Nhằm tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) phát huy tinh thần xung kích, đổi mới, sáng tạo trong khởi nghiệp, lập nghiệp, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi để ĐVTN phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo trong khởi nghiệp, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Những người đi tiên phong
Vào thời điểm năm 2014 - 2015, trên địa bàn huyện Tam Đảo xuất hiện tình trạng các thương lái đến thu mua cây trà hoa vàng với giá cao, khiến nguồn dược liệu quý có nguy cơ tuyệt chủng. Khi ấy, chàng thanh niên Nguyễn Đức Độ (sinh năm 1993), ở thôn Quan Ngoại, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo đang theo học tại Trường đại học Nông nghiệp (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã nuôi giấc mơ bảo tồn cây trà hoa vàng.
Đoàn viên Nguyễn Đức Độ với các sản phẩm từ trà hoa vàng do anh nghiên cứu, sản xuất
Sau khi ra trường, anh Độ trở về quê hương và bắt tay vào nghiên cứu cách trồng, chăm sóc cây trà hoa vàng. Vừa làm, vừa học hỏi, sau một thời gian, vườn trà hoa vàng của anh bắt đầu sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch lứa đầu.
Thấy hiệu quả, anh Độ quyết tâm mở rộng diện tích trồng lên 4.000 m2, đồng thời, hướng dẫn một số hộ tại địa phương kỹ thuật trồng cây để phát triển kinh tế gia đình. Nhạy bén với thị trường, khi thấy việc bán trà hoa vàng tươi không đem lại lợi nhuận cao, dễ xuất hiện tình trạng thương lái thu mua ép giá, năm 2017, anh Độ mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Trà hoa vàng Tam Đảo, chuyên sản xuất các sản phẩm từ trà hoa vàng.
Không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để tạo ra sản phẩm chất lượng như trà hoa vàng sấy nhiệt, trà hoa vàng sấy thăng hoa, trà túi lọc từ hoa và lá trà. Các khâu sản xuất đều được quản lý nghiêm ngặt, khép kín để đảm bảo giữ lại được những dưỡng chất trọn vẹn trong hoa, đem đến sự cải thiện tốt nhất cho sức khỏe con người.
Thời gian tới, công ty tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất nhiều sản phẩm từ trà hoa vàng gắn với việc bảo tồn nguồn dược liệu quý này và quảng bá, phát triển du lịch địa phương.
Nhận thấy nhu cầu sửa chữa xe ô tô của người dân ngày càng tăng cao, năm 2020, anh Khương Khắc Quân, sinh năm 1992, ở xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương đã thành lập Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Pro Car hoạt động trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô.
Xưởng sửa chữa, bảo dưỡng xe tô tô của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Pro Car (xã Hoàng Hoa, Tam Dương) do đoàn viên Khương Khắc Quân làm Giám đốc được đầu tư hệ thống máy móc chuyên nghiệp, hiện đại. Ảnh: Dương Chung
Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, với những nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao chất lượng và tinh thần phục vụ, công ty đã nhanh chóng khẳng định thương hiệu, được nhiều khách hàng trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận tin tưởng.
Anh Quân cho biết: “Nhà xưởng của công ty có quy mô 1.500 m2 với hệ thống máy móc hiện đại, chuyên nghiệp và đội ngũ kỹ thuật viên trình độ cao, đáp ứng tốt mọi nhu cầu khách hàng. Bên cạnh những nỗ lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty luôn chú trọng thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước của địa phương như tặng quà học sinh nghèo hiếu học, xây dựng tuyến đường kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh, tặng quà Tết cho hộ nghèo; tặng bò giống cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…”.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên
Là lực lượng trẻ, nhiệt huyết, sáng tạo với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ĐVTN trên địa bàn tỉnh luôn phát huy tinh thần xung kích trong khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.
Đoàn viên Ngô Tất Đạt ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo đầu tư mô hình nuôi thỏ thương phẩm với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Dương Chung
Để đồng hành, tạo môi trường thuận lợi cho ĐVTN trong khởi nghiệp, lập nghiệp, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động như hỗ trợ vốn; tập huấn kiến thức khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp...
Toàn tỉnh đã thành lập được 9 câu lạc bộ khởi nghiệp cấp huyện và 90 câu lạc bộ khởi nghiệp cấp xã, tạo môi trường để ĐVTN trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp, kết nối các quỹ đầu tư, tổ chức, đơn vị hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của thanh niên.
Đến nay, số lượng vốn đã hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp của ĐVTN do tổ chức Đoàn quản lý, liên kết hoặc kết nối là hơn 240 tỷ đồng... Các hoạt động hỗ trợ được triển khai hiệu quả đã tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy, hỗ trợ ĐVTN trên địa bàn tỉnh trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của đoàn viên Trần Duy Đoan ở xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Dương Chung
Nhằm tiếp tục “chắp cánh” cho các ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp của ĐVTN, ngày 7/12/2023, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Phát huy tinh thần và hỗ trợ thanh niên Vĩnh Phúc khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2023 - 2027”.
Thực hiện đề án, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương triển khai đa dạng, hiệu quả hoạt động hỗ trợ, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế của ĐVTN trong quá trình khởi nghiệp như tổ chức hoạt động tư vấn, đào tạo, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp.
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn, các nhà đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do thanh niên làm chủ; xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển các kênh tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên…
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thanh niên phát huy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp; chú trọng tìm kiếm và phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên; phối hợp tham mưu hình thành các cơ chế hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp thanh niên khởi nghiệp…
Lê Mơ
Nguồn
Bình luận (0)