Tháng 3/2023, gia đình chị Triệu Thị Niên, thôn Bằng Anh, xã Tân Dân (TP Hạ Long) được vay 70 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển mô hình nuôi gà thương phẩm. Từ mô hình này, đến nay sau 2 năm, gia đình chị Niên đã có một trang trại gà quy mô chăn nuôi hơn 1 vạn con mỗi năm. Với giá bán trung bình khoảng 200.000 đồng/con, mỗi năm, gia đình chị cũng có nguồn thu hơn 200 triệu đồng. Chị Niên cho biết: Khi được cán bộ HND xã phổ biến về chương trình vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình tôi đã đăng ký và được phê duyệt cho vay. Nhờ nguồn vốn này, gia đình tôi đã đầu tư thêm con giống, thức ăn chăn nuôi. Hiện tại gia đình đang có kế hoạch hoàn trả vốn vay.
Cùng với việc tạo điều kiện về nguồn vốn, HND các cấp cũng hướng dẫn các hội viên, nông dân là người DTTS quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây, con để các mô hình kinh tế phát huy hiệu quả; như gia đình anh Bế Văn Lỵ, thôn Hồng Phong, xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên). Trong quá trình phát triển mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên, anh đã được HND huyện hướng dẫn quy trình chăm sóc gà theo hướng sử dụng thức ăn tự nhiên, kết hợp chăn thả vườn đồi để nâng chất lượng đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, những lứa gà của gia đình anh khi xuất bán luôn được thương lái ưu tiên lựa chọn và có đầu ra bền vững. Hiện mỗi năm anh xuất bán khoảng hơn 1 vạn con gà, cho thu nhập từ 350-500 triệu đồng.
Đặc biệt, các cấp Hội cũng đồng hành cũng bà con vùng khó trong việc phát huy thế mạnh địa phương để phát triển các mô hình kinh tế, cải thiện thu nhập. Thông qua sự động viên của HND xã, gia đình chị Trần Thị Hạnh, thôn Tán Trúc Tùng, xã Quảng An (huyện Đầm Hà) đã mạnh dạn phát triển nghề ươm cây giống lâm nghiệp. Đáng chú ý, HND xã cũng hướng dẫn cho gia đình chị liên kết với các hộ cùng ngành nghề thành lập tổ hợp tác cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, nguồn cung, khách hàng. Hiện gia đình chị đang có một vườn ươm với năng lực cung ứng hơn 50 vạn cây giống mỗi năm. Với giá bán khoảng 800 đồng/cây, mùa trồng rừng đầu năm nay, gia đình chị cũng đã thu về được 160 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch HND tỉnh: Ngoài chú trọng cải thiện thu nhập, các cấp HND đã hướng dẫn, hỗ trợ nông dân vùng DTTS phát triển kinh tế gắn với xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho hội viên, nông dân vùng DTTS, miền núi, biên giới. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức 11 Hội nghị tuyên truyền chính sách, pháp luật với 610 hội viên tham gia; 99 buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 4.705 hội viên, nông dân; phát 500 cuốn tài liệu tự biên soạn, 100 đầu sách pháp luật cho các CLB Nông dân với pháp luật, 3.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật với nhiều nội dung ý nghĩa.
Sự tham gia của các cấp HND đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân vùng DTTS, miền núi, biên giới của tỉnh. Tính đến hết năm 2024, mức thu nhập bình quân ở khu vực này đạt trên 83,79 triệu đồng/người/năm. 100% hộ DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh và được bảo đảm hạ tầng truyền dẫn để xem truyền hình, nghe đài phát thanh quốc gia và tỉnh Quảng Ninh. 32/63 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đạt chuẩn NTM nâng cao và 13/63 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/dong-hanh-cung-nong-dan-vung-dtts-mien-nui-bien-gioi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-3355436.html
Bình luận (0)