Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đời rác…!!! (Bài cuối)

Bài cuối: Nuôi ước mơ từ… rác

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk20/04/2025

Cuộc mưu sinh với nghề rác của nhiều cư dân xóm bãi không chỉ là câu chuyện ngày một ngày hai, mà là cả hành trình dài, có khi cả đời một con người, thậm chí là hai, ba thế hệ trong gia đình. Đó cũng là quãng thời gian để những người nhặt rác chăm chút, nuôi dưỡng những ước mơ cao đẹp cho chính mình, cho gia đình, hoặc đơn giản chỉ là mong mỏi cuộc sống, tương lai con cháu sẽ sáng hơn.

1.Chị Trần Thị Huyền (ở thôn 8, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) bắt đầu ngày mới từ 5 giờ sáng và kết thúc khi trời đã xế chiều. Nối nghiệp mẹ và có ròng rã suốt 20 năm gắn bó với nghề nhặt rác, lịch làm việc của chị gần như kín mít: dậy sớm sắp xếp mọi việc, nấu cơm đem theo để ăn trưa ngay tại bãi rác, chiều tất tả về lo cơm nước, tối đôn đốc các con học hành…

Quãng đường từ thôn 8 đến bãi rác ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) gần 30 km, ngày đi về ngót nghét cũng 60 cây số. Gần như toàn bộ thời gian còn lại, chị Huyền phải cào bới, nhặt nhạnh, thu gom rác khiến người luôn rã rời. Vậy mà 20 năm qua chị vẫn gồng gánh, vượt khó với niềm tin và khát vọng đổi đời mãnh liệt. Đã có những lúc tưởng chừng như phải rẽ sang một hướng khác, nhưng cuối cùng chị vẫn chọn con đường nhặt rác để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn. Hỏi chị về hạnh phúc và ước mơ, chị cười hiền: “Nhiều lúc bới tìm được những bộ đồ đẹp, tôi thường mang về giặt ủi thơm tho cho các con dùng. Nhìn hai đứa con khôn lớn từng ngày lại thấy vui lắm. Nay một đứa đang học ngành công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam (cơ sở Đắk Lắk). Các con muốn ra bãi rác phụ giúp mẹ nhưng tôi không cho. Mình vất vả và chỉ mong sau này các con đổi đời, công thành danh toại”.

Mỗi xe rác đáp bãi, người nhặt rác mong chờ với hy vọng tìm bới được nhiều thứ có thể bán để mưu sinh.

2. Cũng đến từ thôn 8 (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột), niềm vui công việc của chị Phùng Thị Hồng Phượng cũng là mong mỏi chung của những người theo nghề lượm rác, đó là nhặt được càng nhiều rác càng tốt. 10 năm bươn chải mưu sinh đã tập cho chị nếp quen thoăn thoắt, nhanh nhẹn trong việc thu gom, phân loại. Áo quần, chai lọ, đồ đạc còn dùng được chị sẽ để riêng mang về nhà; các loại túi nilon, nhôm nhựa, đồng nát được gom vào tấm vải rộng chừng 4 m2. Khi đã đủ rác, chị Phượng nhanh chóng buộc bốn góc vải, đội “hàng hóa” lên đầu rồi di chuyển về phía xe thu gom phế liệu đang đợi sẵn.

Rác ngập trong rác, mùi hôi nồng nặc nhưng nhờ có rác, chị Phượng mới có thể nuôi ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học, trong đó có cô con gái đầu đang là sinh viên năm 3 của Trường Đại học Văn Hiến (TP. Hồ Chí Minh). Để cùng các con thực hiện ước mơ vươn xa, chị Phượng phải tăng thời gian, cường độ làm việc nhiều hơn trước. Khổ nhất là làm đêm, chị Phượng và những người cùng nghề phải căng mắt quan sát, tìm kiếm rác dưới ánh đèn mờ nhạt. Những tai nạn nghề nghiệp như trượt té, đứt tay đứt chân… trở thành chuyện thường ngày. Nhìn về phía xa xăm, người mẹ ấy tâm tình: “Đời mình vất vả rồi, chỉ trông chờ vào các con khôn lớn, trưởng thành. Con là động lực để mẹ cha cố gắng, chỉ mong các con chăm chỉ học hành, được sải bước đi trên những con đường tươi sáng, không nhọc nhằn, vất vả trên con đường rác mà cha mẹ đã và đang đi”.

Nhắc đến các con, đôi mắt chị Huyền rạng ngời hạnh phúc. Hạnh phúc khi con cái hiếu thuận, chăm ngoan, thấu hiểu nỗi khổ cực của bố mẹ mà nỗ lực học hành, chưa bao giờ ngại ngùng hay xấu hổ, thậm chí còn tự hào khi kể với chúng bạn rằng mẹ làm nghề nhặt rác.

3. Không chỉ có chị Huyền, chị Phượng, ở bãi rác Hòa Phú, chúng tôi còn được gặp gỡ nhiều mảnh đời thăng trầm đến từ thôn 8, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột). Cái tên thôn 8 được nhắc nhiều lần đã thôi thúc chúng tôi tìm về, đây từng là địa bàn có bãi tập kết rác của thành phố. Bãi rác vận hành năm 1999, đóng cửa năm 2020 và chuyển về xã Hòa Phú.

Nghề nhặt rác vất vả và không ít hiểm nguy.

Thôn 8 cách trung tâm thành phố chừng 5 km, đất đai khá khô cằn. Nắng tháng Ba Tây Nguyên như muốn thiêu khô từng ngọn cây, bụi cỏ. Ông Bùi Văn Hiện, Trưởng thôn 8 đã thuộc nằm lòng khi nói về địa bàn mà ông đã gắn bó hàng chục năm. Thôn 8 có khoảng 900 hộ dân với trên 3.700 nhân khẩu, đa số là bà con người Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An vào sinh cơ lập nghiệp. Từ khi bãi rác Cư Êbur được hình thành, nhiều gia đình ở các tổ liên gia 1, 2, 3, 4 và 5 đã chọn nơi đây để mưu sinh, thoát nghèo khó. Khi bãi rác Cư Êbur ngừng hoạt động, nhiều hộ dân thôn 8 tiếp tục về Hòa Phú để làm nghề.

Hai bãi rác cũ và mới đã tạo cơ hội mưu sinh cho nhiều hộ dân, dù biết rằng công việc ấy lắm gian khổ, vất vả và cả hiểm nguy. Ví như gia đình bà Nguyễn Thị Hương, chịu khó bươn chải đủ công việc, trong đó nhọc nhằn với cả nghề nhặt rác mà tích góp được chút vốn liếng mua đất, cất nhà, nuôi các con ăn học. Hay bà Trần Thị Nhung cũng từ việc chắt chiu, nhặt nhạnh từng đồng, nay đã mở được quán tạp hóa nhỏ. Gia đình ông Lê Thanh Tùng từng là một trong những hộ khó khăn của thôn, nay đã thoát nghèo, sắm được chiếc xe ô tô cũ để làm kế sinh nhai mới. Ông Nguyễn Hồng Phong cùng vợ từng làm đủ thứ nghề, người vợ chịu thương chịu khó những khi nông nhàn cũng năng nhặt kiếm thêm thu nhập, nay tích góp xây dựng được căn nhà khang trang đúng như mong ước.

Những được - mất hôm nay của những người đã và đang làm nghề nhặt rác gắn liền với công sức, sự cần cù, mồ hôi, nước mắt, thậm chí là sự đánh đổi cả một đời. Giữa bãi rác ngổn ngang, nồng nặc bụi bẩn và mùi hôi vẫn luôn có những con người miệt mài kiếm sống. Họ không chỉ nhặt rác mà chắt chiu, ấp ủ, ươm mầm cả những ước mơ, những hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, được sống một cuộc đời khác với những đổi thay tích cực cho chính bản thân, gia đình và người thân yêu.

Nguồn: https://baodaklak.vn/phong-su-ky-su/202504/doi-rac-bai-cuoi-98e0590/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm