Kết thúc tuần giao dịch, giá vàng giao ngay neo ở mức 3.038,8 USD/ounce, giảm 46,9 USD so với mức chốt phiên tuần trước, kết thúc chuỗi 5 tuần tăng giá liên tiếp của kim loại quý này.
Thị trường vàng thế giới tiếp tục biến động mạnh trong tuần này, với giá tăng - giảm biên độ lớn. Bước vào tuần giao dịch mới, giá vàng tăng vọt lên mức kỷ lục hơn 3.100 USD/ounce, đánh dấu một trong những đợt tăng giá mạnh nhất trong lịch sử kim loại quý này.
Đà tăng được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, trong đó có nhu cầu trú ẩn an toàn tăng cao, do lo ngại về hậu quả từ các chính sách thuế quan của Mỹ, nhu cầu mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng lãi suất, bất ổn địa chính trị ở Trung Đông và châu Âu, dòng tiền đổ vào các quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng tăng.
Trong các phiên giao dịch tiếp theo, giá kim loại quý này biến động nhẹ và duy trì gần mức cao kỷ lục. Trong hai ngày giao dịch cuối, giá vàng “lao dốc” không phanh, khi các nhà đầu tư đổ xô chốt lời và đóng vị thế vàng, để bù đắp các khoản lỗ từ các loại tài sản khác. Kết thúc tuần, giá vàng neo ở mức 3.038,8 USD/ounce, giảm 46,9 USD so với mức chốt phiên tuần trước, kết thúc chuỗi 5 tuần tăng giá liên tiếp của kim loại quý này.
Theo đó, các mức thuế thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm mất ổn định thương mại toàn cầu và có thể gây ra một cuộc suy thoái kinh tế thế giới. Điều này đã khiến thị trường tài chính quốc tế “chao đảo” và các kim loại quý, trong đó có vàng, cũng chịu tác động.
Mặc dù giảm mạnh so với tuần trước, nhưng giới chuyên gia cho rằng, vàng vẫn vượt trội hơn đáng kể so với thị trường chứng khoán, bởi S&P 500 đã giảm gần 500 điểm, hay 8,7% so với thứ Sáu tuần trước. Chỉ số thị trường chung đang trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ khi nền kinh tế toàn cầu bị đóng cửa trong đại dịch Covid-19.
Trưởng phòng chiến lược Chris Vecchio của Tastylive.com cho rằng, không có gì ngạc nhiên khi cổ phiếu chứng kiến đợt bán tháo mạnh như vậy, vì thuế quan toàn cầu của Tổng thống Trump đang gây ra sự gián đoạn lớn nhất đối với thương mại toàn cầu trong 100 năm.
Mặc dù giá vàng giảm, nhưng Vecchio lạc quan cho rằng, các yếu tố đẩy giá lên hơn 3.000 USD/ounce vẫn vững chắc và giá giảm vẫn là cơ hội để mua vào. “Về lâu dài, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục đa dạng hóa khỏi đồng USD và chuyển sang vàng” ông nói.
Cùng quan điểm, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao David Morrison của Trade Nation cho rằng, dù đợt bán tháo vàng diễn ra mạnh hơn dự kiến, nhưng động thái này không có gì ngạc nhiên, vì các chỉ báo động lượng cho thấy giá đang giao dịch trong vùng quá mua. Tuy nhiên, ông không kỳ vọng đợt tăng giá sẽ kết thúc, ngay cả khi giá giảm nữa.
Chuyên gia này nói thêm rằng, nếu giá vàng củng cố quanh mức 3.000 hoặc thậm chí 2.900 USD/ounce, vàng có thể thiết lập lại đường trung bình động hội tụ phân kỳ và tạo cơ sở cho đợt tăng giá mới kéo dài nhiều năm.
Giới chuyên gia và các nhà đầu tư đều cho rằng, đợt bán tháo vừa qua không có gì đáng ngại và hiện tại, các yếu tố hỗ trợ vàng vẫn còn nguyên vẹn. Neil Welsh, Trưởng phòng kim loại của Britannia Global Markets cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, giá vàng có nhiều khả năng quay trở lại mức cao kỷ lục mới.
Trong khi đó, các nhà phân tích cho biết lập trường trung lập của Fed là tiêu cực đối với vàng, vì nó hỗ trợ lợi suất trái phiếu cao hơn và đồng USD mạnh hơn.
Phát biểu tại sự kiện mới đây tại Arlington (bang Virginia), Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý rằng, thị trường lao động vẫn khá lành mạnh và rủi ro lạm phát tiếp tục gia tăng. Người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới này cũng nhấn mạnh rằng, Fed đang theo dõi các dữ liệu trước khi quyết định sẽ làm gì tiếp theo.
Dù cho rằng vàng có thể sẽ tiếp tục giảm giá trong ngắn hạn, nhưng Giám đốc đầu tư Naeem Aslam của Zaye Capital Markets nói rằng, ông vẫn tin vào kim loại quý này. Căng thẳng địa chính trị và nỗi lo lạm phát vẫn còn rất lớn, sẽ là các yếu tố hạn chế đà giảm của vàng. “Tôi coi vàng là một khoản mua vào khi giá giảm, đặc biệt là nếu chúng ta có sự thoái lui về các mức quan trọng như 3.000 USD/ounce. Sự không chắc chắn sẽ không biến mất - chiến tranh thương mại, chính sách của ngân hàng trung ương và rủi ro địa chính trị đều đang hỗ trợ vàng”, Aslam nói.
Thông tin quan trọng được thị trường chờ đợi trong tuần tới là các dữ liệu lạm phát. Các nhà phân tích cho rằng, các báo cáo tới đây có thể sẽ tác động đến hướng đi của kim loại quý này.
Tương tự với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh trong hầu hết các phiên giao dịch. Đặc biệt, vào ngày 31-3, giá vàng trong nước tăng “phi mã”, với giá vàng miếng tăng 1,1 triệu đồng ở cả 2 chiều, lên lần lượt 99,5 triệu đồng/lượng mua vào và 101,8 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng nhẫn tăng mạnh nhất hơn 1 triệu đồng, lên quanh mức 99 triệu đồng/lượng mua vào và hơn 101 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá kim loại quý này được điều chỉnh tăng - giảm nhẹ trong các phiên tiếp theo trước khi “lao dốc” trong ngày 5-4, với giá vàng miếng mất đi 1,7 triệu đồng giá mua và 1,2 triệu đồng giá bán, giá vàng nhẫn cũng giảm hơn 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều.
Lúc 13 giờ ngày 5-4, giá vàng miếng SJC niêm yết ở mức 100,1 triệu đồng/lượng bán ra. Hiện tại, nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 5 triệu đồng/lượng.
Nguồn: https://baolangson.vn/gia-vang-tuan-toi-se-tiep-tuc-giam-5043257.html
Bình luận (0)