Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Du lịch An Giang vươn tầm

“An Giang còn rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch (DL) trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, làm cho ngành DL có đóng góp lớn hơn cho ngân sách, phát triển kinh tế địa phương. DL tâm linh, DL lịch sử, DL sinh thái, DL sông nước, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, DL cộng đồng, khám phá và trải nghiệm... còn rất nhiều dư địa phát triển” - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhấn mạnh.

Báo An GiangBáo An Giang09/05/2025

Phát triển du lịch đường sông

Khai thác tiềm năng

Là tỉnh ở đầu nguồn biên giới Tây Nam, An Giang được thiên nhiên ban tặng những nét riêng độc đáo: Núi non hùng vĩ, rừng bạt ngàn hiện lên giữa đồng bằng trải rộng, hòa quyện với 2 dòng sông Tiền, sông Hậu, cùng hệ thống sông, rạch chằng chịt. Tỉnh có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc văn hóa gắn với truyền thống văn hóa, tập tục lễ hội. Cùng nhiều địa điểm mang đậm nét DL tín ngưỡng, sinh thái, cộng đồng, món ăn đặc sản... tạo nên giá trị vật thể và phi vật thể, mang lại sức hấp dẫn đối với du khách. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp chia sẻ: “So các địa phương khác, An Giang có nhiều tiềm năng phát triển DL với lợi thế khác biệt rõ nét về mặt địa hình. Chính sự khác biệt này tạo thuận lợi để tỉnh phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Nhiều điểm nổi tiếng có mặt trên bản đồ DL, như: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Khu DL quốc gia Núi Sam, Khu DL Núi Cấm, Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (di tích cấp quốc gia đặc biệt); lăng Thoại Ngọc Hầu; dãy Thất Sơn hùng vĩ, với tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm được công nhận kỷ lục Châu Á; Khu Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê; Khu DL sinh thái từng tràm Trà Sư, đồi Tức Dụp... Cùng lễ hội Búng Bình Thiên, đua bò Bảy Núi; những ngôi chùa của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, nhà sàn đầy màu sắc, ngôi đền Hồi giáo cổ kính của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm…

Toàn tỉnh có di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận (Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam), di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ); 8 bảo vật quốc gia; 8 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 90 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 60 di tích cấp tỉnh). Tỉnh đang đẩy nhanh tiến trình UNESCO công nhận Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là di sản văn hóa thế giới.

An Giang còn có khoảng 116 lễ hội truyền thống, 2 lễ hội văn hóa cấp tỉnh với nhiều hình thức tổ chức phong phú, đa dạng. Cùng với 88 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt. An Giang hiện có 100 cơ sở lưu trú DL, trong đó có 67 cơ sở được xếp hạng; 26 công ty lữ hành; 6 khu, điểm DL được công nhận…

Khách quốc tế du lịch trải nghiệm

Định hướng phát triển

Đến nay, An Giang đa dạng hóa sản phẩm, phát triển loại hình DL gắn với lễ hội, văn hóa, thể thao truyền thống và hiện đại, DL nghỉ dưỡng… Tỉnh phát triển “ngành công nghiệp không khói”, khai thác lợi thế sẵn có, phát triển DL tâm linh, DL sinh thái kết hợp trải nghiệm, nghỉ dưỡng…, thu hút du khách, như: Biểu diễn dù lượn, diều lượn, khinh khí cầu, trekking núi Cấm, đêm nhạc acoustic trên núi Cấm... Cùng các loại hình DL nông nghiệp, DL sinh thái thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế: DL cộng đồng xã Châu Phong gắn với làng nghề dệt thổ cẩm Châu Giang - Đa Phước, làng nuôi cá bè tại ngã ba sông Châu Đốc, DL nông nghiệp tại xã Văn Giáo gắn với làng nấu đường Thốt Nốt - rừng tràm Trà Sư và nghe nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer, DL mùa nước nổi Láng Linh…

Những năm qua, với nhiều nỗ lực khai thác tiềm năng, thế mạnh về dịch vụ, sản phẩm DL của An Giang từng bước được khẳng định, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hoạt động của ngành DL ngày càng đi vào nề nếp, khách DL đến An Giang liên tục tăng, đưa DL trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

An Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm DL văn hóa, tâm linh, sinh thái của vùng. Tập trung phát triển các khu DL trọng điểm: Khu Di tích quốc gia đặc biệt, Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, Khu DL quốc gia Núi Sam; Khu DL Núi Cấm, Khu DL Núi Sập; không gian phát triển DL Cù Lao Giêng. Phương án sáp nhập tỉnh An Giang - Kiên Giang sẽ thúc đẩy DL lên tầm cao mới, trở thành điểm DL sôi động nhất nhì cả nước.

Năm 2023, An Giang đón 8,5 triệu lượt khách DL (tăng 13% so cùng kỳ), doanh thu từ DL 5.900 tỷ đồng. Năm 2024, tỉnh đón khoảng 9,1 triệu lượt khách tham quan. Quý I/2025, khoảng 4,1 triệu lượt khách đến với tỉnh, doanh thu 4.700 tỷ đồng (tăng 4,4% cùng kỳ). Từ ngày 30/4 - 4/5/2025, tỉnh đón trên 315.000 lượt khách tham quan, trên 7.000 lượt khách lưu trú, trong đó có gần 300 lượt khách quốc tế.

HẠNH CHÂU

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/du-lich-an-giang-vuon-tam-a420412.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm