Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đưa văn hóa đến gần hơn với du khách

Việt NamViệt Nam07/04/2025


Đưa văn hóa đến gần hơn với du khách

Bằng tình yêu và sự trân trọng đối với văn hóa truyền thống, một số người con Bình Định đã đưa sản phẩm văn hóa truyền thống đến gần hơn với du khách thông qua các mô hình kinh doanh; có người lặng lẽ gieo những hạt mầm nhỏ để tiếp nối hành trình quảng bá quê hương đến với bạn bè muôn phương.

Bên phố kể chuyện văn hóa

Tại homestay và cà phê Tree Hugger (05A Hai Bà Trưng, TP Quy Nhơn), văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được “kể lại” bằng một cách rất riêng, sâu lắng mà gần gũi. Từng là thành viên của Hợp phần GIZ (Dự án khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình), anh Bùi Quang Thịnh (quê ở Bình Định) nhận thấy các sản phẩm do người dân tộc thiểu số (DTTS) chế tác kỳ công, độc đáo. Từ đó, anh quyết định kết nối với các làng nghề, xây dựng một không gian kết hợp giữa quán cà phê và trưng bày sản phẩm có tên Tree Hugger, nhằm giới thiệu và quảng bá những giá trị truyền thống tại TP Đồng Hới (Quảng Bình).

Năm 2023, Tree Hugger được ra mắt tại TP Quy Nhơn, thu hút nhiều khách địa phương và nước ngoài đến. Tại đây, khách hàng vừa thưởng thức cà phê, vừa được nghe “kể chuyện” qua từng sản phẩm thủ công như: Trang phục, giỏ đan, gùi, túi, ví, đồ gốm, vật dụng trang trí… của các làng nghề của đồng bào DTTS như H’mông, Dao, Thái, Cơ Tu... Đây cũng là cách anh Thịnh thiết kế và trang trí cho homestay của mình.

Chị Trần Lê Thu Hiền, đại diện Tree Hugger, chia sẻ: Để truyền tải đúng tinh thần và bản sắc của từng dân tộc, chúng tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, lựa chọn và sắp đặt từng sản phẩm như một cách kể chuyện về dân tộc ấy. Thông qua những thông tin cơ bản giới thiệu đi kèm, khách có thể hiểu thêm về văn hóa và nguồn gốc của mỗi món đồ. Chúng tôi hy vọng rằng những việc làm nhỏ này sẽ góp phần lưu giữ và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời đóng góp vào hành trình xây dựng một xã hội bền vững.

Hướng dẫn viên du lịch Trần Thị Như Thường say sưa hô bài chòi dân gian phục vụ người dân và du khách, đây cũng là thời gian chị tận dụng để trau dồi kỹ năng của mình. Ảnh: NVCC

Góp sức lan tỏa bài chòi

Bắt đầu công việc hướng dẫn viên du lịch từ năm 2009, cũng là hành trình anh Lê Văn Ánh (hướng dẫn viên du lịch tự do ở TP Quy Nhơn) khám phá quê hương sâu sắc hơn. Để vững vàng làm nghề, anh sưu tầm sách, báo; chủ động phân chia các tuyến vùng để nghiên cứu, nắm vững văn hóa đặc trưng qua nhân vật lịch sử, làng nghề truyền thống…; ghi chép lại câu hỏi của du khách để tra cứu, học hỏi và trau dồi kiến thức bản địa.

Năm 2018, anh khởi xướng chương trình tập huấn trình diễn bài chòi dành cho đội ngũ hưỡng dẫn viên du lịch.

Lớp học ban đầu chỉ vài người, sau tăng lên khoảng 40 học viên. Ý tưởng này nảy ra khi một lần anh dẫn đoàn ngang qua khu vực diễn bài chòi ở Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) và bất ngờ được yêu cầu hát thử một câu.

Hướng dẫn viên Lê Văn Ánh chia sẻ: Tôi nghĩ, mình làm nghề lâu năm mà còn lúng túng, thì các bạn trẻ cũng có thể sẽ gặp tình huống tương tự. Do đó, tôi tìm đến nghệ nhân Hoàng Việt, may mắn được ông tận tình truyền dạy và không nhận học phí. Năm 2019 - 2020, tôi tiếp tục mời nghệ nhân Hoàng Việt đứng lớp tập huấn bài chòi cho các hướng dẫn viên. Điều tôi mong muốn, khi được du khách yêu cầu một điều nhỏ nhoi là nghe hô bài chòi, các hướng dẫn viên đều có thể hô được một cách tự tin, sinh động.

Cũng là hướng dẫn viên du lịch, chị Trần Thị Như Thường (SN 1993, huyện Tuy Phước) thường xuyên luyện tập và tham gia các hoạt động hô hát bài chòi dân gian tại địa phương. Để hát được bài chòi, chị tìm đến các nghệ nhân Nguyễn Phú, Minh Đức, Hồng Diệu, Diệu Thiện để xin tài liệu, học thêm làn điệu, nhịp điệu và câu thai; tham gia lớp tập huấn bài chòi do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức năm 2022, 2023. Tại Liên hoan các CLB bài chòi dân gian huyện Tuy Phước năm 2024, chị đã giành giải ba.

Những video hát bài chòi mà chị đăng tải trên trang Facebook cá nhân không chỉ thu hút đông đảo người xem, mà còn khiến nhiều người trầm trồ, bình luận vui rằng “con gái xứ Nẫu hát bài chòi hay nhói tim”.

Chị Như Thường chia sẻ: Khi đón khách về Bình Định tham quan, điều đầu tiên tôi luôn tự hào là giới thiệu về nghệ thuật bài chòi Bình Định. Dù lời giới thiệu có hay đến đâu cũng không giúp du khách cảm nhận hết vẻ đẹp, cái hay của bài chòi. Do vậy tôi quyết tâm học cho bằng được. Khi đó, tôi có thể tự tin kể về quê hương bằng tất cả tấm lòng của một người con Bình Định.              

HUỲNH VỸ



Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=353949

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đoàn kết vì một Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất
Săn mây ở miền sơn cước yên bình Hang Kia - Pà Cò
Hành trình nửa thế kỷ chưa có hồi kết
Nghệ thuật 3D mapping "vẽ" hình xe tăng, máy bay, lá cờ Tổ quốc trên Hội trường Thống Nhất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm