Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đòn bẩy từ chương trình, tạo sức bật trong giảm nghèo bền vững

STO - Khi câu chuyện giảm nghèo bền vững tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) không còn gói gọn trong sự phấn đấu của cá nhân, gia đình mà mở rộng ra có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, khi đó tác động tích cực đến từng gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hộ dân ý thức được rằng, khi được trao “cần câu” thì đó là cơ hội để cuộc sống gia đình sang trang mới và con đường thoát nghèo bền vững sẽ không còn xa nữa.

Báo Sóc TrăngBáo Sóc Trăng27/05/2025

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 là một trong những chương trình mang đến sự ấm no và cuộc sống mới cho người dân huyện Cù Lao Dung. Điều đó được minh chứng bởi số hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm đáng kể. Năm 2021, số hộ nghèo toàn huyện 402 hộ, tỷ lệ 2,49%; số hộ cận nghèo 1.252 hộ, tỷ lệ 7,76%. Đến cuối năm 2024, hộ nghèo chỉ còn 124 hộ, đạt tỷ lệ 0,73% (giảm 278 hộ nghèo, giảm 1,76%); hộ cận nghèo là 480 hộ, đạt tỷ lệ 2,84% (giảm 772 hộ cận nghèo, giảm 4,92%).

Theo đồng chí Võ Thanh Nhanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng, sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của sở, ngành, sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, sự phối hợp các ngành, chính quyền địa phương nên công tác thực hiện các chỉ tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ, có sự phân công trách nhiệm từ ban chỉ đạo các cấp và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc thực hiện tốt các nhóm chính sách đã giúp cho người nghèo trên địa bàn, đặc biệt là người nghèo dân tộc thiểu số giảm bớt khó khăn, có điều kiện để tiếp nhận các dịch vụ xã hội, từng bước nâng cao nhận thức, tiếp thu khoa học kỹ thuật áp dụng vào cuộc sống và lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Cùng với việc thực hiện chương trình, huyện cũng đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông vùng nông thôn, điều đó đã tác động tích cực đến đi lại, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế của hộ dân.

Giao thông nông thôn tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) được đầu tư xây dựng. Ảnh: NGỌC HẢI
Giao thông nông thôn tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) được đầu tư xây dựng. Ảnh: NGỌC HẢI

Được biết, tổng vốn thực hiện chương trình trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025 là 11.648,587 triệu đồng. Huyện đã giải ngân 10.981,159 triệu đồng, đạt 93,3% kế hoạch vốn. Từ nguồn vốn này, huyện tập trung triển khai đồng bộ 5 dự án: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình, trong đó nguồn vốn giải ngân cao nhất vào dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với số tiền 6.751,387 triệu đồng. Trong hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình giảm nghèo, địa phương rót vốn vào 33 mô hình (chăn nuôi bò sinh sản, nuôi bò vỗ béo, nuôi heo rừng lai, heo siêu nạc, nuôi dê sinh sản, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi vịt xiêm Pháp, nuôi lươn không bùn) tại các xã, thị trấn, có 360 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thụ hưởng. Nhờ sự “tiếp sức” này, hộ dân giảm được chi phí đầu tư, gia tăng lợi nhuận chăn nuôi và còn nguồn vốn xoay vòng cho đợt nuôi tiếp theo.

Cũng từ chương trình này, đã giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lực lượng lao động nhàn rỗi tại địa phương. Theo đó, các xã, thị trấn cũng như cấp huyện thường xuyên tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động. Tính từ năm 2021 đến nay đã có trên 11.200 lao động được giới thiệu việc làm; đưa 138 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đưa 60 lao động đi học tập, làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cũng đã mở 143 lớp dạy nghề ngắn hạn (gồm 92 lớp phi nông nghiệp, 51 lớp nông nghiệp), với trên 4.300 học viên, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50,01%.

Không chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế hộ gia đình, cũng trong chương trình này đã thực hiện làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi tại các xã; trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được đến trường đúng độ tuổi. Theo đó, về cải thiện dinh dưỡng, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện triển khai thực hiện công tác tiếp cận với các đối tượng và can thiệp trực tiếp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Kết quả thực hiện có gần 2.500 lượt trẻ em cần đánh giá dinh dưỡng, gần 650 lượt phụ nữ có thai được tư vấn về dinh dưỡng, gần 1.000 lượt bà mẹ được tư vấn dinh dưỡng, 650 trẻ em suy dinh dưỡng được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành và các đơn vị trường học nên trẻ em thuộc hộ nghèo đi học đúng độ tuổi đạt tỷ lệ 95%, đạt chỉ tiêu kế hoạch.

Vợ chồng anh Thạch Dương, ấp Sơn Ton, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đồng lòng vượt khó. Ảnh: NGỌC HẢI

Huyện cũng đẩy mạnh truyền thông và giảm nghèo về thông tin; truyền thông về giảm nghèo đa chiều. Điều đó hướng đến thông tin về mục đích, ý nghĩa, nội dung, giải pháp của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về giảm nghèo, đồng thời giúp người dân, đặc biệt là người nghèo tiếp cận thông tin hữu ích để thoát khỏi cái nghèo. Nhờ tiếp cận những kiến thức mới trong phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng anh Thạch Dương, ấp Sơn Ton, xã An Thạnh 2 quyết tâm cao, chăm chỉ làm để thoát khỏi khó khăn. Để có được sự tự tin đó, có sự “góp sức” của tổ chức hội phụ nữ, cán bộ địa phương thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước luôn chăm lo, tạo động lực hộ dân thoát nghèo thông qua nhiều phương thức, trong đó, “trao chiếc cần câu - nguồn vốn vay” để hộ gia đình phấn đấu phát triển kinh tế.

Vợ chồng anh Dương có gần 6 công đất trồng màu. Bình quân 1 năm anh trồng được 4 vụ màu. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vợ chồng anh mạnh dạn thuê thêm 10 công đất để mở rộng diện tích trồng màu. Anh Dương bộc bạch: “Từ kiến thức, kinh nghiệm tích lũy, tôi trồng đa dạng cây màu: cải xanh, xà lách, bầu, bí, dưa leo, dưa gang… vì cây này mất giá cũng còn cây kia bán được giá hơn. Bình quân mỗi năm gia đình tôi thu được 100 triệu đồng. Nhờ vậy mà vợ chồng tôi cũng tích góp được số tiền cất căn nhà mới khang trang hơn”.

Để tiếp tục giảm nghèo bền vững, thời gian tới, huyện Cù Lao Dung sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong đó nhân rộng những mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách, nhất là các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia.

NGỌC HẢI

Nguồn: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/202505/don-bay-tu-chuong-trinh-tao-suc-bat-trong-giam-ngheo-ben-vung-5bf207d/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm