tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn đã tăng cường triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) nhằm chủ động ứng phó, bảo vệ tài nguyên rừng và đảm bảo an toàn cho người dân.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 300.000 ha rừng, bao gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Trong đó, 80% diện tích rừng có nguy cơ cháy cao, chủ yếu là rừng trồng các loại cây dễ bắt lửa như thông, keo, bạch đàn, tre, nứa. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có trên 60.000 ha diện tích rừng có cây gãy đỗ do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, cũng gây nguy cơ cháy rất lớn.
Theo thống kê của Sở NN&MT, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 4 vụ cháy rừng tại các địa phương: Đông Triều, Bình Liêu, Tiên Yên với tổng diện tích rừng bị thiệt hại gần 49 ha. Ngoài ra, trên toàn tỉnh còn xảy ra 59 điểm cháy liên quan đến cây gãy đổ sau bão, cháy thực bì và diện tích sau khai thác, với tổng diện tích thiệt hại lên tới hơn 600 ha. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do người dân đốt thực bì để chuẩn bị trồng rừng mới, nhưng không kiểm soát được ngọn lửa, dẫn đến cháy lan rộng.
Để chủ động trong công tác PCCR, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy; trong đó trọng tâm hướng dẫn chi tiết về phương pháp dọn vật liệu tại hiện trường rừng bị thiệt hại, xây dựng bản đồ phân vùng trọng điểm nguy cơ cao về cháy và phương án PCCR; phát động kế hoạch cao điểm về thu dọn thực bì sau bão…Đặc biệt, trước tình hình cháy rừng trong thời gian vừa qua, hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng (nhất là đối với diện tích rừng bị ảnh hưởng sau cơn bão số 3) diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên, môi trường rừng và đời sống nhân dân, thực hiện Công điện số 36/CĐ-TTg ngày 13/4/2025 của Thủ trướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 13/4/2025. Chỉ thị yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời, khẩn trương khắc phục hậu quả và phục hồi diện tích rừng bị cháy.
Bám sát chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, các địa phương chủ động xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, siết chặt công tác kiểm tra, giám sát tại các khu vực rừng bị ảnh hưởng do thiên tai, xử lý nghiêm các hành vi cố ý đốt, phá rừng trái pháp luật…
Tại huyện Vân Đồn, địa phương có trên 42.300 ha đất rừng, trong đó có hơn 25.700 ha rừng sản xuất, hơn 11.000 ha rừng phòng hộ và hơn 5.500ha rừng đặc dụng. Trong đó, có 8.058ha diện tích rừng bị thiệt hại hoàn toàn, số diện tích còn lại bị thiệt hại dưới 70%. Đến nay, địa phương đã thực hiện dọn thực bị, khắc phục 80%. Công tác PCCR được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai nghiêm túc.
Ông Đào Duy Tài, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ, Công ty TNHH 1TV Lâm nghiệp Vân Đồn, cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, đơn vị có trên 600ha rừng sản xuất bị thiệt hại, hiện mới xử lý được trên 400ha. Để đảm bảo công tác PCCR, ngoài việc tăng tốc thu gom cây gãy đổ, đơn vị đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền các cụm dân cư về PCCR, tăng số lượng người tham gia ứng trực 24/24 công tác PCCR. Công ty đã trang bị biển cảnh báo cháy rừng cơ động nhằm dự liệu thời tiết xung quanh khu vực đơn vị quản lý. Từ đó, bố trí canh phòng, chủ động người, phương tiện xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.
Hiện nay,100% chủ rừng tại địa bàn huyện Vân Đồn cũng đã ký cam kết không đốt thực bì trong điều kiện thời tiết khô hanh nhằm giảm nguy cơ phát sinh cháy rừng trong mùa trồng rừng sắp tới.
Bà Lê Thị Bảy, chủ hộ trồng rừng tại thôn 10/10 xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, chia sẻ: Gia đình hiện đang quản lý 36 ha rừng trồng keo. Trong đó trên 70% diện tích bị ảnh hưởng bởi cơn báo Yagi. Sau cơn bão, gia đình tôi chủ động các biện pháp khắc phục tận thu, dọn vệ sinh, phát dọn thực bì để chuẩn bị trồng mới 136.000 cây keo. Chúng tôi thực hiện cam kết với các lực lượng chức năng về các biện pháp bảo vệ và PCCR, chủ động làm đường băng cản lửa 5-15m tuỳ vị trí. Trong quá trình đốt thực bì chúng tôi cũng chủ động báo cơ quan chức năng và thực hiện quy định về PCCR.
Tại TP Hạ Long, từ 15/12/2024 đến nay địa phương đã xảy ra 28 vụ cháy với diện tích trên 440 ha. Chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng cùng nhân dân, các chủ rừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các biện pháp PCCR, hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng xảy ra.
Ông Vũ Duy Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Yên, TP Hạ Long, cho biết: Do ảnh hưởng của cơn báo Yagi, toàn phường có 200ha bị rừng bị thiệt hại gãy đổ, hiện còn khoảng hơn 20ha chủ yếu là rừng có vốn Ngân sách Nhà nước chưa được thanh lý. Chính vì vậy, nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng rất cao khi thời tiết có những diễn biến bất thường. Hiện, chính quyền phường đang tiếp tục triển khai các giải pháp, rà soát, kiểm đếm, đánh giá mức độ nguy cơ đối với các diện tích, đồng thời bố trí lực lượng giám sát chặt chẽ. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, thông tin tới người dân, chủ rừng về các biện pháp PCCR.
Không chỉ tập trung vào công tác PCCR, tỉnh Quảng Ninh còn chủ động triển khai các giải pháp phục hồi rừng sau cháy. Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu trồng mới gần 32.000 ha rừng, bao gồm 2.724 ha rừng phòng hộ và 29.123 ha rừng sản xuất, gấp 2,4 lần so với chỉ tiêu trồng rừng năm 2024. Con số này thể hiện sự quyết tâm cao của tỉnh trong công tác phát triển, khôi phục sản xuất lĩnh vực lâm nghiệp sau bão.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền và sự tham gia tích cực của các lực lượng chức năng cùng người dân, Quảng Ninh đã, đang đang nỗ lực không ngừng để bảo vệ màu xanh của rừng, đảm bảo an toàn cho cộng đồng và hướng tới một tương lai phát triển bền vững.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/quang-ninh-quyet-liet-trong-phong-chong-chay-rung-3353363.html
Bình luận (0)