Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gần dân và vì dân

“Nhân dân” đã trở thành từ khóa được nhắc nhiều lần nhất trong phát biểu của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương trong suốt ngày hội “Sắp xếp lại giang sơn” hôm qua 30/6.

VietNamNetVietNamNet01/07/2025

Khắp nơi vang vọng tiếng Dân

Cũng phải thôi, cuộc cải cách bộ máy rộng lớn và sâu sắc chưa từng có này hướng tới xây dựng một chính quyền “gần dân” để thực hiện sứ mệnh “của dân, do dân và vì dân”. 

Ai cũng xuất thân từ dân và cũng trở về với dân, vậy mà không phải ai cũng vì dân khi còn ngồi trên ghế quyền lực.

Cho nên, cần nhắc lại hoàn cảnh trên, nhất là khi từ khóa “Nhân dân” xuất hiện liên tục khi cả nước chính thức đồng loạt vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp tại 34 tỉnh, thành phố.
Với việc loại bỏ cấp huyện trung gian, hệ thống chính quyền được tái thiết thành hai cấp: tỉnh và xã/phường, trong đó ó xã/phường là nơi gần dân nhất, xử lý trực tiếp nhất những yêu cầu sát sườn nhất của người dân và doanh nghiệp.

Tổng bí thư Tô Lâm nói: Quyết định "sắp xếp lại giang sơn" là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.

“Tôi kêu gọi các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, công chức, viên chức, người lao động hãy chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy và hành động, nắm bắt xu thế phát triển, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để hướng tới một nền hành chính phục vụ, hiện đại, minh bạch, của dân, do dân và vì dân”, ông nhấn mạnh.

Cuộc cải cách bộ máy rộng lớn và sâu sắc chưa từng có hướng tới xây dựng một chính quyền “gần dân” để thực hiện sứ mệnh “của dân, do dân và vì dân”. Ảnh: TTXVN

Tại TP.HCM, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Thước đo duy nhất đúng trong mọi cuộc cải cách là chất lượng sống của người dân.” Còn ở Thủ đô Hà Nội, Bí thư Bùi Thị Minh Hoài cam kết, bộ máy mới “phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp”.

Việc giảm bớt các đầu mối hành chính, đặc biệt là xóa bỏ cấp huyện trung gian, được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi căn bản. Hàng ngàn phòng ban, đơn vị và cơ sở vật chất không còn cần thiết sẽ được cắt giảm, tiết kiệm đáng kể chi phí công. Quan trọng hơn, là sẽ cắt bỏ vô số quy trình, thủ tục chồng chéo, giúp rút ngắn thời gian ra quyết định và triển khai chính sách một cách đáng kể.

Như vậy, cấp tỉnh sẽ đóng vai trò chiến lược trong hoạch định chính sách vĩ mô cho địa phương, trực tiếp chỉ đạo cấp cơ sở. Ngược lại, cấp xã/phường sẽ được trao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn, trở thành một cấp chính quyền hoàn chỉnh, trực tiếp giải quyết các vấn đề của người dân và doanh nghiệp theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". 

Mô hình này hứa hẹn một hệ thống chính quyền linh hoạt, phản ứng nhanh nhạy hơn với nhu cầu thực tiễn.

Dân vẫn còn bỡ ngỡ

Tuy nhiên, "cuộc đại phẫu" này cũng đi kèm với những thách thức và sự lo lắng, nhất là cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Dân thì lo nào căn cước công dân, sổ hồng, sổ đỏ, đăng ký xe cho đến khai học cho con. Doanh nghiệp thì lo nào chuyện giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư, tài khoản ngân hàng, hóa đơn, hợp đồng, địa chỉ... 

Doanh nghiệp và người dân lo lắng rằng, sự điều chỉnh đồng loạt này có thể gây gián đoạn ngắn hạn và phát sinh chi phí hành chính.

Bên cạnh đó, bộ máy chính quyền địa phương mới liệu có thích ứng ngay hay sẽ chậm trễ trong xử lý các hồ sơ quan trọng như đất đai, đầu tư, môi trường, xây dựng. 

Dù đã có các văn bản pháp lý hướng dẫn ban đầu, nếu không có chỉ đạo điều phối thống nhất từ trung ương và sự phối hợp hiệu quả từ chính quyền sở tại, giai đoạn đầu sau sáp nhập rất có thể làm trì hoãn các dự án hoặc gây tâm lý bất an cho nhà đầu tư. 

Cuộc cải cách rộng lớn hơn

Ở một góc độ khác, người ta hy vọng cuộc đại phẫu bộ máy không chỉ dừng lại ở cải cách hành chính mà còn là một cuộc cải cách chiến lược về mô hình phát triển, trong đó việc xác lập rõ ràng vai trò của Nhà nước và thị trường vốn lâu nay còn nhiều lúc mập mờ, chồng lấn.

Ngân hàng Thế giới từng tính toán, tài sản công của một quốc gia có thể gấp 4 lần GDP của quốc gia đó. Với nước ta, nguồn lực công có thể lên đến 2.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc Nhà nước tham gia nhiều vào hoạt động kinh tế trực tiếp thông qua các doanh nghiệp nhà nước, cùng với sự gắn kết thiếu minh bạch của một số nhóm đặc quyền trong khu vực tư, cũng tạo ra quan nnại về tính hiệu quả.

Thiết chế công bị "thương mại hóa, cát cứ, manh mún và thiếu sự giám sát của người dân" đã để lại nhiều bài học rất đáng rút kinh nghiệm.

Cuộc cải cách lần này là cơ hội để minh định lại vai trò của Nhà nước: từ bỏ tư duy "có quá nhiều thứ để cho" và "cho không minh bạch", chuyển sang vai trò kiến tạo và điều tiết thị trường một cách công bằng để nguồn lực được phân bổ một cách hiệu quả nhất. 

Khi quyền hạn và trách nhiệm được phân định rõ ràng hơn, khi các quy trình được rút gọn và minh bạch, sẽ giảm thiểu được sự "cát cứ, manh mún quyền lực" vốn dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ và các quyết định kém tối ưu. 

Việc sắp xếp, tinh gọn các bộ, ngành ở Trung ương (giảm từ 30 xuống 21 đầu mối) cho thấy một quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm phá vỡ "tư duy ngành" cố hữu, chuyển sang "tư duy chính sách tích hợp". Chính phủ sẽ không chỉ "nhỏ gọn" hơn mà còn vận hành hiệu quả hơn, linh hoạt hơn, tránh chồng chéo chức năng. Chính phủ tập trung vào vai trò kiến trúc sư trưởng điều phối các nguồn lực quốc gia, thay vì sa đà vào các sự vụ nhỏ lẻ hay tham gia trực tiếp quá sâu vào hoạt động kinh tế.

Điều này sẽ tạo điều kiện cho thị trường tự do phát huy tối đa tiềm năng, trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ngày 1/7/2025 hôm nay là cột mốc đánh dấu một chặng đường mới trong tiến trình cải cách ở nước ta với bao nhiêu hy vọng và kỳ vọng.

Người dân không chỉ mong muốn một chính quyền không gây phiền hà mà còn yêu cầu chính quyền “kiến tạo”. Doanh nghiệp không chỉ tìm kiếm môi trường ổn định mà cần sự đồng hành trong dài hạn, nơi quyền tài sản của họ được bảo vệ. 

Cuộc cải cách lần này từ Trung ương đến địa phương không chỉ là câu chuyện tổ chức, mà là thử thách tư duy, năng lực và bản lĩnh của cả hệ thống chính trị.

Nhưng khi lấy “Nhân dân” là từ khóa, người dân là trung tâm, thì mọi chính sách và hành xử sẽ luôn hướng về dân và thuận thị trường.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/gan-dan-va-vi-dan-2416915.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng
 Đi theo bóng mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm