Cuộc đời và sự nghiệp của thầy là một minh chứng sống động cho lòng yêu nghề, bản lĩnh và sự kiên định với lý tưởng giáo dục.
Người thầy ở Sài Gòn trước 1975
Thầy Nguyễn Văn Ngai sinh năm 1949 tại Tây Ninh. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, thầy được phân công giảng dạy tại Hóc Môn. Ngày 31/8/1972, thầy được Trưởng ty Giáo dục tỉnh Gia Định ký sự vụ lệnh cử giảng dạy môn Toán tại Trường Trung học Nhất Linh, huyện Hóc Môn (nay là Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu).
![]() |
Thầy Ngai (đứng giữa) cùng đồng nghiệp tại Trường Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: NVCC |
Với phong cách giảng dạy chuẩn mực, nghiêm túc nhưng đầy lòng nhân ái, thầy nhanh chóng trở thành một giáo viên được đồng nghiệp nể trọng và học trò quý mến.
Nhớ lại những ngày trước 30/4/1975, thầy Ngai kể, vợ chồng ông là nhà giáo, nuôi con nhỏ chỉ dựa vào lương tháng. Mức lương tuy không quá cao nhưng đảm bảo được cuộc sống tối thiểu. “Thời đó, một người đi dạy học có thể nuôi vợ và ít nhất là 2 con đi học”, ông kể.
Thời điểm đó trường ít giờ dạy Toán nên trong đệ nhất lục cá nguyệt (học kỳ 1) ông được hiệu trưởng phân công dạy 8 tiết Toán và 8 tiết Sử Địa. Tới đệ nhị lục cá nguyệt (học kỳ 2), ông mới được phân công chỉ dạy Toán.
Tiếp nối sự nghiệp sau ngày đất nước thống nhất
Sau ngày 30/4/1975, Trường Trung học Nhất Linh được đổi tên thành Trường cấp 2,3 Nguyễn Hữu Cầu và thành lập Ban điều hành lâm thời gồm 5 thành viên. Thầy Nguyễn Văn Ngai được phân công làm Trưởng ban, sau này là Phó Hiệu trưởng, rồi làm Hiệu trưởng
“Thời gian đầu sau 30/4/1975, giáo viên gặp nhiều khó khăn khi lương chỉ còn 40-50 đồng/tháng, mỗi người được phân 13 kg gạo/tháng (riêng giáo viên giáo dục thể chất được 15 kg). Nhưng do không đủ gạo nên trong 13-15kg đó phải độn thêm mì sợi, bột mì, bo bo”, thầy Ngai kể và cho hay, dẫu khó khăn nhưng hoạt động giảng dạy học tập trong nhà trường vẫn vào nề nếp. Ngoài giảng dạy, giáo viên hướng dẫn học sinh lao động. Các nhà giáo mượn đất sau vụ mùa để đào giếng, trồng đậu bắp, đậu phộng, hoa màu…
![]() |
Thầy giáo Nguyễn Văn Ngai năm học 1983 - 1984. Ảnh: NVCC |
Là người chứng kiến cuộc chuyển giao giáo dục lúc đó, ông Ngai nhìn nhận mọi việc diễn ra thuận lợi. Các trường đều sử dụng lại giáo viên tại chỗ, còn gọi là giáo viên lưu dung (những nhà giáo từng dạy học qua hai thời kỳ trước và sau ngày thống nhất đất nước). Ngoài ra, trường tăng cường giáo viên là người tập kết, đi B, bộ đội chuyển ngành được đào tạo sư phạm, giáo viên trẻ mới ra trường. Mối quan hệ, hợp tác trong công việc giữa các nguồn giáo viên ở đại đa số các trường khá ổn, chỉ cá biệt vài nơi có sự phân biệt.
Thời gian đầu bước sang thời kỳ mới, giáo viên các môn tự nhiên khá thuận lợi khi dạy theo sách giáo khoa (SGK) mới, trong khi thầy cô dạy môn xã hội, đặc biệt là giáo viên lưu dung gặp nhiều khó khăn hơn do quan điểm có sự thay đổi.
Việc lớn nhất của ngành giáo dục là thay SGK. Toàn bộ sách dùng trước 30/4 ở miền Nam được thay bằng sách soạn riêng theo hệ phổ thông 12 năm. Đây là một điều mới mẻ vì lúc này miền Bắc vẫn sử dụng SGK theo hệ phổ thông 10 năm.
Trong ký ức của mình, ông Ngai nhớ lại rằng dù có sự thay đổi về sách giáo khoa, các giá trị đạo đức như lễ phép, kính trọng người lớn, thân thiện với bạn bè, siêng năng, yêu quê hương, tổ quốc… vẫn luôn được đề cao trong cả hai nền giáo dục, trước và sau năm 1975.
“Cả 2 nền giáo dục đều coi trọng việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, đặc biệt là cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Cả 2 đều giống nhau nhưng cách thể hiện khác nhau, đặc biệt là các môn xã hội”, thầy Ngai nhớ lại.
Năm 1991, thầy Ngai được điều động, bổ nhiệm làm Phó Bí thư Đảng ủy cấp trên cơ sở của ngành giáo dục và đào tạo thành phố. Đến năm 1998, thầy được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho đến ngày nhận quyết định nghỉ hưu vào ngày 1/7/2009.
Nhà giáo tận tâm và trí tuệ
Điều khiến nhiều người nể phục ở thầy Nguyễn Văn Ngai chính là trí tuệ minh mẫn và tâm huyết bền bỉ dù đã cao tuổi. Ngay cả khi nghỉ hưu, thầy vẫn thường xuyên viết báo, tham gia hội thảo giáo dục, trả lời phỏng vấn về các vấn đề thời sự liên quan đến thi cử, chương trình học, đạo đức học đường.
![]() |
Dù đã nghỉ hưu nhưng thầy vẫn gắn bó với ngành giáo dục qua các trả lời phóng vấn với phóng viên. Ảnh: T.L |
Thầy luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hình thành các giá trị đạo đức cho học sinh, với sự kết hợp giữa ba môi trường “gia đình – nhà trường – xã hội”
Gia đình thầy Nguyễn Văn Ngai có 4 người, trong đó 3 người công tác trong ngành giáo dục. Khi làm Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, ông Ngai thuộc nhóm được xét duyệt chương trình 300 thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy TPHCM. Ông được gợi ý nên cho một trong hai con trai đi du học.
Lúc này, hai con của thầy là Nguyễn Chí Thiện và Nguyễn Chí Nhân đã học xong Trường ĐH Bách khoa TPHCM, nhưng tự xác định gia đình không dư giả nên chọn học trong nước. Khi suất cho con đi học thạc sĩ nước ngoài bằng ngân sách nhà nước nằm trong tầm tay, ông Ngai thẳng thắn từ chối.
“Khi nhận được đề nghị cho con học thạc sĩ nước ngoài, tôi về nhà trao đổi để hai đứa suy nghĩ. Mấy ngày sau, cả hai đều nói không có nhu cầu", ông Ngai kể.
Ông cho rằng, nếu con mình tham gia chương trình, ngoài việc cần đạt chuẩn theo yêu cầu, trong chừng mực nào đó sẽ được ưu tiên vì ông là thành viên ban xét duyệt. Nhiều người bày tỏ tiếc nuối khi ông từ chối nhưng bản thân ông lại thấy rất nhẹ lòng. Hai con ông cũng không nhắc tới chuyện này. Hiện cả hai đã có việc làm ổn định và đều có bằng thạc sĩ.
Thầy luôn dạy các con sống giản dị, chân thật, hòa đồng, có lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm.
Nguồn: https://tienphong.vn/gap-thay-giao-day-hoc-o-sai-gon-truoc-ngay-3041975-post1738928.tpo
Bình luận (0)