Theo Quách Tấn viết trong sách “Nước non Bình Định”, thành Đồ Bàn (Chà Bàn, Phật Thệ...) gọi theo bia ký là Vijaya (Thắng lợi) do Vua Chiêm Thành Ngô Nhật Hoan xây dựng làm kinh đô vương quốc vào thế kỷ 10.
Một sử liệu cho chúng ta biết tòa thành là nơi cư ngụ của nhà vua, được xây bằng đá, mở ra bốn cửa. Cung điện của nhà vua ngự cao và rộng, mái lợp ngói hình thoi. Tường chung quanh xây bằng gạch trông rất khang trang. Các cửa đều làm bằng gỗ cứng, trang trí bằng những hình điêu khắc dã thú hoặc sinh vật tại địa phương. Nhà cửa của dân chúng thì lợp tranh. Từ đầu thế kỷ 20, nhà nghiên cứu người Pháp Henri Parmentier đã khảo sát, vẽ sơ đồ thành Đồ Bàn và ước lượng quy mô thành có chiều dài 1.400 m, rộng 1.100 m.
Nhà thơ Quách Tấn, theo quan sát của mình về cách chọn địa điểm, xây dựng kinh thành như một kinh đô có địa cuộc phòng thủ vững chắc đã nhận xét: “Xem qua hình thế núi sông, chúng ta phải công nhận người Chiêm Thành đã khéo lựa nơi đóng đô! Và thành Đồ Bàn với đại trí như kia, đứng vững trong bao thế kỷ là phải lắm!”.
Tháp Cánh Tiên nơi thành Đồ Bàn. |
Năm 1776, lãnh tụ nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc, trên cơ sở thành Đồ Bàn, tiến hành tu sửa, xây dựng một thành mới gọi là thành Hoàng Đế. Cổng thành Hoàng Đế bây giờ là di tích còn lại của toàn thành đó.
Bây giờ, lầu son gác tía không còn nữa! Bước chầm chậm quanh khu vực nội thành, màu đất đỏ, những viên đá ong, những cây cổ thụ già nua, những di tích, di vật còn lại gợi lên một không khí u tịch, mơ màng. Phía Nam cổng thành Hoàng Đế hiện tại, đứng đó một cặp voi lớn tạo tác từ đá nguyên khối, hình dáng và thần thái sinh động, đầy sức sống, có niên đại từ thế kỷ 11 - 12, chứng tích về thời kỳ người Champa chuyển đô từ thành Cha về thành Đồ Bàn, một thời kỳ thịnh vượng của kinh thành này. Di vật của người Champa để lại còn có 3 tượng sư tử đá ở phía trong cổng thành Hoàng Đế (2 tượng trong số đó đứng hai bên lăng mộ Võ Tánh - Ngô Tùng Châu), có niên đại thế kỷ 11. Sư tử là linh vật có ý nghĩa tôn giáo, biểu tượng của hoàng tộc, quyền uy, sức mạnh của các vương triều Champa. Năm 1992, có 2 tượng sư tử đá được phát hiện gần tháp Cánh Tiên, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2024.
Đến Đồ Bàn, không thể không chiêm ngưỡng tháp Cánh Tiên, ngôi tháp tọa lạc trên một đồi cao ngay tại trung tâm Đồ Bàn xưa (nay là thôn Nam Trân, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn). Ngôi tháp thâm nghiêm này nhìn từ xa giống với những cánh tiên đang bay lên, mơ màng đầy lãng mạn. Có lẽ vì vậy mà dân gian cho rằng tháp là của Quốc vương Chế Mân xây tặng Công chúa Huyền Trân lá ngọc cành vàng. Tháp Cánh Tiên kiêu sa, tiêu biểu cho phong cách đền tháp Bình Định, thực chất là một ngôi đền (Kalan) thờ Thần Shiva, một tác phẩm kiến trúc - điêu khắc toàn bích, ở đó cấu trúc vật chất tháp là biểu hiện của cái chân, chư thần được thờ phụng biểu hiện cho cái thiện và cái mỹ là vẻ đẹp hoàn hảo của kiến trúc và điêu khắc.
Tượng voi đá đã được công nhận bảo vật quốc gia. |
Thành Đồ Bàn trong lịch sử gần 500 năm hình thành và cường thịnh đã chứng kiến biết bao trận chiến, biến cố, sự kiện lịch sử vẫn còn âm vang đến bây giờ. Đó là những chiến công oanh liệt đánh đuổi 10 vạn thủy quân của Toa Đô xâm lược vương quốc vào cuối thế kỷ 13; những trận chiến ác liệt với quân Khmer ở phía Nam. Sử liệu thống kê cho biết, đã có 28 lần quân Champa tiến công Đại Việt, trong đó có hai lần Vua Chế Bồng Nga đánh chiếm thành Thăng Long; 20 lần quân Đại Việt tiến quân, đánh chiếm Đồ Bàn. Có lẽ lịch sử sẽ không bao giờ quên sự kiện Vua Trần Duệ Tông tử trận vào năm 1377, cũng như cuộc tiến công vào đây năm 1471 của Vua Lê Thánh Tông, chấm dứt sự tồn tại của vương triều Vijaya. Một sự kiện khác, năm 1306, Vua Trần Nhân Tông đã gả Công chúa Huyền Trân cho Quốc vương Champa Chế Mân để đổi hai châu Ô, Lý và câu chuyện về người con gái lá ngọc cành vàng vì nghĩa lớn dân tộc mà gác bỏ tình riêng, “vào đây sống cùng người khác giống” (Quách Tấn) đã trở thành đề tài hấp dẫn của văn, thơ, nhạc từ bao thế kỷ đến giờ.
Dạo bước trong thành cổ, tôi nhớ đến những câu truyện cổ của người Chăm được lưu truyền trong cộng đồng người Việt đến định cư chung quanh thành Đồ Bàn và còn lưu truyền đến ngày nay mà nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân đã sưu tầm từ những năm 1975, in trong sách “Truyện cổ thành Đồ Bàn - vịnh Thị Nại”. Các truyện cổ cho chúng ta biết người Champa ở thành Đồ Bàn xưa từng suy tư theo một cách rất riêng về thế giới, cuộc sống nhân sinh và nhân cách con người, chứa đựng niềm lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống và ngợi ca các giá trị chân, thiện, mỹ.
Nhà thơ Quách Tấn trong quyển sách nổi tiếng “Nước non Bình Định” đã trân trọng gọi “những dấu ấn nơi cổ thành” là di sản còn lại của một “nền văn minh của Chiêm Thành”. Quả đúng như thế, bàng bạc, ẩn hiện trong những di tích, di vật, những câu truyện cổ là những giá trị tinh thần cao quý của một nền văn minh từng một thời rực rỡ. Những giá trị đó vẫn hiện hữu sống động trong đời sống hôm nay!
Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202504/do-ban-con-do-dau-xua-0481579/
Bình luận (0)