Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đưa sân khấu đến với học sinh Hà Nội:

Sau 3 năm thí điểm, đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030” (gọi tắt là đề án Sân khấu học đường) đã đạt được hiệu quả đáng khích lệ.

Hà Nội MớiHà Nội Mới13/04/2025

Chặng đường tiếp theo đặt trên vai giới sân khấu Hà Nội là phải phát triển toàn diện hơn, góp phần xây đắp tình yêu văn chương và nghệ thuật cho thế hệ trẻ Thủ đô.

san-khau.jpg
Vở diễn “Chuyện thằng Bờm” hay “Nắm xôi kỳ diệu” của Nhà hát Chèo Hà Nội dành cho đề án Sân khấu học đường.

Sôi nổi hòa quyện văn học và sân khấu

Dù vở diễn “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường” lấy cảm hứng từ kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du hay vở “Tinh thần thể dục” chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan đang khuấy động tại các trường học, song Nhà hát Kịch Hà Nội vẫn hào hứng dàn dựng thêm các tác phẩm mới "gối đầu" cho sân khấu học đường Thủ đô.

Đáng nói, vở diễn nào cũng được giới trẻ Thủ đô nhiệt tình đón nhận. Như vở “Lời bà kể”, dựa trên 2 câu chuyện trong chương trình tiểu học “Mồ Côi xử kiện” và “Cây nêu ngày Tết”, đã tạo “sóng” suốt năm 2024 nhờ lối kể chuyện dí dỏm, vừa đậm chất dân gian vừa bắt “trend” đời sống học đường, thì đầu năm 2025, Nhà hát Kịch Hà Nội tiếp tục ra mắt vở “Người con gái Nam Xương” dựa theo truyện “Chuyện người con gái Nam Xương” trong tập “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ. Tác phẩm nhanh chóng được đưa đến các trường trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội, nhận được hưởng ứng tích cực.

Thưởng thức vở “Lời bà kể” của Nhà hát Kịch Hà Nội, em Nguyễn Quỳnh Khánh An, học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm) bày tỏ: “Đây đều là những câu chuyện em đã được đọc, được học, nhưng khi xem biểu diễn trên sân khấu, em cảm nhận sâu sắc hơn tính trào phúng cũng như ý nghĩa nhân văn của các tác phẩm. Em mong được xem thật nhiều vở kịch như thế nữa để bồi đắp tình yêu với kho tàng văn học giàu có của đất nước mình”.

Sau vở diễn “Cánh diều làng Vũ Đại” cảm tác từ truyện “Chí Phèo” của Nam Cao, Nhà hát Chèo Hà Nội lại ghi dấu ấn với vở chèo “Chuyện thằng Bờm” hay “Nắm xôi kỳ diệu” dựa trên truyện thơ dân gian “Thằng Bờm”. Tác phẩm đã đạt Huy chương vàng Liên hoan Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên và nhi đồng lần thứ nhất năm 2024 và phục vụ hàng ngàn học sinh suốt năm qua.

Đặc sắc và ấn tượng hàng đầu là vở nhạc kịch “Giấc mơ Chí Phèo” của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học kinh điển “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Vở diễn đem đến góc nhìn mới về nhân vật Chí Phèo, đồng thời, sự kết hợp giữa yếu tố lãng mạn, sân khấu broadway hiện đại khiến các em yêu thích và dễ cảm thụ. Nhà hát Cải lương Hà Nội đầu tư dàn dựng vở “Kiều” từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, để giới thiệu môn nghệ thuật cải lương đặc sắc của dân tộc…

Triển khai đồng loạt, toàn diện

Theo báo cáo của Nhà hát Kịch Hà Nội, trong 3 năm triển khai đề án Sân khấu học đường do UBND thành phố phê duyệt, đơn vị đã dàn dựng 5 tác phẩm, thực hiện thành công 172 buổi biểu diễn tại rạp và tại các trường học, cho khoảng 80.000 học sinh Hà Nội. Các đơn vị nghệ thuật của Hà Nội cũng tổ chức nhiều buổi biểu diễn, đưa các loại hình sân khấu như chèo, cải lương, xiếc, múa rối đến hàng chục ngàn học sinh Thủ đô.

Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội nhận định, việc thực hiện đề án Sân khấu học đường mang tính nhân văn lớn, tạo dựng niềm yêu thích văn học, nghệ thuật, đem lại những bài học nhẹ nhàng, sâu sắc cho học sinh. Đề án vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn thành phố, vừa trực tiếp góp phần thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường học, đồng thời tạo nguồn khán giả trẻ cho sân khấu, góp phần gìn giữ các bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Tuy nhiên, theo Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, việc triển khai đề án gặp một số vướng mắc. Các tác phẩm văn học trong nhà trường nhiều và đa dạng, nhưng không phải tác phẩm nào cũng phù hợp chuyển thể sân khấu. Kịch bản hay để các nhà hát dàn dựng cho đề án rất khan hiếm.

Nghệ sĩ ưu tú Trần Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng bày tỏ, việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại sân khấu ngoài trời của các trường không bảo đảm hiệu quả cảm thụ, nhất là với nghệ thuật đặc thù như múa rối nước. Còn biểu diễn tại rạp thì không đáp ứng chỗ ngồi cho học sinh toàn trường…

Sau giai đoạn thí điểm, Đề án Sân khấu học đường sẽ triển khai giai đoạn 2025-2030, dự kiến mở rộng thực hiện tại 1.400-1.600 trường học trên địa bàn thành phố. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bạch Liên Hương xác định, việc thực hiện đề án phải được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Trong giai đoạn 2025 - 2030, đề án cần được triển khai mạnh mẽ, bài bản, đồng loạt và toàn diện, không chỉ ở các trường công lập mà cả khối dân lập; không chỉ kịch nói mà cả cải lương, chèo, múa rối...

Nguồn: https://hanoimoi.vn/dua-san-khau-den-voi-hoc-sinh-ha-noi-thach-thuc-toa-rong-va-toan-dien-698753.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Cận cảnh những giờ tập bền bỉ của các chiến sĩ trước đại lễ 30/4
TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4
36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm