Tại An Giang, giá gạo nguyên liệu trắng ổn định, giao dịch diễn ra đều đặn. Ở Lấp Vò (Đồng Tháp), lượng gạo về không nhiều nhưng giá vẫn vững. Tại chợ Sa Đéc và khu vực An Cư (Tiền Giang), sức mua yếu khiến giá không có nhiều biến động.
Giá một số loại gạo nguyên liệu như OM 18 giảm nhẹ, hiện dao động quanh mức 10.100 – 10.300 đồng/kg, giảm khoảng 100 đồng/kg so với cuối tuần trước. Trong khi đó, các loại gạo khác như Jasmine, CL 555, OM 5451 hay IR 504 tiếp tục giữ ổn định. Gạo thành phẩm cũng không có nhiều thay đổi, riêng gạo Nàng Hoa 9 vẫn duy trì mức giá quen thuộc từ 6.550 - 6.750 đồng/kg.
Tại các chợ bán lẻ ở An Giang, giá gạo thường điều chỉnh giảm nhẹ từ 1.000 đồng/kg, hiện phổ biến trong khoảng 13.000 - 15.000 đồng/kg. Trong khi đó, gạo thơm các loại vẫn giữ mức giá cao, dao động từ 18.000 - 22.000 đồng/kg. Một số loại như Nàng Nhen và gạo Nhật vẫn có giá cao, lần lượt là 28.000 đồng/kg và 22.000 đồng/kg.
Giá nếp hôm nay không thay đổi đáng kể. Nếp IR 4625 (tươi) ổn định ở mức 7.700 – 7.900 đồng/kg, trong khi nếp khô ba tháng duy trì quanh mức 9.600 - 9.700 đồng/kg.
Về phụ phẩm, giá có xu hướng tăng nhẹ. Trong đó, tấm thơm tăng từ 50 - 100 đồng/kg, hiện đạt 7.450 - 7.600 đồng/kg. Giá cám dao động từ 6.300 - 6.400 đồng/kg, còn tấm 3 - 4 ở mức 6.650 - 6.800 đồng/kg. Trấu giữ ổn định quanh 800 - 900 đồng/kg.
Thị trường lúa trong nước nhìn chung khá trầm lắng. Tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Cần Thơ và Long An, nguồn lúa tươi còn ít, giao dịch không sôi động, giá hầu hết giữ nguyên. Riêng Trà Vinh ghi nhận giá lúa ổn định khi mùa vụ đã dần kết thúc.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, giá lúa hôm nay điều chỉnh tăng nhẹ. Cụ thể, lúa OM 5451 tăng 200 đồng/kg, lên mức 6.500 - 6.700 đồng/kg. Lúa Đài Thơm 8 và OM 18 tăng 50 đồng/kg, giao dịch phổ biến quanh mức 6.900 - 7.050 đồng/kg. Các loại lúa thơm, lúa thường và IR 504 vẫn duy trì mức giá quen thuộc, cho thấy thị trường đang có chuyển biến tích cực sau thời gian dài trầm lắng.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay giữ ổn định so với cuối tuần trước. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo tiêu chuẩn 100% tấm hiện ở mức 317 USD/tấn, trong khi loại gạo 25% tấm được giao dịch ở mức 367 USD/tấn.
Gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn duy trì mức giá 394 USD/tấn. Mức giá này không khác biệt nhiều so với gạo cùng loại của Thái Lan (393 USD/tấn), nhưng cao hơn so với gạo của Pakistan (390 USD/tấn) và Ấn Độ (376 USD/tấn).
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng gạo tồn kho cuối kỳ toàn cầu trong niên vụ 2024 - 2025 được điều chỉnh tăng thêm 1,7 triệu tấn so với dự báo trước đó, nâng tổng lượng lên 183,2 triệu tấn. Đây là mức cao nhất kể từ niên vụ 2021 - 2022.
Phần lớn điều chỉnh tăng đến từ khu vực Đông Nam Á, nơi tồn kho gạo của Indonesia, Thái Lan và Việt Nam được nâng lên, bù đắp cho sự sụt giảm ở Ấn Độ và Pakistan. Dù giảm nhẹ 0,5 triệu tấn so với dự báo trước, tồn kho gạo của Ấn Độ vẫn là động lực chính kéo tổng tồn kho toàn cầu tăng lên, nhờ vào vụ mùa bội thu.
Tồn kho cuối kỳ của Trung Quốc không thay đổi, tiếp tục duy trì ở mức 103,5 triệu tấn. Con số này chiếm tới 56% tổng lượng tồn kho gạo toàn cầu, cho thấy Trung Quốc vẫn là nước nắm giữ nguồn dự trữ lớn nhất thế giới.
USDA cũng nâng dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm 2025 lên mức 59,7 triệu tấn, tăng 2% so với ước tính trước. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn kỷ lục 59,9 triệu tấn đạt được vào năm ngoái.
Riêng xuất khẩu của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng mạnh, đạt mức kỷ lục 24 triệu tấn trong năm 2025. Tính từ 1/4/2024 đến 25/3/2025, Ấn Độ đã xuất khẩu 19,86 triệu tấn gạo, vượt xa mức 16,36 triệu tấn trong năm tài chính trước đó. Điều này cho thấy Ấn Độ tiếp tục giữ vững vị thế là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/gia-lua-gao-hom-nay-22-4-2025-dien-bien-trai-chieu-3153325.html
Bình luận (0)