Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 145 chợ, gồm: 3 chợ hạng 1; 9 chợ hạng 2; 110 chợ hạng 3 và 23 chợ tạm. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 722 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 289 tỷ đồng, ngân sách các địa phương 143 tỷ đồng, còn lại là từ các nguồn huy động khác). Công tác đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây mới chợ cũng được quan tâm, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cho người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí số 7 về hạ tầng thương mại trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Chợ Châu Ổ (Bình Sơn) là chợ loại 1, do doanh nghiệp đầu tư, quản lý, khai thác. Ảnh: TN |
Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động thương mại có xu hướng dịch chuyển dần từ các loại hình thương mại truyền thống (như chợ, cửa hàng bán lẻ...) sang các loại hình thương mại hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích tự chọn...), mua bán trên nền tảng số (trang web, các mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo, TikTok...). Do đó, việc kinh doanh tại chợ truyền thống ngày càng ế ẩm, không thu hút tiểu thương, người dân đến kinh doanh, mua sắm. Việc thu hút đầu tư, kinh doanh, phát triển chợ theo hình thức xã hội hóa cũng không còn hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Công tác quản lý, khai thác chợ cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí. Một số chợ do doanh nghiệp đầu tư thì mức thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ chưa phù hợp, khiến việc kinh doanh chợ không hiệu quả như mục tiêu đề ra.
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tập trung đánh giá lại nhu cầu thực tế của từng chợ, kịp thời duy tu, sửa chữa khắc phục ngay đối với các chợ có nguy cơ đổ sụp, không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường. Nhiều chợ, do xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo hoạt động đã phải đóng cửa hoặc tháo dỡ để đảm bảo an toàn cho tiểu thương và người dân khi đi chợ. Tuy nhiên, cũng có không ít chợ được đầu tư tiền tỷ nhưng vị trí xây dựng chưa phù hợp với tập quán mua bán tại địa phương, nên khi đưa vào khai thác không hiệu quả, dẫn đến lãng phí.
Theo Giám đốc Sở Công thương Võ Văn Rân, để chợ truyền thống tồn tại, phát triển thì cần thiết phải có hình thức đầu tư, kinh doanh phù hợp. Chẳng hạn, một số chợ nằm ở gần khu du lịch thì cần đầu tư, kinh doanh chợ gắn với du lịch ẩm thực. Khu vực trung tâm các đô thị cần nghiên cứu tổ chức kinh doanh chợ đêm gắn với phát triển kinh tế về đêm. Một số chợ cần tổ chức theo hình thức chợ phiên, chuyên kinh doanh đặc sản, nông sản.
“Trước mắt, sở sẽ nghiên cứu thực hiện thí điểm việc kinh doanh chợ gắn với du lịch ẩm thực tại các địa phương có điều kiện phát triển về du lịch như huyện Lý Sơn, TX.Đức Phổ. Tỉnh cần giao cho địa phương phối hợp với ngành chức năng nghiên cứu, khảo sát vị trí, địa điểm, thí điểm loại hình chợ đêm gắn với kinh tế đêm hoặc các phiên chợ kết hợp với phát huy các giá trị truyền thống, du lịch, văn hóa ẩm thực phù hợp với đặc thù của từng địa phương để thực hiện”, ông Rân nói.
Hiện nay, Sở Công thương đang tập trung tham mưu UBND tỉnh cơ chế chính sách, phương hướng phát triển chợ phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội để xây dựng Đề án phát triển chợ truyền thống trong tình hình mới. Theo đó, các giải pháp, phương thức mới trong hoạt động khai thác, quản lý chợ sẽ được áp dụng; kết hợp các loại hình thương mại truyền thống với loại hình thương mại hiện đại thông qua phương thức giao hàng trực tiếp, trực tuyến. Đồng thời, rà soát, đánh giá lại việc thực thi cơ chế chính sách phát triển chợ. Nhất là quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh, nếu không còn phù hợp thì sẽ tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh.
THANH NHỊ
Nguồn: https://baoquangngai.vn/kinh-te/202504/doi-moi-cho-truyen-thong-beb1844/
Bình luận (0)