWh/ngày.
Dự kiến trong năm nay, sản lượng điện thương phẩm tại Thành phố đạt khoảng 32.150 triệu kWh, tăng hơn 12,4% so với năm 2024. Công suất cực đại hệ thống tại khu vực có thể chạm mốc hơn 5.000 MW, tăng khoảng 2,7% so với năm 2024. Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kéo dài, lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam và các sự kiện lớn trong năm, áp lực đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục đang đặt ra thách thức không nhỏ cho ngành điện.
Trước tình hình này, đại diện Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp kỹ thuật như kiểm tra toàn bộ lưới điện, bảo trì các trạm biến áp, đường dây trọng điểm để đảm bảo không xảy ra quá tải cục bộ, đồng thời, các giải pháp chuyển tải, điều chỉnh phụ tải và tiết kiệm điện cũng đang được đẩy mạnh thực hiện.
“EVNHCMC đã phối hợp với các sở ngành và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, việc lắp đặt điện Mặt Trời mái nhà tại khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các cơ quan, doanh nghiệp được xem là một trong những giải pháp quan trọng giúp giảm tải hệ thống điện vào giờ cao điểm,” ông Bùi Trung Kiên cho hay.
Nhân viên EVN kiểm tra việc vận hành các thiết bị điện. (Ảnh: Evn)
Liên quan tới việc đảm bảo điện, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết những ngày vừa qua, cả nước, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam đang trải qua đợt nắng nóng với nhiệt độ tại nhiều địa phương đã chạm ngưỡng 38 độ C. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng vọt, đặc biệt là điện sinh hoạt và điện cho làm mát. Đây là áp lực không nhỏ đối với hệ thống điện quốc gia, từ khâu phát điện, truyền tải cho đến phân phối điện.
Dự báo xu hướng phụ tải tiếp tục tăng cao trong mùa khô và mùa nắng nóng sắp tới, EVN đã chủ động xây dựng các kịch bản cung ứng điện phù hợp với mọi tình huống, kể cả khi nhu cầu điện tăng trưởng tới 12-13% nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đặc biệt, EVN đang triển khai 10 dự án nguồn điện, với tổng công suất khoảng 8.800 MW, bao gồm cả dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ngoài ra, trong năm nay, EVN tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm như Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy thủy điện Quảng Trạch I, Đường dây 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên, Đường dây 500/220kV Nho Quan-Phủ Lý-Thường Tín; cấp điện cho huyện Côn Đảo.
“Trong năm 2025, đơn vị đặt mục tiêu điện thương phẩm đạt 300,9 tỷ kWh, với phương án dự phòng lên tới 305,6 tỷ kWh nhằm đáp ứng kịch bản tăng trưởng cao. Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống dự kiến đạt 54.510 MW, tăng 11,35% so với năm 2024,” đại diện EVN cho hay.
Đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm
Mùa nắng nóng luôn là thách thức cho các doanh nghiệp trong việc sử dụng điện, vì vậy các giải pháp điều chỉnh phụ tải, dịch chuyển phụ tải vừa có lợi cho doanh nghiệp lẫn ngành điện.
Theo báo cáo từ ngành điện Đồng Nai, tính đến nay, 1.147/1.171 doanh nghiệp (hơn 96%) thuộc diện cần điều chỉnh phụ tải đã ký cam kết tham gia chương trình. Còn tại Bình Dương, ngành điện đã hoàn tất 1.786 thỏa thuận điều chỉnh phụ tải, đạt 100% với các khách hàng lớn trên địa bàn.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn EVN cho biết cuối năm 2024, tập đoàn xây dựng nhiều chương trình, làm việc với các khách hàng trọng điểm, tiêu thụ điện lớn tham gia chương trình dịch chuyển phụ tải này.
“Việc dịch chuyển phụ tải đã giúp doanh nghiệp sử dụng điện vào khung giá điện thấp, giảm chi phí sản xuất. Chẳng hạn, các công ty sắt, thép sản xuất phôi vào tháng 2, 3, đây là mức phụ tải thấp điểm, mức cao điểm thì doanh nghiệp chuyển sang các công đoạn khác,” ông Nguyễn Quốc Dũng nói.
Nhân viên EVN hướng dẫn khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. (Ảnh: evn)
Để đảm bảo cung ứng điện, ông Lê Đặng Xuân Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Nam (SSO) cho hay đơn vị đã chủ động nhiều giải pháp để đảm bảo điện mùa khô, đặc biệt trong các tháng cao điểm, trong đó chiến lược điều độ vận hành hệ thống điện hiện nay là vận hành tối ưu và linh hoạt.
Cụ thể, các nguồn thủy điện vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng phải đảm bảo sử dụng nước một cách tiết kiệm, không để mực nước giảm quá mức cho phép. Cùng đó, việc điều tiết nước hợp lý sẽ đảm bảo đủ điện cho hiện tại mà vẫn duy trì khả năng phát trong những tháng tiếp theo.
“Trong trường hợp công suất cực đại tăng vọt, trung tâm sẽ kích hoạt các biện pháp điều chỉnh phụ tải, bao gồm chuyển tải phụ tải sang khu vực ít căng thẳng hơn, thực hiện các cảnh báo sớm và thông báo khẩn cấp đến các đơn vị điện lực và khách hàng lớn, vận động tiết giảm phụ tải tại các khu vực có khả năng cắt giảm linh hoạt,” đại diện SSO chia sẻ.
Về phía Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điện lực, cho biết từ cuối năm 2024, căn cứ trên đề xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO) và ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành các quyết phê duyệt kế hoạch cung ứng điện năm 2025 và các tháng cao điểm mùa khô, trong đó, dự báo phụ tải năm 2025 có thể tăng trưởng lên đến 12,2% cho cả năm, sản lượng cả năm dự kiến đạt 347,509 tỷ kWh, công suất cực đại toàn quốc đạt 54.510 MW.
Ngoài ra, để đảm bảo cung cấp điện năm 2025 cũng như giai đoạn 2026-2030, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, như: ban hành các khung giá đối với các loại nguồn điện, tạo cơ chế thuận lợi cho đầu tư, phát triển các nguồn điện đáp ứng nhu cầu trong nước, đồng thời tích cực hợp tác trong xuất, nhập khẩu điện, nhất là những nguồn điện sạch có giá thành hợp lý.
“Bộ cũng tăng cường giám sát công tác lập kế hoạch, công tác chuẩn bị nhiên liệu, bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị điện để đảm bảo độ khả dụng các nguồn điện. Làm tốt công tác truyền thông về tiết kiệm điện, quản lý nhu cầu phụ tải điện," ông Nguyễn Thế Hữu cho hay./.
(Vietnam+)
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/dien-mua-kho-xay-dung-cac-kich-ban-o-muc-cao-nhat-tang-truong-toi-2-co-so-246420.htm
Bình luận (0)