Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đình Triều Khê - nơi lưu giữ các giá trị văn hoá Việt

Báo Quảng NinhBáo Quảng Ninh04/06/2023


Đình Triều Khê thuộc khu Triều Khê, phường Hồng Phong (TX Đông Triều) có từ lâu đời, là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Ngày 6/6/2023, đình Triều Khê sẽ được phường Hồng Phong khởi công tôn tạo, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân địa phương và du khách.

Hệ thống kèo, cột bên trong đình đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh do UBND phường Hồng Phong, TX Đông Triều cung cấp.
Đình mới sẽ được xây dựng trên chính vị trí ngôi đình cũ đã xuống cấp.

Vào thời Trần, Triều Khê thuộc đất thang mộc của An Sinh vương Trần Liễu là thân phụ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cho đến thế kỷ XVIII, nơi đây vẫn còn là vùng đất hoang sơ ở vùng ven sông Kinh Thầy và sông Đạm Thuỷ, dân cư sống thưa thớt. Năm 1790, có 6 gia đình quê ở Kim Thành, phủ Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) đã tìm đến vùng đất này để sinh sống. Lúc đầu, họ ở khu vực thôn Đoàn Xá ngày nay, sau đó di chuyển đến bãi bồi ở vùng trũng ven sông Kinh Thầy (phía tây Đoàn Xá) khai hoang mở đất thành ruộng đồng cày cấy sinh sống. Cuộc sống dần ổn định, cư dân phát triển đông đúc. Năm 1887, dân làng xin tách thành xã riêng, để tự lo làm ăn sinh sống. Xã Triều Khê được hình thành từ đó (bia đá khắc năm Thành Thái thứ 4 - 1892 nói về sự kiện này).

Sau khi làng Triều Khê được thành lập, dân làng đã cùng nhau xây dựng một ngôi đình, hai ngôi nghè và xây chùa để dân làng có chỗ sinh hoạt tâm linh. Căn cứ theo thần tích, sắc phong và bài văn cúng tế thì đình Triều Khê thờ An Sinh vương Trần Liễu, vua Trần Anh Tông và hai vị cận thần của vua Trần Anh Tông là Đặng Tảo và Lê Trung, được phong thần là Phổ Hộ cư sĩ đại vương và Phổ Tế cư sĩ đại vương. Đình Triều Khê lúc đầu được dựng cột bằng gỗ lim, lợp mái rạ, cách đình hiện nay khoảng 200m về hướng Đông Nam. Năm 1901, đình được chuyển về vị trí hiện nay. Trên thượng lương vẫn còn dòng chữ Hán Nôm ghi năm xây dựng đình vào ngày 22 tháng 11, niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901).

Hệ thống kèo, cột bên trong đình đã xuống cấp nghiêm trọng.
Hệ thống kèo, cột bên trong đình tới nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, hậu cung của đình đã bị hỏng nhưng may mắn vẫn còn giữ được những nét kiến trúc bên trong với hệ thống vì kèo cột gỗ và các mảng chạm khắc trên bốn bức cốn rất có giá trị. Cả tám mặt của bốn bức cốn là tám đề tài trang trí khác nhau. Mỗi bức mỗi kiểu tạo thành bức tranh sinh động và gần gũi với thiên nhiên. Năm tấm bia đá xanh lưu giữ tại đình ghi lại việc dân trong xã Triều Khê đóng góp tiền của trùng tu xây dựng đình. Hiện vật khác còn có ba bát hương đá, một cối đá và nhiều tảng đá kê chân cột chạm khắc hoa văn có đường kính 30-40cm. Tất cả đều được làm vào thời Nguyễn, chạm khắc công phu tỉ mỉ. 

Ngoài ra, đình còn lưu giữ 2 sắc phong thời Khải Định thứ 9 (1924), một quyển thần tích, thần sắc và một quyển hương ước của làng Triều Khê. Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn giữ 4 sắc phong thần cho thành hoàng của làng Triều Khê vào các năm: Cảnh Hưng thứ hai (1741), Chiêu Thống thứ nhất (1787), Quang Trung thứ năm (1791) và Vĩnh Thịnh thứ bảy (1711). Đây là những cơ sở rất quan trọng khẳng định giá trị của đình Triều Khê.

Bia đá thời Nguyễn còn được lưu giữ ở sân đình.
Bia đá thời Nguyễn lưu giữ ở sân đình Triều Khê ghi lại những đóng góp của người dân đóng góp công của trùng tu đình. 

Lễ hội của đình Triều Khê được tổ chức vào ngày 11-15/11 âm lịch hàng năm mang đậm dấu ấn của một vùng quê nông thôn Việt Nam ở vùng cửa sông, đó là nuôi lợn tế thần, tiễn thuyền rồng trên sông... Tất cả những nét riêng đó đã tạo nên sắc thái văn hoá riêng biệt của vùng đất Triều Khê, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Với những giá trị nổi bật của di tích, năm 2006, đình Triều Khê được UBND tỉnh ban hành quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Trải qua thời gian, đình Triều Khê không còn giữ được kiến trúc như thời kỳ khởi dựng. Mặc dù đã được nhân dân tu sửa, song do nguồn kinh phí có hạn nên đến nay đình bị hư hại và xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn trong những ngày lễ hội và làm cho di tích chưa phát huy hết được các giá trị vốn có trong đời sống xã hội.

Trước thực tế đó, ngày 7/3/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Triều Khê (hạng mục đại đình) nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng xuống cấp và nguy cơ mất mát giá trị nguyên gốc của di tích, bảo tồn di sản văn hoá dân tộc góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho nhân dân, tạo cảnh quan tăng tính tôn nghiêm cho di tích và tạo cho di tích có vị trí xứng đáng với tầm vóc vốn có.

 Phối cảnh đình Triều Khê.
Phối cảnh đình Triều Khê sau khi hoàn thành tu bổ, tôn tạo.

Ngày 6/6/2023, lễ khởi công bảo tồn, tôn tạo di tích đình Triều Khê sẽ được phường Hồng Phong tổ chức thực hiện. Việc này thể hiện ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc, là hoạt động hướng về cội nguồn dân tộc, bày tỏ lòng thành kính và tri ân công đức to lớn của An Sinh vương hoàng đế và Trần Triều Anh Tông hoàng đế đối với đất nước, quê hương, góp phần giáo dục truyền thống và phát triển du lịch văn hoá tâm linh; kết nối với Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần và hệ thống các di tích, danh thắng trên địa bàn phường Hồng Phong và TX Đông Triều, để phát triển mạnh du lịch văn hoá tâm linh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Được biết, dự toán kinh phí thực hiện cho việc tôn tạo, trùng tu là khoảng 6,2 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.

Ông Nguyễn Hoàng Thiện, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hồng Phong, cho biết: Việc tu bổ, tôn tạo di tích đình Triều Khê là hết sức cần thiết nhằm duy trì và bảo tồn những giá trị văn hoá, lịch sử của dân tộc, góp phần phát huy giá trị của quần thể các di tích nhà Trần tại Đông Triều. Điều đó cũng góp phần tạo ra điểm đến hấp dẫn, tăng thế mạnh cho kinh tế du lịch địa phương. Đồng thời, đình là nơi giáo dục truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ hôm nay và ngày mai, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân địa phương và du khách.



Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm