Trong bài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết nhấn mạnh: “Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm nhưng độc lập thực sự nhất thiết phải gắn với thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đây là vấn đề nguyên tắc nên ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý chí bảo vệ độc lập dân tộc luôn song hành với ý chí đấu tranh thống nhất nước nhà”.
Đánh giá về ý nghĩa, bài học của Chiến thắng 30-4-1975, ấn phẩm giới thiệu bài viết “Đại thắng mùa Xuân 1975-bài học đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” của Đại tướng, Tiến sĩ Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, trong bối cảnh tình hình hiện nay, những bài học của Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đề cập tới việc phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để nâng cao vị thế Việt Nam, bà Tôn Nữ Thị Ninh (Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Quá trình đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris năm 1973 để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có ý nghĩa to lớn trong tình hình hiện nay, trong đó có bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.
Chiếm phần lớn dung lượng trong số báo đặc biệt là những câu chuyện, ký ức một thời được những người trong cuộc kể lại. Đó là “Chuyện về 11 cô gái sông Hương”, vào đêm 11-2-1968, 11 họng súng nóng bỏng căm thù của 11 nữ du kích đã nã tới tấp những loạt đạn chính xác vào đội hình địch, quật ngã 25 tên đi đầu, ghìm chân cả tiểu đoàn lính Mỹ.
Bạn đọc được biết tới hình ảnh quyết tử của Anh hùng LLVT nhân dân Đoàn Đức Thái (Trung đoàn 271) trong bài “Quyết tử bên hàng rào thứ tám”. Khi tổ bộc phá lần lượt đánh bung bảy lớp hàng rào của địch, đến lớp hàng rào thứ tám, Đoàn Đức Thái quyết định ôm ống bộc phá cho khỏi trôi xuống chân dốc rồi dùng tay giật nụ xòe. Chớp lửa từ quả bộc phá dài 1m đã quét sạch hàng rào để đồng đội xông lên, còn cơ thể anh thì hòa tan vào đất mẹ...
“Vào dinh Độc Lập khi áo còn thấm máu” là hình ảnh Chính trị viên Nguyễn Hữu Cử ở Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203. Nhân vật kể lại những lần bị thương nhưng vẫn cùng đồng đội chiến đấu; về kỷ niệm quanh bức ảnh đen trắng do một phóng viên nước ngoài chụp ông trong ngày 30-4-1975 tại dinh Độc Lập. Đó là một gương mặt gầy gò, hốc hác, trên đầu và cánh tay còn vết máu chưa khô.
Trong “Khúc tráng ca từ chuyến phà cảm tử”, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đăng Chế, nguyên Trưởng phà Bến Thủy, kể về những ngày cuối năm 1972, ông và 4 đồng đội đã tình nguyện thực hiện chuyến phà cảm tử để phá 48 quả bom từ trường dưới lòng sông Lam. Lễ xuất quân cũng chính là "lễ truy điệu sống" được tổ chức cho ông và các đồng đội...
Đại tá Nguyễn Văn Trịnh, nguyên Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 550 kể về việc ông từng tham gia 3 trận đánh tiến công giải phóng ở cả 3 cấp đô thị. Cuộc đời chiến đấu với nhiều lần bị thương, nhưng ông không làm chế độ thương binh, bởi theo lời khuyên của một cán bộ cấp trên: “Chúng ta là chỉ huy, còn chỉ huy được bộ đội thì đừng bận tâm đến mấy vết thương xoàng”.
PGS, TS Phạm Thành Hưng có bài viết "Đêm hòa bình đầu tiên, Hà Nội không ngủ!". Tác giả từng là sinh viên nhập ngũ vào Sư đoàn 308, năm 1973, do bị thương nên ông phải giải ngũ, trở về trường đại học học tiếp. Hơn 10 thương binh lớp Văn được ở chung một phòng trong ký túc xá để tiện giúp nhau. Đêm 30-4-1975, cả “phòng thương binh” dìu nhau đi bộ ra Bờ Hồ mừng chiến thắng. “Đường từ ký túc xá đến Bờ Hồ dài 12km mà lúc này chúng tôi vẫn thấy ngắn. Những thương binh chống nạng lóc cóc bám theo đoàn, không cần người cõng. Đã từng đeo ba lô lội suối trèo đèo, vượt Trường Sơn hàng nghìn cây số là để có đoạn đường mừng chiến thắng này đây. Chục cây đi đường nhựa thì có sá gì”.
Ấn phẩm cũng giới thiệu những đóng góp quan trọng của một đội ngũ vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu. Đó là nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý-một lý tưởng sống cao đẹp; là nhà báo Trần Mai Hưởng, người chụp bức ảnh lịch sử “Xe tăng Quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30-4-1975”... Trong bài “Thạch Kim, Thạch Nhọn”, độc giả được biết tới nguyên mẫu nhân vật trong bài thơ "Gửi em, cô thanh niên xung phong" của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ngoài kỷ niệm trong lần suýt bị kỷ luật ở chiến trường Đồng Lộc vì "dám nói dối Thạch Kim là Thạch Nhọn", cựu thanh niên xung phong Lê Thị Nhị còn kể về lần bà ra Hà Nội thăm nhà thơ Phạm Tiến Duật khi ông đang nằm trong bệnh viện; khi nhà thơ Phạm Tiến Duật rời cõi tạm, bà đã khăn gói ra Hà Nội, đứng lẫn trong dòng người tiễn đưa mà nước mắt lưng tròng. Lòng bà nghẹn lại vì vừa tiễn biệt một người tri kỷ, một phần của ký ức tuổi trẻ hào hùng...
Ấn phẩm đặc biệt còn có ghi chép, phỏng vấn, tùy bút, hình ảnh, tư liệu... của các tác giả là tướng lĩnh, chuyên gia, nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ; bài cộng tác của các tác giả trong và ngoài nước.
Báo Quân đội nhân dân số đặc biệt gồm 100 trang, nội dung phong phú, trình bày đẹp, giá bán: 4.200 đồng, phát hành ngày 28-4-2025. Mời độc giả tìm đọc, đặt mua tại các bưu điện hoặc đại lý phát hành báo chí trên toàn quốc.
QĐND
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.
Nguồn: https://baodaknong.vn/don-doc-bao-quan-doi-nhan-dan-so-dac-biet-so-23003-phat-hanh-ngay-28-4-2025-250506.html
Bình luận (0)