Vẫn còn không ít khó khăn
Thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cả nước chỉ 33% giảng viên có trình độ tiến sỹ trở lên. Cụ thể, có gần 91.300 giảng viên bậc đại học và giảng viên bậc cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Trong đó, hơn 30.000 giảng viên có trình độ tiến sỹ trở lên, chiếm 33%.
Để thu hút giảng viên trình độ cao, các cơ sở giáo dục đại học công lập tại TP. Hồ Chí Minh hiện đang “tung” nhiều chính sách hấp dẫn như: thu nhập khủng, cơ hội đào tạo và phát triển tốt, nhiều chế độ đãi ngộ kèm theo... Việc này nhằm tăng chất lượng và quy mô đào tạo, đáp ứng theo chuẩn, đồng thời đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Theo đánh giá, bước đầu những chính sách này đã có kết quả tích cực, song trên thực tế vẫn còn không ít khó khăn để phát triển đội ngũ giảng viên giỏi.

Chia sẻ về một trong những khó khăn hiện nay đối với giảng viên ở các trường công lập, nhiều ý kiến cho biết, mức lương của giảng viên là tiến sĩ hiện nay quá thấp, khoảng 15 triệu đồng/tháng, chưa gồm phụ cấp. Đây là mức lương thấp so với yêu cầu cao của công việc và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Đây cũng là một trong những rào cản lớn khiến Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển đội ngũ những năm qua. Theo đó, từ năm 2018, trường đã triển khai nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Dù vậy, trong 3 năm qua, trường chỉ tuyển được 31 giảng viên cơ hữu (32%), song có đến 30 giảng viên cơ hữu nghỉ việc hoặc chuyển công tác, trong đó có đến 4 phó giáo sư, 13 tiến sỹ và 13 thạc sĩ.
Trong khi đó, tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, năm 2024 trường đăng ký tuyển dụng 6 giảng viên trình độ tiến sỹ trở lên cho các ngành ngôn ngữ Đức, tôn giáo học, giáo dục học, tâm lý học, ngôn ngữ học và nhóm ngành khu vực học theo diện thu hút nhân tài của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Đến nay, sau 3 đợt trường vẫn chưa tuyển được ai.
Hiệu trưởng Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh Lê Trường Sơn cũng chia sẻ, quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm giảng viên hiện nay vẫn còn phụ thuộc vào nhiều quy định mang tính hành chính, khiến cho việc linh hoạt trong sử dụng nhân lực gặp trở ngại. Những thủ tục hành chính có thể kéo dài vài tháng. Trong khoảng thời gian đó, ứng viên có thể đổi ý vì nhận được những lời mời hấp dẫn hơn từ nơi khác.
Nhiều chính sách hỗ trợ hấp dẫn
Trước thách thức trong việc thu hút giảng viên, nhiều trường đại học công lập tại thành phố đã chuyển hướng sang phương án đào tạo tại nguồn, với nhiều chính sách hỗ trợ hấp dẫn.
Đơn cử, để tạo điều kiện thuận lợi và chính sách hỗ trợ giảng viên nâng cao trình độ, Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh miễn 100% học phí trình độ tiến sỹ cho giảng viên của trường, giảm 150 giờ dạy chuẩn/năm học để bảo đảm thời gian nghiên cứu và học tập, giúp giảng viên tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến. Khi hoàn thành khóa học và nộp bằng về trường, tiến sỹ tốt nghiệp trong nước được thưởng 50 triệu đồng, còn tiến sỹ tốt nghiệp ở nước ngoài nhận mức thưởng 120 triệu đồng.

Tương tự, Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra chính sách khuyến khích mạnh mẽ để tự tạo nguồn giảng viên. Theo đó, viên chức và người lao động khi hoàn thành chương trình tiến sỹ sẽ nhận thưởng 50-100 triệu đồng. Đặc biệt, giảng viên được phong hàm phó giáo sư sẽ được thưởng 200 triệu đồng, giáo sư là 250 triệu đồng.
Để thu hút tài năng trẻ, trường còn triển khai chính sách tuyển chọn sinh viên xuất sắc 18-30 tuổi vào chương trình tập sự giảng viên trong 12 tháng. Trong thời gian này được hưởng 100% lương và thu nhập tăng thêm. Sau giai đoạn tập sự, ứng viên sẽ được bổ nhiệm chức danh viên chức và xếp lương theo trình độ đào tạo.
Áp dụng chính sách quyết liệt hơn, Trường đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh bắt buộc tất cả giảng viên nữ dưới 45 tuổi và giảng viên nam dưới 50 tuổi phải học lên tiến sỹ. Ai không tuân thủ sẽ bị ảnh hưởng đến đánh giá thi đua hàng năm, thậm chí có thể bị xếp vào diện không hoàn thành nhiệm vụ. Đi cùng với đó, trường hỗ trợ toàn bộ học phí, bảo đảm thu nhập trong thời gian học, với những giảng viên học tập ở nước ngoài, trường hỗ trợ bằng học bổng ngoại giao.
Cần có chính sách hỗ trợ và các cơ chế đặc thù
Bên cạnh nỗ lực của các trường, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) Ngô Thị Phương Lan cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và các cơ chế đặc thù trong nghiên cứu, duy trì đào tạo và phát triển ngành khoa học cơ bản và khó tuyển để đáp ứng cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Để tạo cơ chế thuận lợi cho cơ sở đào tạo trong việc thu hút, giữ chân giảng viên trình độ cao, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân đề xuất, cần cho phép các trường công lập trọng điểm có cơ chế đặc thù để tự quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ và các chính sách thu hút nhân tài thay vì bị ràng buộc bởi khung lương chung.
Đồng thời, cần xây dựng cơ chế tuyển dụng linh hoạt, rút gọn quy trình tuyển dụng; cần đầu tư mạnh vào nghiên cứu và cơ sở hạ tầng học thuật; cần có chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ và nhà khoa học hồi hương bằng gói hỗ trợ tài chính; cần có cơ chế cho Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và đại học trọng điểm được bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư.
Theo ông Quân, khi được trao quyền bổ nhiệm, các đại học có thể xây dựng hội đồng xét duyệt học thuật độc lập, thiết lập tiêu chuẩn riêng, phù hợp với đặc thù đào tạo và nghiên cứu. Từ đó, các đại học lớn có thể đưa ra những chính sách linh hoạt hơn để hấp dẫn nhân tài, tuyển dụng nhanh chóng những nhà khoa học xuất sắc, nhất là những người đang làm việc ở nước ngoài. Điều này cũng sẽ giúp các giảng viên sẽ có thêm động lực phấn đấu, tạo ra sự cạnh tranh tích cực trong nghiên cứu và giảng dạy.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/giai-phap-thu-hut-giang-vien-gioi-post409240.html
Bình luận (0)