Miền Bắc hoài cổ
Miền Bắc với Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - văn hóa, là cái nôi lưu giữ nhiều di sản văn hóa và lịch sử. Từ thuở các Vua Hùng dựng nước cho đến cả nghìn năm chống xâm lăng, miền Bắc luôn là đầu tàu chống lại sự đồng hóa của ngoại bang, giữ gìn bản sắc dân tộc Việt. Các tỉnh, thành ở miền Bắc vì thế thường mang những cái tên thể hiện sự cổ xưa, liên quan đến yếu tố tự nhiên, lịch sử hoặc các sự kiện văn hóa.
Ví dụ như cái tên Hà Nội. Sau khi lên ngôi, Vua Gia Long nhà Nguyễn đổi phủ Phụng Thiên (Đất kinh thành cũ Thăng Long) thành phủ Hoài Đức thuộc Tổng trấn Bắc Thành. Năm 1831, Vua Minh Mạng lại bỏ Bắc Thành và 11 trấn, thay bằng 29 tỉnh. Tỉnh Hà Nội ra đời và gồm có thành Thăng Long, phủ Hoài Đức (của Tây Sơn) và ba phủ Ứng Hòa, Thường Tín, Lý Nhân của trấn Sơn Nam. Hà Nội nghĩa là bên trong sông, vì được bao bọc bởi sông Hồng và sông Đáy, giao thông thủy bộ với các địa phương khác đều thuận tiện.
Hoặc như TP Hải Phòng, rất có khả năng cái tên xuất phát từ điều kiện lịch sử. Sau khi tham gia khởi nghĩa cùng Hai Bà Trưng, Nữ tướng Lê Chân lui về vùng đất này lập phòng tuyến tiếp tục chống giặc. Cái tên Hải Phòng có thể là gọi rút gọn cụm từ: “Hải tần phòng thủ” nghĩa là tuyến phòng thủ nơi cửa sông. Một số nhà nghiên cứu lại cho rằng Hải Phòng rút ngắn từ tên gọi của một cơ quan do Bùi Viện lập năm 1871 đời Tự Đức: Hải Phòng sứ hay đồn Hải Phòng.
Địa danh còn có thể bắt nguồn từ gốc gác rất xưa cũ. Ví như tỉnh Điện Biên là vùng đất cổ, vốn được gọi là Mường Thanh, từ chữ “Mường Then” nghĩa là Xứ trời (theo tiếng dân tộc Thái). Đây được xem là vùng đất thiêng ở miền biên viễn, theo quan niệm xưa, là nơi thông trời đất. Tên gọi Phủ Điện Biên, hay Điện Biên Phủ được đặt vào năm 1841, chữ “điện” hiểu theo nghĩa này nghĩa là vùng đất thiêng, là điện thờ, “biên” là ranh giới với nước khác.
Vì là vùng đất được hình thành sớm nhất, bất cứ tỉnh nào ở miền Bắc đều có những phong tục tập quán đã trao truyền qua nhiều thế hệ. Lễ hội miền Bắc thường chú trọng vào lễ nghi truyền thống, thường được tổ chức vào thời gian nghỉ ngơi giữa các dịp giao mùa. Có thể kể đến như hội Lim (Bắc Ninh), hội Cổ Loa (Hà Nội) hay hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng). Về ngôn ngữ, tiếng nói miền Bắc thường được coi là tiếng chuẩn, được sử dụng trong giáo dục và truyền thông, mang âm hưởng chuẩn mực.
Miền Trung giao thoa
Miền Trung nước ta kéo dài từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau, từ văn hóa Chămpa đến văn hóa cung đình Huế, là vùng đất có nhiều địa danh mang âm hưởng hùng vĩ của thiên nhiên và lịch sử bi tráng. Không được thiên nhiên ưu ái, miền Trung là nơi phải chịu nhiều ảnh hưởng khắc nghiệt của khí hậu. Sống ở vùng đất, mưa thì lũ lụt, nắng thì hạn hán, người miền Trung luôn lao động cần cù, mang trong mình sự cứng cáp và sức vượt khó kiên trì bền bỉ. Miền Trung còn đặc biệt ở chỗ dung nạp nhiều nền văn hóa như văn hóa Chăm hoặc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Vì thế, ngôn ngữ miền Trung đa dạng với nhiều giọng nói và phương ngữ khác nhau. Tiếng Huế nhẹ nhàng, trầm lắng, trong khi tiếng Quảng Nam, Quảng Ngãi lại mạnh mẽ, dứt khoát. Phong tục tập quán miền Trung cũng phong phú và độc đáo. Lễ hội cầu ngư, Lễ hội Katê của người Chăm, hay mới đây là Festival Huế và Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng là những điểm nhấn văn hóa đặc sắc.
![]() |
Huế cổ kính mà hiện đại. (Ảnh: Lê Hoàng) |
Miền Trung nổi bật với các địa danh mang âm hưởng của ngôn ngữ Chăm. Ví dụ Đà Nẵng có tên gọi được biến dạng của từ Chăm cổ Đaknan. “Đak” có nghĩa là nước, “nan” hay “nưn” là rộng. Đaknan hàm ý vùng sông nước rộng mênh mông ở cửa sông Hàn. Tương tự như thế, tên gọi các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông đều có nguồn gốc từ tiếng nói của các dân tộc anh em.
Tên gọi một số tỉnh, thành miền Trung cũng mang dấu ấn lịch sử. Thừa Thiên Huế là phủ Phú Xuân dưới thời Tây Sơn. Khi Vua Gia Long chia cả nước thành 23 trấn và 4 dinh, Thừa Thiên Huế ngày nay thuộc dinh Quảng Đức. Năm 1822, dinh Quảng Đức được Vua Minh Mạng đổi tên thành phủ Thừa Thiên. Từ năm 1831 - 1832, Vua Minh Mạng chia cả nước thành 31 đơn vị hành chính gồm 30 tỉnh và 01 phủ là Thừa Thiên.
Hoặc Bình Thuận, tỉnh lỵ cuối cùng của dải đất miền Trung về hướng Nam. Cái tên có từ năm 1697, khi chúa Nguyễn cho lập Bình Thuận Phủ gồm 2 huyện An Phước và Hòa Đa. “Bình” chỉ sự khai phá, bình định một vùng đất, “thuận” là sinh sống hòa thuận. Cổ nhân đặt tên này với mong muốn hai dân tộc Kinh và Chămpa đều yên ổn để phát triển.
Miền Nam năng động
Miền Nam, với trung tâm là TP Hồ Chí Minh, là vùng đất trẻ nhất trong ba miền, là biểu tượng của sự năng động và đa dạng. Khu vực này có nền văn hóa phong phú do sự giao hòa với nhiều dân tộc anh em. Vì thế mà ngôn ngữ miền Nam có giọng điệu thoải mái, dễ nghe, phản ánh tính cách phóng khoáng, cởi mở của người dân nơi đây. Phong tục tập quán miền Nam đơn giản, thực tế nhưng không kém phần đặc sắc. Lễ hội đua ghe Ngo, Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer, hay Lễ hội Đua bò Bảy Núi An Giang đều là những sự kiện văn hóa quan trọng.
![]() |
Thành phố Hồ Chí Minh năng động. (Ảnh: Pixabay) |
Tên các tỉnh, thành miền Nam thường mang âm hưởng của sự đổi mới và phát triển như Đồng Nai, Bình Dương, hoặc gắn liền với đặc điểm tự nhiên, lịch sử hoặc phiên âm từ ngôn ngữ của các dân tộc. Ví dụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là địa danh ghép bởi Bà Rịa và Vũng Tàu. Địa danh Bà Rịa là phiên âm tên nữ thần trấn sóng Chăm Po Riyak, hoặc cũng có thể được cấu tạo theo phương thức chuyển hóa từ tên người là bà Nguyễn Thị Rịa, có công lớn trong việc khai khẩn vùng rừng núi Đồng Xoài.
Tỉnh Bến Tre là cái tên tiêu biểu cho đặc điểm tự nhiên. Theo nhiều nghiên cứu, người Khơme gọi nơi đây là Xứ Tre vì các giồng xứ này tre mọc rất nhiều. Sau đó, người dân lập chợ buôn bán, gọi là chợ Bến Tre, nói tắt của “bến xứ tre”. Hoặc tỉnh Cà Mau là cái tên được hình thành do người Khmer gọi tên vùng đất này là: “Tưk Kha-mau” là nước đen, do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống làm đổi màu nước thành đen. Cà Mau có đầm lầy ngập nước, nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã, tạo nên sự đa dạng sinh học kỳ thú. Vì lẽ đó từ thuở xưa đã có câu ca dao: “Cà Mau là xứ quê mùa. Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu”.
Sáp nhập để phát triển
Sự khác biệt giữa ba miền Bắc - Trung - Nam, đều mang nét đẹp riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú cho văn hóa Việt Nam. Nhắc đến mỗi một địa danh trên mảnh đất hình chữ S, người ta đều có thể hiểu chính xác về phong tục tập quán cũng như những đặc trưng của vùng đất đó. Sắp tới đây, các địa danh của ba miền sẽ đứng trước những chuyển biến quan trọng.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 127 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với chủ trương sáp nhập tỉnh, xã và bỏ cấp huyện. Đối với cấp tỉnh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo ngoài căn cứ về quy mô dân số, diện tích, sẽ làm rõ vấn đề quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành. Một vấn đề quan trọng nữa cần tính đến nữa là việc mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng địa phương và yêu cầu, định hướng phát triển của giai đoạn mới.
Còn nhớ cách đây chưa lâu, năm 2008, việc sáp nhập tỉnh Hà Tây với Hà Nội đã là một thành công lớn. Hà Nội nâng diện tích lên tầm vóc của 17 thủ đô lớn nhất trên thế giới. Về văn hóa, Thủ đô đã mở rộng và ôm trọn trong mình hai vùng văn hóa lớn là Tràng An và xứ Đoài. Nhìn lại lịch sử, hai vùng đất luôn có những nét tương đồng, gắn bó và bổ trợ nhau. Hà Nội và Hà Tây cũ thực chất như một, gắn kết với nhau, Hà Tây cũ luôn là phên dậu, là cửa ngõ của Kinh đô Thăng Long. Đã 17 năm không còn cái tên, nhưng những nét đẹp trong văn hóa của vùng đất Hà Tây cũ vẫn được Hà Nội gìn giữ và phát huy. Thăng Long và “xứ Đoài mây trắng” bổ sung cho nhau để vươn tới tầm cao, đạt tới giá trị tinh hoa đích thực, tạo thành giá trị văn hóa Thủ đô.
Chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp lần này hướng tới mục tiêu lớn của đất nước. Đây là việc làm đúng đắn, hợp lòng dân, có tầm nhìn chiến lược hàng trăm năm. Việc đặt tên một tỉnh sau sáp nhập cần phải thể hiện sự tiếp nối truyền thống, kết nối văn hóa của những cộng đồng dân cư trên địa bàn địa phương đó. Và câu chuyện Hà Nội sáp nhập Hà Tây 17 năm trước đáng để chúng ta hy vọng.
Nguồn: https://baophapluat.vn/dung-hoa-va-phat-huy-su-khac-biet-cua-moi-vung-mien-post545149.html
Bình luận (0)