Gạo Ấn Độ chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023
Gạo 5% tấm của Ấn Độ hiện được chào bán ở mức 395-401 USD/tấn, giảm so với mức 403-410 USD/tấn của tuần trước đó.
Một thương nhân tại New Delhi cho biết người mua đang đặt hàng với tốc độ chậm hơn, thậm chí một số còn trì hoãn mua do giá vẫn trong xu hướng giảm.
Từ đầu tháng Ba, Chính phủ Ấn Độ đã cho phép nối lại hoạt động xuất khẩu gạo 100% tấm sau khi áp dụng lệnh cấm từ tháng 9/2022.
Trong khi đó, giá gạo của Thái Lan vẫn ổn định ở mức "đáy" trong hơn hai năm. Cụ thể, tại Thái Lan, gạo 5% tấm được bán với giá 405 USD/tấn, bằng với giá của tuần trước. Các thương nhân cho rằng giá gạo tuần này không biến động do nhu cầu yếu và ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái.
Một thương nhân ở Bangkok cho biết thị trường khá trầm lắng. Ông nhận định sự cạnh tranh gay gắt của gạo Ấn Độ và Việt Nam có thể khiến các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan gặp khó khăn trong năm 2025.
Chính phủ Bangladesh đang có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thơm, nhằm thúc đẩy thương mại.
Theo giới chức nước này, Bangladesh - quốc gia sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới - chủ yếu tiêu thụ nội địa, nhưng động thái mới có thể giúp nước này gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu tăng nhẹ
Theo ghi nhận, từ cuối năm 2024 đến cuối tháng 2/2025, giá lúa gạo trong nước và giá gạo xuất khẩu liên tục giảm sâu. Tuy nhiên, đến nửa đầu tháng 3/2025, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu tăng nhẹ, trong khi các nước khác vẫn tiếp tục giảm.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết gạo 5% tấm đang được chào bán ở mức 400 USD/tấn, tăng so với mức 394 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân tại Đồng bằng Sông Cửu Long dự báo giá gạo có thể duy trì ở mức này trong vài phiên tới trong bối cảnh nguồn cung dồi dào.
Tại thị trường trong nước, giá lúa gạo hôm nay (30/3) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bình ổn. Cụ thể, theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, không có biến động với cả lúa tươi và gạo.
Theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, hiện giá lúa Đài Thơm 8 (tươi) dao động ở mốc 6.600 - 6.700/kg; giá lúa OM 18 (tươi) dao động ở mốc 6.600 - 6.700 đồng/kg; giá lúa OM 5451 (tươi) dao động mốc 5.800 - 5.900/kg; giá lúa IR 50404 (tươi) dao động ở mức 5.600 - 5.700 đồng/kg; lúa OM 380 (tươi) dao động ở mốc 5.500 - 5.800 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 ở mức 6.300 - 6.500 đồng/kg.
Ghi nhận tại nhiều địa phương hôm nay, nguồn ít, giao dịch mua bán vẫn chậm. Tại Đồng Tháp, lúa thơm nông dân chào giá vững, giao dịch mua bán vắng, giá ít biến động. Tại Long An, giao dịch lúa mới ít, lúa các loại đứng giá.
Với mặt hàng gạo, trong tuần giá các loại gạo trong nước tương đối ổn định. Riêng một số mặt gạo xuất khẩu, giá tăng mạnh giữa tuần, sau đó đi ngang và chững giá vào cuối tuần, với mức tăng tổng cộng 12 USD/tấn.
Theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, hiện gạo nguyên liệu IR 504 dao động ở mức 7.700 – 7.800 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 dao động ở mức 7.500 - 7.600 đồng/kg; gạo nguyên liệu 5451 dao động ở mức 8.600 - 8.750/kg; gạo thành phẩm OM 380 dao động ở 8.800 - 9.000 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 dao động ở 9.500 - 9.700 đồng/kg.
Với phụ phẩm, giá các mặt hàng phụ phẩm dao động khoảng từ 6.600 - 9.000 đồng/kg. Hiện tấm 3-4 dao động ở mức 6.600 - 6.700 đồng/kg; giá cám dao động ở mức 8.000 - 9.000 đồng/kg.
Nguồn: https://baodaknong.vn/gao-an-do-cham-day-gan-2-nam-gao-xuat-khau-viet-nam-da-bat-dau-tang-nhe-247754.html
Bình luận (0)