Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, đã phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, tạo nền tảng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2026 - 2030.
Giai đoạn 2021 - 2025, giá trị sản xuất bình quân trong tỉnh đạt 372 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 1,9 lần so với năm 2020 |
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, triển khai các chính sách huy động nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phê duyệt thực hiện trên 37 chương trình, đề án cơ cấu lại ngành theo hướng toàn diện bền vững, hiện đại; liên kết chuỗi giá trị, kết nối nông nghiệp với tiểu thủ công nghiệp; Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới; trên 35 công trình hạ tầng thuỷ lợi thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn với tổng nguồn vốn đã bố trí hơn 2.108,8 tỷ đồng, cao hơn 1,7 lần so với giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, gần 1.011,2 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới; hơn 748 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển liên kết chuỗi giá trị, cơ giới hoá, phát triển kinh tế tập thể, chuyển đổi số, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; gần 350 tỷ đồng xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình hạ tầng thuỷ lợi, đường giao thông nông thôn, trồng chăm sóc rừng…
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường đánh giá, các chủ trương chính sách đã bám sát tình hình thực tế phát triển của các địa phương, tạo điều kiện người dân được tiếp cận các nguồn vốn và đã được người dân hưởng ứng cùng đóng góp để triển khai thực hiện, tạo động lực thúc đẩy trong phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống tinh thần vật chất của người dân khu vực nông thôn…
Đáng kể, từ nguồn dự phòng Trung ương và ngân sách địa phương phân bổ hơn 1.465 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, sản xuất bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ; chuyển đổi số; phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; phát triển ngành nghề, làng nghề; thương hiệu sản phẩm; xúc tiến thương mại; hỗ trợ vắc xin, hoá chất phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo vệ cây trồng; bảo vệ và phát triển rừng; khôi phục độ che phủ rừng; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai..
Kết quả, đến nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh 337.934 ha, chiếm 91,8% tổng diện tích đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tương ứng tổng diện tích gieo trồng 413.185 ha, trong đó, hệ số canh tác cây hằng năm 2,21 lần; chất lượng giống cây trồng, vật nuôi được cải thiện, các giống mới, năng suất, chất lượng cao thích ứng với điều kiện tự nhiên đưa vào sử dụng; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh mở rộng diện tích 72.100 ha (1.000 ha nông nghiệp thông minh); diện tích sản xuất giá trị dưới 50 triệu đồng/ha/năm giảm còn 17.200 ha, chiếm 5,2% diện tích canh tác. Qua đó, nâng cao giá trị sản xuất bình quân đạt 372 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 1,9 lần so với năm 2020.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế tập thể với hơn 50% hợp tác xã xếp loại khá, tốt; phát triển 275 chuỗi liên kết sản xuất có sự tham gia của 210 doanh nghiệp và 112 hợp tác xã, nâng tỷ lệ nông sản tiêu thụ toàn tỉnh qua chuỗi đạt trên 65% tổng sản lượng thu hoạch. Trên 400 sản phẩm OCOP và 800 sản phẩm sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đã góp phần khẳng định vị thế nông sản Lâm Đồng tại 50 nước trên thế giới, xuất khẩu nông sản chiếm tỷ lệ hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ngoài ra, bình quân mỗi năm, số vụ vi phạm, diện tích rừng, khối lượng lâm sản thiệt hại giảm trên 20% so với năm trước đó; trồng 52,9 triệu cây xanh các loại, đạt 105,8% kế hoạch, 2.050 ha rừng tập trung; tỷ lệ che phủ rừng 54,37%.
“Cùng với tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã chuyển sang sản xuất hàng hóa; năng suất lao động tăng bình quân trên 15%/năm. Hạ tầng phục vụ sản xuất với các ao, hồ, đập nâng cấp, đảm bảo năng lực cấp nước, hệ thống kênh mương kiên cố hoá, chú trọng đầu tư hệ thống thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng, tưới tiên tiến, tiết kiệm. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch thực hiện hiệu quả, phát huy tiềm năng, thế mạnh từng vùng, nhất là các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm như: chế biến, sản xuất giống invitro, nguyên vật liệu, trang thiết bị, giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, tạo động lực tăng trưởng dài hạn…”, Sở Nông nghiệp và Môi trường nhận định.
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinh-te/202504/huy-dong-nguon-luc-dau-tu-phat-trien-nong-nghiep-c2d1080/
Bình luận (0)